Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

CÓ MỘT ĐÁM CƯỚI NHƯ THẾ Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG



CÓ MỘT ĐÁM CƯỚI NHƯ THẾ

( tiếp theo truyện “ Nỗi Khổ Không Rời “ )

Truyện Ngắn

MANG VIÊN LONG


Ông Mẫn liếc nhìn vẻ mặt buồn buồn của Kiệt – lòng cảm thấy chua xót, bỗng nhớ Lành. Đứa con mà nàng đã ấp ủ bao ước mơ thật đẹp khi biết nó đang tượng hình trong người nàng, bây giờ đang buồn khổ vì chuyện vợ con. Chỉ một ước mong nhỏ nhoi là có được vài chỉ vàng để lo việc đám cưới cho thân mình, cũng không biết tìm đâu.
- Ba dành dụm được năm chỉ, định sửa lại nhà hết ba rồi, còn hai chỉ có đủ không? – Ông dò xét nhìn Kiệt.
- Còn dì Hiên hứa cho con hai chỉ nữa mà, ba? Kiệt quay lại nhìn ông, chờ đợi.
- À – Ông cười, vậy là được bốn chỉ…
Hiên- người vợ kế của ông Mẫn, từ nhà sau bước lên, giọng vui vẻ:
- Dì đã tính rồi, con à! – Hiên đến ngồi đối diện Kiệt – sính lễ cho ngày đại nạp là hai chiếc nhẫn hai chỉ, đôi bông tai một chỉ và sợi dây chuyền một chỉ…
- Đôi bông tai một chỉ thì cũng coi được, chứ dây chuyền một chỉ làm sao, em ? Ông Mẫn thở dài.
- Tôi sẽ hỏi mượn thêm để lo phần trà rượu, bánh trái, đám tiệc nữa – tổng cọng cũng gần bốn năm chục ngàn đồng nữa mà…
Hiên nhìn vào mắt Kiệt :
- Áo quần giày dép thì con đến hiệu cho thuê mướn họ hai ngày, cũng không bao nhiêu tiền đâu – nàng do dự - dì cũng sẽ liệu cho…
Ông Mẫn đến bên bàn thờ Lành, bật quẹt dốt ba cây nhang – chợt nhớ, quay lại hỏi Kiệt: “ À này, bác Minh mày hứa trả cho bao nhiêu ?“.
- Bác bảo trừ tiền ăn uống, chi phí lặt vặt, hai năm rồi bác ấy sẽ trả cho con bốn chỉ, nhưng đến ngày cưới, mới đưa ra giữa hai họ, cho hai đứa làm vốn làm ăn - Kiệt đáp lơ lửng.
- Hai năm làm thợ mà chỉ trả cho bấy nhiêu thôi sao, Kiệt? – Ông Mẫn vừa cắm nhang vào chiếc lư sành, vừa liếc nhìn Kiệt, lắc đầu.
- Con nghe bác gái nói vậy thì biết vậy mà? – Kiệt nhếch cười, mà bác gái đã nói thì bác trai cũng bó tay!
Hiên móc trong túi áo ra một tấm giấy nhỏ, trao cho ông Mẫn “ Ba mầy thấy còn thiếu sót gì thì ghi thêm vào đây! Chộn rộn rồi đến ngày là quên trước quên sau hết đó! “.
Ông Mẫn vói tay lấy tờ giấy, chăm chú đọc.
- Em đúng là cô giáo mẫu mực!- Ông liếc nhìn Hiên cười, ông trời có mắt đã thương cha con anh mà; nhà này không nhờ có cái đầu và bàn tay của em thì cha con anh “ ở lính cả đời “..
- Anh vẫn không “ chừa “ cái bản tính “ lính chiến đa tình “ ngày xưa mà! – Hiên vội chạy ra sau nhà khi nghe có mùi khét của trách cá bóng kho tiêu .
Ông Mẫn đứng dậy, vỗ vào vai Kiêt: “ Con yên tâm đi! Ba và dì sẽ lo cho con chu tất thôi! Còn gần hai tuần lễ nữa mới đến ngày “ viếng gia, bỏ lễ “ bên nhà gái theo lời thầy Cửu dặn mà! “.



Kiệt thương yêu Duyên trong một dịp rất tình cờ : Đang lui cui sửa chiếc xe bị mất lửa, đạp hoài không nổ của ông khách đi xe thồ, thì Duyên dắt xe vào tiệm.
Duyên vội nói : “ Anh sửa giúp em gấp được không? “
- Em đi đâu mà gấp dữ vậy?
- Em phải về tận Gò Bồi, trời tối, lại sắp mưa rồi…
- Trời tối, anh sẽ đưa em về mà- Kiệt cười, được không?
- Em sợ …” vợ anh “ chận đánh lắm - Duyên lấy tay che miệng, khúc khích cười.
- Có ai thương anh thợ nghèo này đâu, em? – Kiệt vừa thay chiếc vít lửa vào xe, vừa nói tỉnh bơ - Ai mà thèm để mắt tới anh…
- Nghèo, giàu mà làm gì, anh?
- Sao lại “ không làm gì “ ? – Kiệt ngước lên nhìn kỹ khuôn mặt Duyên một chút - cười, em không nghe ngưởi ta nói “ có tiền mua tiên cũng được “ sao ?
- Mua “ tiên ở ngoài đường “, chứ làm gì mua được …
Kiệt vừa sửa xong xe cho bác xe thồ, dắt xe ra sân – đến bên chiếc xe Dream II của Duyên còn dựng ờ ngoài – nhìn thoáng qua, hỏi : “ Xe em bị “ bệnh” gì ? “
- Em đạp đến chục lần vẫn không chịu nổ…
Kiệt thử đạp vài cái, anh cười : “ Bệnh nhẹ thôi mà! “.
- Chắc là bị…cảm rồi? – Duyên lại che tay lên miệng, cười.
- Xe em bị ngộp xăng thôi! – Kiệt loay hoay mở bộ lọc xăng.
- Vậy là đỡ tốn nhiều tiền rồi!
- Anh sửa giúp em cũng được mà – Kiệt ngẩng lên nhìn Duyên, cười thoải mái - em chịu không?
- Bộ em…khùng sao không chịu? – Duyên ngồi xuống chiếc ghế xếp bên cạnh - sửa xe không lấy tiền sao không chịu mà hỏi? – nàng lại cười thân tình, chỉ sợ anh “ không chịu “ thôi!
Kiệt súc rửa bộ hòa khí, lọc xăng – thong thả ráp vào – trong đầu chỉ nghĩ đến câu sẽ trả lời sao để có thể tỏ tình với cô khách hàng lạ lẫm, vui tính này. Đã bao năm làm việc cho tiệm sửa xe của bác Minh, Kiệt gặp nhiều cô gái nhưng lần nầy cảm thấy ở cô khách lại rất khác lạ: Cô không tỏ ra xem thường, ỷ vào đồng tiến sẽ bỏ ra, mà còn ăn nói rất thân thiện, chân tình.
Duyên đang chăm chú nhìn Kiệt, cũng với vẻ gần gũi như đã được gặp nhau lâu rồi. Nàng nhận ra trên khuôn mặt đầy đặn phúc hậu của chàng sửa xe, có đôi mắt rất đặc biêt, nốt ruồi ở trên bờ môi trái dễ thương mỗi khi anh cười.
Kiệt đứng dậy, lau tay – đạp thử. Xe nổ, tiếng hơi rền, to. Anh đưa que chỉnh lại mức xăng, ga – tiếng nổ êm dần. Xe đã sửa gần xong mà Kiệt chưa tìm ra câu nói nào thật ưng ý để “ gởi gắm “ cho nàng. Anh tắt máy – tiếp tục mở bugi ra lau chùi. Kiệt bổng dừng tay – nhìn sững lên mặt nàng giây lâu : “ Em đẹp mà ăn nói rất dễ thương, nết na lắm! “.
- Anh đừng cho em mừng…hụt đó nhé?.
- Anh nói thiệt mà!
- Vậy sao mới biết em mà anh đã nói vậy?
- Chỉ mới biết em thôi – nhưng anh đã biết…nhớ gặp nhiều cô khách hàng đã đến đây. Họ tuy sang giàu chưng diện vậy mà thua em xa!
Duyên đưa tay che miệng, cười – giọng ngập ngừng :
- Anh nói thiệt thì em cũng nói thiệt nhé?
- Em cứ nói đi - Kiệt vặn chiếc bugi vào xe – anh không hề giận đâu!
- Anh cũng thông minh, đẹp trai lắm!
Lần đầu tiên nghe một cô gái dạn dĩ khen mình, Kiệt rất bối rối, xúc động. Anh đứng dậy – chỉ đắm đuối nhìn Duyên mà không thể nói được lời nào nữa …
Rồi họ thường hẹn gặp nhau. Yêu thương gắn bó.
Một năm sau…


Ông Thanh – cha của Duyên nói : “ Con đẹp, có học , gia đình ta đừng sựng vầy – sao lại chọn yêu thằng sửa xe, rồi mai đây ba biết ăn nói làm sao với bà con bạn bè ? “.
Duyên ngồi ở giường với mẹ - im lặng.
- Bà nghĩ sao ? Sao bà cũng nín thinh vậy? – Ông Thanh xẳng giọng.
- Thì còn nghĩ sao nữa? – Bà thở dài, con nó đã nói hết tình rồi – ông không nghe thấy sao? Còn tôi? Tôi đã bao phen nói thẳng với ông rồi – sao còn hỏi lại?
- Nghe gì?
- Không cho nó ưng thằng Kiệt, nó đi tu hay …
- Thôi, thôi!- Ông Thanh đưa tay ra ngăn – bà còn “ bắc thang” cho nó leo nữa rồi!
- Ông mau quên - bà liếc nhìn chồng, chứ ngày xưa ưng tui, ông có hơn thằng Kiệt chút nào?
- Hồi đó khác, bây giờ khác!- Ông lớn tiếng, “ con hư tại mẹ “ là đúng rồi!
Sau lần bất hòa với vợ hôm ấy, ông Thanh biết mình không thể can ngăn được vợ - nhất là Duyên, nên thường yên lặng, giao phó cho bà Thanh quyết định. Nếu không bị thất hứa với vợ chồng lão chủ doanh nghiệp Mười Thịnh thì có lẽ ông không nhiều lần bất hòa nóng tính với vợ con như thế. Trong một bữa nhậu, lão Mười Thịnh đã ướm lời hỏi Duyên cho cậu con trai đã bao phen làm cho vợ chồng ông điêu đứng. Giải pháp “ cưới vợ “ cho Tùng là cách còn lại có khả năng cứu vãn cho gia đình ông. Tùng học không nổi lớp 10, chạy điểm mấy lượt cũng không xong, đành bỏ ngang la cà lêu lỏng. Hết bi da đến xì phé. Cá độ. Suốt ngày dong ruổi trên chiếc Cami đời mới ăn diện như tài tử xi nê, tụ họp nhậu nhẹt ghi sổ nợ làm vợ chồng lão Mười mất ăn mất ngủ. Lão muốn “ cột chân “ Tùng lại bằng cách “ cưới vợ” cho Tùng. Vợ con sẽ cột chặt đôi chân Tùng hơn là sợi dây xích sắt ông đã có lần xích Tùng vì thua cá độ bóng đá phải thế luôn chiếc xe. Ông hỏi Tùng : “ Mày chịu ưng con nào, tao sẵn sàng cưới cho mà lo làm ăn - chỉ trừ con ông trời là tao không cưới được cho mày thôi! “. Tùng đáp gọn : “ Ba cưới con Duyên cho tui! “. Lão Thịnh cười khà khà : “ Tưởng mày chọn con hoa hậu, hoa khôi – hay con quan nào tao cũng cưới cho mày được - đằng này con gái ông giáo Thanh thì dễ ợt ! Nhưng mầy cũng có cặp mắt tài tình đó. Con nhỏ đẹp hấp dẫn lạ lùng… “.
Vợ chồng lão Thịnh đang coi ngày giờ tốt để qua làm lễ hỏi, không ngờ Kiệt đã chở ông Mẫn đến “ viếng gia “ với cặp trà rượu theo lời dặn của Duyên. Vợ chồng ông Thanh tiếp cha con Mẫn một cách dè dặt – không dám hứa gì, mà cũng không dám trả trà rượu lại. Ông Thanh nhìn vợ yên lặng, có vẻ đắn đo, suy tính – nên không thể mạnh dạn từ chối. Cuộc gặp đầu tiên kết thúc đơn giản nhanh chóng ngoài dự định của Kiệt. Trên đường về, Kiệt nói : “ Duyên có dặn riêng con, nếu sau một tuần không xảy ra chuyện gì thì con chở ba sang đi lễ hỏi ngay, định ngày đại nạp và cưới sau đó vài ngày..”.
Giọng ông Mẫn có vẻ bất bình :
- Mày cưới vợ mà làm y như đi đánh giăc vậy, Kiệt?
- Thì lúc ba cưới má con cũng y như …chạy giặc rồi mà? – Kiệt chợt cười.
- Thời chiến khác, bây giờ khác chớ?
- Thời nào cũng có…chuyện của thời ấy mà ba?
Trong một tuần sau ngày nhận lễ vật “ viếng gia “ của ông Mẫn – ông Thanh hai lần gây gổ với bà Thanh và cả Duyên. Lần này ông không thể dấu giếm chuyện đã hứa gả Duyên cho thằng Tùng – con lão Mười Thịnh nữa, Ông nói ngay: “ Bà thấy gia đình, tài sản của lão Mười Thịnh thế nào? “.
- Sao ông lại đem chuyện của người ta vào nhà mình? - bà Thanh ngạc nhiên.
- Có chuyện tôi mới hỏi, bà cứ trả lời đi rồi sẽ biết…
- Lão giàu nổi tiếng cả huyện này, ai mà không biết!
- Không phải cả huyện đâu – có thể cả tỉnh nữa đấy…
- Thì kệ người ta, lão giàu lão hưởng, có mắc mớ gì đến mình?
- Bà chưa biết đâu : Vợ chồng lão muốn hỏi con Duyên cho thằng Tùng đó…
Chuyện này thì Duyên cũng đã nghe cô Tuyết nói xa gần từ sau bữa nhậu ở quán ăn của cô rồi, chỉ có bà Thanh thì chưa hay biết gì. Duyên đôi lần gặp lão Mười Thịnh đến nhà, rủ rê ba mình đi nhậu – cùng cặp kè thân tình, cũng đoán ra mọi chuyện giữa hai người, nhưng vẫn lẳng lặng .
- Họ có chính thức đến đây với lễ lộc gì đâu mà ông biết?
- Lão Mười đã nhiều lần nói với tôi…
- Ở đâu?
- Ở quán cô Tuyết…
- Trời, chuyện vợ chồng mà mang ra quán nhậu đàm tiếu vậy coi sao được, ông?
Không trả lời câu hỏi của vợ - ông Thanh cao giọng:
- Nhà cửa, tài sản ở cái thị trấn, thành phố này là chuyện nhỏ. Lão còn có mấy lô đất, có nhà chung cư villa đặc biệt ở Saigon nũa kìa!
Bà Thanh ngồi yên.
Duyên im lặng, liếc nhìn mẹ.
- Bà biết lão có chiếc xe con mấy tỷ không?
- Đủ rồi!- bà sẵng giọng - con Duyên về nhà lão mới có chỗ ở, có cơm ăn hay sao?
- Nhưng mà nhà cửa sang trọng, xe hơi lộng lẫy, ăn mặc đẹp đẽ hơn – lại không lo nghĩ gì…Bà không muốn cho con được sung sướng hay sao?
- Ai nói với ông là “ không lo nghĩ gì ? “- Ông có chắc là nó sẽ sung sướng hạnh phúc không? – Bà chợt cười – nó có ăn thì một ngày cũng hai ba bữa, vài mươi bộ đồ, nằm một cái giường, nhưng muốn có vậy nó sẽ biến thành…- Bà bỏ lửng câu nói, chiếu tia nhìn sắc vào mặt ông Thanh - ông không thấy ông Kỳ, bà Phụ gả con gái cho gia đình mấy tay áp phe buôn bán giàu sụ đó sao?


Sau ngày nhận lễ hỏi và đại nạp của cha con ông Mẫn, ông Thanh vội cỡi xe qua nhà lão Mười Thịnh ngay. Dường như lão Mười cũng đã nghe tin, đón ông Thanh với vẻ mặt lầm lì, sắt đá. Chưa đợi cho ông Thanh ngồi vào ghế salon, đã to tiếng : “ Ông còn vác mặt sang đây gặp tôi làm gì? “.
- Tôi có chuyện quan trọng muốn bàn tính với vợ chồng anh chị…
- Chuyện gì mà quan trong?
- Chuyện của cháu Tùng và con gái tôi…
- Lại định phỉnh phờ, lường gạt tôi nữa sao, ông?
- Không phải vậy mà!
Lão Mười gầm gừ, xô ghế, đứng phắt dậy : “ Mời anh ra khỏi nhà tôi ngay! “. Lão Mười nhìn chằm chằm vào mặt ông Thanh như muốn ăn tươi nuốt sống. Người bình thường khi nổi giận đã khó chịu, người giàu có quyền thế như lão Mười lại càng gay gắt, hung tợn hơn nhiều. Tiền của, sự sang giàu thường biến con người trở nên rất dễ nóng giận, cộc cằn. Ông Thanh vẫn ngồi yên, nhưng như chao đảo trên chiếc ghế rộng. Ông vịn hai tay lên thành ghế.
Bà Mười bước ra khỏi phòng riêng, đến ngồi vào chiếc ghế đối diện với ông Thanh – cuời nhạt : ‘ Anh có chuyện gì, xin cứ nói! “. Ông Thanh chồm người lại gần, rầm rì một hơi dài. Bà Mười mỉm cười, khẽ gật đầu, tỏ vẻ ưng ý..
Ông Thanh vội đứng dậy, bước lại đẩy cánh cửa kính, giọng ngập ngừng : “ Xin chị nói lại với anh Mười! Cứ y như vậy nhé? ”
- Anh yên tâm, nơi nào tôi cũng có sẵn nhà mà! Tôi thách bọn nó làm gì được tôi!
Ngày đám cưới của Kiệt với Duyên đã đến như dự tính : Bốn chiếc xe Honda chở họ trai gồm tám người : Vợ chồng ông Mẫn, vợ chồng bác Minh, vợ chồng người con trai trưởng của bác Minh, và Kiệt chở theo một người bạn thân. Bốn chiếc xe chạy vào ngõ nhà Duyên…
Trước cửa nhà ông Thanh cũng đã dựng chiếc cổng “ Mừng Vu Qui “ – giữa nhà bày một chiếc bàn dài với ly tách bình trà, lọ hoa - và hai chiếc bàn tròn đã dọn sẵn ly chén…Ông bà Thanh quần áo chỉnh tề, họ nhà gái sắn sàng đón nhà trai nhập gia đúng giờ đại lợi.
Hai họ ngồi yên vị vào hai dãy ghế, người phụ việc rót trà ra tách mời khách. Ông Mẫn cầm lấy điếu thuốc từ tay ông Thanh : “ Cám ơn anh! “.
-Mời hai họ dùng trà – bà Thanh vui vẻ.
Bác Minh nâng tách trà hớp một ngụm, liếc nhìn ông Mẫn – đứng dậy: “ Thưa bà con hai họ! Được sự đồng ý của hai họ, hôm nay là ngày lành tháng tốt, chúng tôi đến xin được làm hai lễ cưới và rước dâu như đã được thỏa thuận…”.
Ông Mẫn gọi Kiệt mang hai cặp trà rượu, hai quả bánh, hộp trầu cau, và hộp nữ trang. Ông bày ra giữa bàn, cẩn trọng rót hai ly rượu lẻ : “ Tôi xin anh chị nhận cho lễ cưới…”.
Hai ly rượu được đại diện hai họ nhận, cùng cụng ly – uống cạn.
Theo lời dặn của Duyên với Kiệt, cố gắng hoàn thành mọi thủ tục lễ nghi càng sớm, càng tốt, nên Kiệt kề tai ông Mẫn nhắc lại. Ông Mẫn gật đầu.
Hai họ đã cạn ly rượu cho lễ cưới – ông Mẫn lại đứng lên thưa xin làm tiếp lễ rước dâu. Ông Thanh lầm lì im lặng. Bà Thanh thay chồng đứng dậy đáp lời ông Mẫn, nhận rượu rước dâu. Vui vẻ mời hai họ cạn ly rượu…
Ông Mẫn xin phép cho hai con làm lễ gia tiên. Ông Thanh giơ tay can ngăn : “ Thôi, miễn…”. Bác Minh nhắc lại giờ nhập gia bên nhà trai. Chỉ còn một giờ nữa thôi. Bác nói : “ Rất tiếc ,chúng ta còn rất ít thời gian, nên xin phép nhà gái cho chúng tôi rước dâu đi cho đúng giờ…”.
Tám chiếc xe Honda lần lượt chạy thẳng ra liên tỉnh lộ. Xe của Kiệt chở Duyên ở hàng thứ tư. Sau xe Kiệt là họ nhà gái. Đoàn xe quành vào con hẻm đến ngõ nhà Kiệt trước giờ dự trù ba mươi phút. Hai họ dựng xe, đứng thư giãn ở sân, chờ giờ nhập gia. Ông Thanh liếc nhìn căn nhà ngói mới xây lại chưa kịp tô vách ngoài của ông Mẫn, nói vào tai vợ : “ Bà thấy chưa? Nhà cửa tuềnh toàng kiểu này thì con Duyên có nước khóc! “. Bà Thanh quay đi, hướng nhìn khu vườn trồng nhiều loại rau, giàn bầu bí sum suê, mát mắt với vẻ thích thú.
Ông Thanh bước đến bên người em họ. Người em gật đầu. Sau đó, lật đật đến chỗ Duyên. Ông Thanh tìm lại đứng bên bác Minh và ông Mẫn đang ở hiên nhà chờ giờ đón khách – nói : “ Cháu nó không hạp tuổi với Kiệt, ông thầy có dặn khi đúng giờ, chúng ta cứ vào nhà làm lễ trước – cháu nó theo vào sau để tránh đi điềm xấu! “.
Họ nhà gái đã lần lượt vào ngồi ở hàng ghế bên phải. Họ nhà trai đã ngồi sẵn bên trái vui vẻ tiếp trà, thuốc. Hai họ đang trò chuyện mưa nắng mùa màng thoải mái vì lễ rước dâu chỉ đơn giản một tuần rượu rồi sẽ mời vào bàn tiệc đã chuẩn bị sẵn ở hai chiếc bàn tròn nơi góc trái bên cạnh; bỗng tiếng la thét của Kiệt kèm theo tiếng khóc ơi ới của Duyên ngoài ngõ vọng vào cùng lúc tiếng xe máy gầm rú ào ào…
Người em họ ông Thanh đã chở Duyên trên xe cùng với cô em gái ngồi sau kèm giữ chạy băng ra ngõ, vượt lên con lộ lớn. Kiệt chở theo người bạn, cố rượt đuổi – người bạn ngồi sau la lớn : “ Bắt nó, bà con! Bắt nó…quân ăn cướp! “.
Xe của người em họ ông Thanh chúi vào một bờ giậu dâm bụt cách chiếc xe con của lão Mười Thịnh đang chờ sẵn vài trăm mét, cả ba người cùng ngã lăn xuống đường. Chiếc xe vẫn nổ máy, gầm rú như con thú bị thương nặng. Vài phút sau, xe của Kiệt nhào đến. Anh bỏ xe cho bạn, chạy đến đỡ Duyên ngồi dậy…
Sau đó thì hai họ đều cùng có mặt. Lúc này thì người đi đường, bà con trong các ngõ xóm kéo ra, bu quanh khá đông.
Ông Thanh gạt đám đông ra đứng ở ngoài một mình trên gò đất cao: “ Tôi tuyên bố đám cưới bất thành! Gia dình nhà gái không công nhận đám cưới này nữa! “.
- Đi mời chính quyền, công an xã đến đây xét xử - tiếng bác Mính gầm lên.
- Kìa, công an đã đến rồi…
Trưởng công xã và hai du kích mang súng tiến lại.
- Mời tất cả về trụ sở !- ông quay lại người du kích đang đứng bên cạnh – anh điện gọi thêm để áp tải nếu ai chống lại..
Đám đông kéo theo hai họ cùng về trụ sở . Kiệt chở Duyên trên xe chạy trước. Người ta phẫn nộ bàn tán huyên náo về vụ “ bắt cóc cô dâu “ của gia đình lão Mười Thịnh vì trước khi chiếc xe con chạy thoát, người ta đã nhìn thấy Tùng và một bọn du đảng đậu xe chờ đợi cả giờ ở ngã rẽ lên quốc lộ.
Tại trụ sở - có mặt đầy đủ đại diện chính quyền, ban tư pháp, công an – và bà con hai họ - sau khi lấy lời khai của hai họ nhà trai và gái, ông chủ tịch xã nhìn Duyên giây lâu - hỏi : “ Cô có yêu thương anh Kiệt này không? “.
- Thưa có! Duyên nói to.
- Còn cậu Kiệt? Cậu có yêu thương cô Duyên này không?
- Dạ thưa có! Nhiều lắm…- Kiệt đứng dậy trả lời.
Mọi người đứng bên ngoài theo dõi, nghe rõ – cười rộ lên.
Ông chủ tịch quay lại nhìn vợ chồng ông Thanh, rồi liếc nhìn ông Mẫn : “ Quý vị đã nghe rõ chưa? “.
Ông kết thúc biên bản : “ Tôi thay mặt chính quyền địa phương xác nhận hai cháu Kiệt và Duyên được phép kết hôn theo luật định kể từ giờ phút này… “.

Quê nhà, tháng 8 năm 2000
MANG VIÊN LONG

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

NỖI KHỔ KHÔNG RỜI Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG


NỖI KHỔ KHÔNG RỜI



Truyện Ngắn


MANG VIÊN LONG



Năm 1971 Mẫn thi hỏng tú tài một, bị gọi vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế. Ra trường thì được đẩy lên xe thiêt giáp. Trung sĩ thiết giáp. Sau đó ba tháng Mẫn đã được điều động lái xe thiết giáp lên ngay Phú Bổn sống với núi rừng Tây nguyên . Trận giáp chiến cấp Sư đoàn giữa tháng 2 năm sau đã đánh bật anh rời khỏi chiếc thiết giáp về nằm chèo queo ở Quân y viên T3 mấy tháng. Cuối năm, ra hội đồng y khoa, xuất viện, rồi giải ngũ, lãnh số trợ cấp thương binh loại 2 , mỗi tháng nhận tám ngàn đồng.

Đầu năm 73, Mẫn về lại quê, gặp cô Lành – một y tá của trạm xá xã . Cô Lành nhó thua anh sáu tuổi, đẹp gái, cao ráo, nhưng mồ côi cả cha mẹ, được người cô họ đùm bọc cho ăn học hết bậc trung học đệ nhất cấp, rồi thi vào lớp tá viên điều dưỡng , xin một chân y tá ở xã. Chàng trai hào hoa ngày nào với chiếc mũ bê rê lệch trên mái tóc bờm sờm đã quên dần mùi súng đạn bia rượu, thường lui tới trạm xá nhờ Lành chích thuốc, săn sóc các vết thương lâu lâu trở chứng khiến Mẫn thường đau nhức. Lành săn sóc vết thương ở ngoài , mà cũng săn sóc luôn vết thương bên trong của Mẫn nữa : Anh đã phài lòng cô y tá hiền từ đẹp người đẹp nết , nên dù các vết thưong không còn làm cho anh đau dớn, Mẫn vẫn thường lui tới trạm xá. Lúc ấy, Mẫn cảm thấy vết thương trong lòng mình làm anh ray rức, khổ đau hơn là những vết đạn trên thân thể.

Một hôm, anh nói điều đó với Lành : “ Cô Lành ơi! Nhờ cô làm ơn săn sóc giúp vết thương trong trái tim tôi nhé? “.

Lành che miệng cười : “ Anh nói nghe lạ quá! “

- Nói thiệt, đâu có gì mà lạ?

- Em chỉ biết làm việc của một y tá là chích thuốc, thay băng vết thương cho anh, còn…” vết thương trong trái tim “ làm sao em thấy?

Lâu ngày, Lành cũng thấy dần “ vết thương trong trái tim “ của Mẫn. bởi dù không có việc gì để cho cô săn sóc, Mẫn vẫn thường xuyên có mặt ở trạm xá chỉ để nhìn cô làm việc rồi về! Lành lặng lẽ, không biết nói gì - mà lòng cảm thấy rất vui sướng. Cả năm lui cui ở cái trạm xá trống trải của khu xã vùng ven nghèo khó, Lành chẳng gặp được ai lạ lùng như thế. Cô không dám nghĩ đến ai, vì biết phận mình côi cút, nghèo khó, có ai mà nghĩ đến mình? .

Nhưng một hôm, anh thương binh đa tình dã lén nhét vào túi xách của Lành một phong thư … Tình yêu của họ bắt đầu như vậy – đơn giản và nhanh chóng. Của hai tâm hồn cô độc và chân thành.

Trong cảnh quạnh quẽ của làng xóm, họ như hai kẻ dứng bên lề của cuộc đời bề bộn. đang trôi chảy cuồn cuộn trước mặt trong tiếng gầm của bom đạn ngày càng ác liệt, gần kề. Người cô của Lành đã đồng ý đứng ra tổ chức một đám cưới dã chiến chỉ diễn ra trong một buổi, cả hai họ đều ngồi chung quanh một chiếc bàn tròn vỏn vẹn tám người. Sau lễ, bữa tiệc vừa dứt, anh lính thiết giáp chở cô y tá trên chiếc xe Honda 67 chạy thẳng về nhà mình ở cuối xóm.

Làng xóm vắng hoe.

Tiếng nổ mỗi ngày một gần.

Trong những ngày chộn rôn giữa năm 74, Lành sinh thằng Kiệt cũng ở ngay cái trạm xá trống trải lần đầu tiên hai người gặp nhau.



Mùa hè năm 75 đã thay đổi hẳn cuộc sống quen thuộc cũ bằng một cuộc sống khác mà Mẫn bắt đầu nhận ra từ cuốn sổ lãnh tiền trợ cấp thương binh mà anh đã cất giữ rất kỹ trước đây bỗng trở thành một tập giấy lộn vô ích. Mẫn cầm nó trên tay, có dịp nhìn lại nó như nhìn vào những vết thương của mình ngày nào : Một cảm giác vừa chua xót và ngậm ngùi tràn ngập trong lòng . Anh đem đốt cuốn sổ vô dụng, như để che dấu một chuyện gì kém may mắn, hay bị thua thiệt trong cô độc. Lành nhìn theo ngọn lửa cháy phừng phựt trên tay Mẫn, tự nhiên nước mắt cứ ràn rụa, chảy dài. Nàng biết, kể từ sau khi cuốn sổ cháy thành tro bụi rồi, gia đình Lành – nhất là bản thân của Mẫn, sẽ phải gánh lấy rất nhiều khó khổ , lận đận. Lâu nay, tuy số tiền Mẫn nhận về không nhiều, nhưng đã giúp cho gia đình được yên ấm, đắp đổi qua ngày. Bây giờ…

Lành không còn được biên chế cho làm việc tại tram y tế xã nữa vì Mẫn là một hạ sĩ quan ngụy; cho dầu chỉ với mươi ký gạo và một ít nhu yếu phẫm phân phối hằng tháng. Cuộc sống đang bị đảo ngược bắt đầu từ mảnh giây “ lý lịch cá nhân” như một bản cáo trạng. Không ai rõ chuyện gì sẽ xảy ra cho mình và gia đình. Mỗi ngày một thêm tin tức, hội họp, học tập, chỉ thị, thông báo… Mọi người đều cảm thấy xa lạ, ngơ ngác và hoang mang nhưng chẳng dám hé răng. Chì dòm ngó quanh quất. Và lầm lũi…

Hai vợ chồng Mẫn và đứa con sống nhờ vào mảnh vườn một sào đất với khu trồng rau, giàn bầu bí , mươi con gà và một con heo. Lành được gọi vào hợp tác xã, hằng ngày theo tiếng kiểng tụ tập ở sân đội sản xuất để nghe phân công việc làm, và chỉ được về nhà sau tiếng kiểng . Mẫn ở nhà vừa trông con, vừa săn sóc khu vườn, rồi cho lợn ăn, cắt rau, hái bí chờ Lành về đem ra chợ. Kiệt lớn lên trong cảnh thiếu thốn, túng quẩn ấy, nhưng mọi ưu tiên đều dành cho nó, nên nhờ trời cũng ít ốm đau. Ăn khỏe. Chóng lớn. Mẫn và Lành đều ăn cơm dộn mì lát hay mì sợi với tô mắm và đĩa rau luột suốt tháng, dành phần cơm trắng và chút cá đồng , lạng thịt mua chui hay quả trứng gà cho Kiệt.

Một lần Kiệt bị tiêu chảy vì ăn nhằm thịt heo chết. thịt đã ươn, Lành bế con chờ chực suốt buổi ở trạm xá, lãnh được mấy viên “ xuyên tâm liên “ ( bệnh nào cũng chỉ là loại thuốc tự chế ấy ) nên không cầm được tiêu chày ngày càng nhiều. Nhờ mấy năm làm y tá ở xã, Lành biết nơi, tìm này lại được 2 viên Teramycine của Pháp cho Kiệt uống. Hôm sau nó dứt bệnh. Như thần dược! Nàng dã thừa biết tiêu chuẩn thuốc đã được quy định rõ ràng bằng văn bản chì dành cho cán bộ. Chức vị càng cao, thuốc càng tốt. Còn dân thường như vợ chồng Lành thì phải tự lo liệu, nếu không muốn uống “ xuyên tâm liên”, Siro ho nấu bằng lá khuynh diệp, hay viên cảm APC to bằng ngón tay cái nữa; nhưng không thể ngồi nhìn con quằn quại vì bệnh nên đành ẵm con đi…

Mẫn đã không đành để cho Lành phải đạp xe lọc cọc hơn 20 cây số, rồi vượt suối, dốc cao , lên tận miền núi rừng An Trường để làm “ nghĩa vụ lao động “ mỗi năm 15 ngày nữa. (Theo quy định. nếu người nào không di, thì có thể thuê mướn người khác, hay nộp lúa cho xã tính theo ngày công mỗi năm 15 ngày ). Sau lần đầu Lành đùm túm gạo mắm ra đi 5 ngày, trở về bị sốt rét hành hạ cả tuần, Mẫn quyết định sẽ đăng ký đi thay vợ lần tiếp theo. Anh nghĩ, dù là một y tá, nhưng Lành không có kinh nghiêm “ sống ở rừng “ như anh. Lần ấy, Mẫn đạp xe theo đoàn người lao động ở xã từ sáng sớm, chiều tối mới mò đến được điểm dừng . Đem gói cơm vắt ra ăn vội, uống hết nừa bidong nước – Mẫn treo võng giữa hai nhánh cây to – ngủ thiếp vì mệt.

Buổi sáng, người cán bộ chỉ huy thấy anh chân đi khập khiểng, sau một lúc la hét rầy rà đã phân công cho anh lo việc cơm nước ở láng. Bảo vệ dụng cụ, tư trang cho cả đoàn. Đoàn người kéo vào rừng sâu, chặt cây, phát quang, đắp đường. Đốt rừng, làm rẫy trồng mì. Trong lúc đoàn người chưa đến giờ trở về láng trại, Mẫn đi loanh quanh trong rừng, và phát hiện ra những dây mây to, dài – chằng chịt trong các bờ bụi, chạy dài qua bên kia những con suối. Anh dùng áo thun bao tay, rút dần thử từng sợi mây. Có sợi dài trên năm, sáu thước. Sợi ngắn nhất cũng ba thước. Trong 2 giờ được rổi rảnh buổi sáng, Mẫn rút được 20 sợi mây to. Buổi chiều, Mẫn lại tiếp tục “ trò chơi rút mây “, đi dần vào sâu trong rừng. Nhở có kinh nghiêm phát hiện lùm mây mọc. cách kéo rút từng đoạn tránh những sợi quá dài vượt qua suối có lúc không rút được đành phải bỏ – Mẫn rút dươc 28 sợi mây loại dài và 15 sợi mây ngắn. Anh gom lại, so mây bằng cách buột đầu một sợi dài nhất vào thân cây, rồi lần lượt lựa dần ra thành 3 nhóm : Dài nhất, nhì và ba. Mẫn cuộn tròn lại thành ba vòng , buột chặt gọn gàng rồi dấu dưới láng trước khi đoàn người lũ lượt rời khỏi khu lao động trở về. Sau 5 ngày của đợt công tác theo quy định, đoàn dân công dược ra về tự do - Mẫn khệ nệ tải những vòng mây ra khỏi rừng, chất hết lên xe đạp, đẩy đi. Ra khỏi bìa rừng từ sáng sớm, nhưng đến xế chiều Mẫn mới đẩy được chiếc xe cọc cạch vào ngỏ.

Lành chạy vội ra đỡ xe, cằn nhằn : “ Anh di một mình đã khó, còn chở thêm những cuộn mây này… này về làm gì? “.

- Tiền đó mà, em! Mẫn nhếch môi cười, nhìn mấy cuộn mây nằm giữa sân một cách sung sướng.

- Tiền đâu không thấy, đau bệnh thì có nước chết- Lành buông thõng, thở dài.

Cho đến khi Mẫn gọi người đến xem mây, gạ bán - có được khoảng tiền xấp xỉ 5 ngày công lao động - Lành mới hiểu ra được công lao khó khổ của Mẫn đã nhọc nhằn rút từng sợi mây chằng chịt giữa rừng để tải về nhà. Lành nhớ lời của người dượng thường nói thưở nào : “ Chiến tranh, đánh nhau – người dân đen mình khổ… bứt mây! “. Khổ như bứt mây. Khổ dữ lắm! Mà Mẫn đã làm được điều ấy!

Từ dạo đó, Mẫn đã quen chịu cảnh “ bứt mây “ từ cánh rừng An Trường, rồi dần lên Vĩnh Thanh, An Khê những ngày rảnh việc trồng trọt, chăn nuôi để có thể phụ giúp cùng Lành khi ngày công của Lành mỗi mùa nhận lúa từ kho hợp tác về không đủ ăn cho đến giáp hạt dù rất dè xẻn phải dộn thêm mì lát, mì sợi…



Mùa đông năm 81, Lành sinh khó, Mẫn phải chạy thuê xe Lam chở đi bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện cũng lắc đầu, không giúp gì được khi máu cứ ra mỗi lúc một nhiều! Mẫn nhờ người ngồi sau xe Honda ôm giữ Lành để chở nàng đến cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Xe vừa chạy vào đến cổng bệnh viện, dừng lại – Mẫn quay người định ẵm Lành đến phòng xin giấy nhập viện, thì thấy gương mặt Lành tím ngắt, người lạnh băng từ bao giờ. Đôi mắt cứng đờ, trắng dã, bất dộng. Nàng đã ngồi im như vậy từ lúc nào? Mẫn bật khóc : “ Lành ơi! Em đã đi rồi sao? “.

Kiệt lên bảy tuổi, Mẫn xin cho con vào học lớp mẫu giáo ở thôn. Anh gởi con cho Hiên - cô giáo làng - suốt ngày, chiều tối mới chở con về nhà. Hằng tháng tính cả tiền ăn trưa và công dạy thêm, Mẫn đã trả cho Hiên 20 ký lô gạo. Nhờ sự giúp đỡ của Hiên, anh vẫn thường đạp xe lên An Trường, tiếp tục “ nghề “ bứt mây từ sáng sớm đến chiều tối mới lò mò về đến nhà đi đón Kiệt. Mấy năm lặn lội ở An Trường, mây ở cánh rừng thưa này đã gần cạn, chì còn lại những cọng mây nhỏ và ngắn không quá ba thước. Loại mây hạng ba này chỉ bán được một nửa tiền của mây dài. Mười sợi một vòng, hai chục vòng một cuộn – Mẫn bán được năm chục ngàn đồng – một số tiền không nhỏ cho một ngày công của anh.

Trong xã, nhiều người không có việc gì làm để kiếm thêm tiền chợ, tiền áo quần, thuốc men, cho con đi học khi việc bán buôn đang bị thu hẹp dần, còn nghế nghiệp ế ẩm , công điểm ở hợp tác rẻ mạt - nên đã cùng rủ nhau theo Mẫn lên rừng bứt mây ngày càng nhiều. Mẫn đành quanh quẩn lục lọi sâu dần vào cánh rừng thưa An Trường, không lên được khu rừng già An Khê vì phải ở lại ít nhất hai ba hôm, bỏ Kiệt không ai trông nom . Càng nhớ Lành, Mẫn càng thương Kiệt. Càng thương con, anh càng đau xót. Nỗi đau thầm lặng, ray rức, khiến anh khổ sở hơn những vết đạn trên thân thể ngày nào. Nay chúng đã thành những vết thẹo lành lặn, nhưng vết thương trong tim anh thì đang rỉ máu không biết đến bao giờ ?



Kiệt học xong lớp 9, Mẫn đem cậu lên thị trấn gởi cho người anh để học nghế sửa xe đạp, Honda. Vợ chồng người anh tiếp nhận Kiệt niềm nở để có thêm một người giúp việc nhà, nhưng phần Mẫn mỗi tháng phải chở lên cho Kiệt 15 ký lô gạo trong thời gian một năm học nghề. Mẫn suốt ngày lui cui trong vườn với đám rau, giàn bầu bí, rồi đàn gà, con heo dành dụm từng đồng cho ngày học xong nghề trở về mở một tiệm sửa chữa riêng cho Kiệt như dự tính. Sức lực của Mẫn từ nhiều năm nay đã không kéo nổi một sợi mây dài ba thước nữa, nên tất cả chỉ trông cậy vào khu vườn. Đủ mọi thứ tiền phải chi phí đều nằm trong bó rau, trái bầu bí, con gà, lứa heo mỗi tháng. Trong cảnh cô độc và nghèo khó ấy, Hiên đã đến với anh như một sự sắp xếp kì lạ của duyên số. Nàng vẫn thường đến giúp anh mang rau, quả, trứng ra khu chợ ngoài xã để bán vào mỗi sáng chủ nhật.

Lần đầu tiên, Mẫn bỏ vào tay Hiên một phần tiền, gọi là “ để em mua tí quà cho cháu “ - Hiên đã sửng sốt, và tức giận : “ Anh nghĩ em thế nào mà làm vậy? “.

- Anh có nghĩ gì đâu? – Mẫn gắng cười – anh chỉ thương con của em như con của anh thôi! Hiên đứng yên - im lặng.

- Anh muốn gởi chút quà cho con…

Hiên bật khóc.

- Anh xin lỗi em!

- Anh không có lỗi…

- Vậy sao em lại khóc, Hiên?

Hiên vẫn lặng yên. Nàng ngập ngừng:

- Vì…em rất yêu thương anh, anh Mẫn!

Hiên đã một mình cặm cụi nuôi đứa đầu lòng từ khi Tính chính thức nộp đơn xin ly hôn ở tòa án huyện, được tòa xử chấp thuận ngay sau đó - đã hai năm. Tính được người “ cha đỡ đầu “ là giám đốc nơi anh đang công tác hứa gã cô con gái út đang học trung cấp kế toán khi cô ta ra trường, về công ty thương nghiệp của ông nhận việc. Tương lai của Tính sẽ mở ra, sáng lạn, trong lúc bao người đang lặn hụp vì miếng cơm. Tính không còn là anh nhân viên chạy hàng quèn luôn bị sai bảo, mà sẽ có cơ hội vào đảng, đi học. làm lớn ….Ai cũng nhận ra lý do Tính đòi ly hôn Hiên, nhưng chỉ thầm hiểu, thầm thương, thầm lo sợ thôi. Lý do nêu trong tờ đơn ly hôn chỉ là cái cớ che đậy một sự thật tồi tệ ở người chồng bạc tình. Xưa nay, “ chuyện bé xé ra to” hay “ ghét nhau cau sáu chẻ ra làm mười “ vẫn thường xảy ra trong đời sống của những kẻ cơ hội, tham lam, và ích kỷ để làm tấm bình phong che chắn tội lỗi.

Gần gúi Mẫn, Hiên nhận ra ở anh một nơi chốn bình yên cho cuộc đời còn lại của mình. Nàng đã thay Lành chăm sóc cho Kiệt bấy lâu – và hôm nay, vẫn kề cận bên Mẫn mỗi tuần để chia sẻ cùng anh gánh nặng mà không hề tính toán…

- Em không sợ thương anh là lính Việt Nam Cộng Hòa sao? – Mẫn đăm đăm nhìn nàng, chờ đợi.

- Tại sao em phải sợ? - Giong Hiên quả quyết.

- Vậy thì ngày mai em dọn về nhà anh ở đi! Hiên sà vào người anh, ôm chầm lấy anh – “ Chúng ta có bên nhau, yêu thương nhau là đủ rồi! Em không cần thứ gì khác nữa trên đời này……“ – Hiên lặng lẽ khóc…


Quê nhà, Tháng 11 năm 1990


MANG VIÊN LONG

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

QUÁN CAFE TULIP Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG


QUÁN CAFÉ TULIP


Truyện Ngắn

M a n g V i ê n L o n g






Trong sáu tháng gặp Vincent, Nice đã được anh mời đến hầu hết các quán café ở thị trấn Berdelight. Lần đầu tiên Vincent hẹn gặp Nice ở quán Blackcat nằm trên đường phố chính Pasteur. Tuy Blackcat tọa lạc ngay trung tâm nhưng lại nằm sâu hút phía sau với các dãy nhà tiền chế mỹ thuật nên rất yên tĩnh với nhiều cây cảnh bày biện mát mắt. Lần đó, Nice ngồi với Vincent suốt buổi sáng trong khu biệt thự tĩnh lặng và ấm cúng. Cả hai đều dùng café đen và sau đó là trà Blanch để chuyện trò về hội hoa và nghe nhạc Chopin.

Các lần gặp tiếp theo - từ quán Riverside bên cầu Louver, quán Starfarm cạnh dòng Corse , quán Rose dọc quốc lộ nối liền hai thành phố; Vincent phát hiện ra quan café Tulip khi anh dời về ở ngoại ô phía bắc thị trấn Berdelight. Từ nhà Vincent – trạm xe buýt số 2, đến quán Tulip là điểm dừng của trạm số 5 mất gần một giờ. Ở thành phố biển Quicher, Nice đến trạm Tulip phải hơn một giờ rưỡi, nếu không bị nghẽn xe.

Hôm ấy, Vincent dự định đến Quicher để tham gia cuộc hội thảo nhân quyền do 20 nhóm nhân quyền trên thế giới phối hợp tổ chức ở phố biển này, nhưng khi xe dừng ở trạm, thoáng nhìn ra vườn hoa Tulip sặc sỡ nằm bên kia cánh đồng lúa mì , anh xuống xe ngay. Vincent đã được tổ chức “ Human Rights Union “ ( HRU) mời đích danh với tư cách là một ký giả chứ không phải giáo sư mỹ thuật để hội thảo về chủ đề “ What We Will Do For The Human Rights? ?“ . Suốt tuần qua, Vincent đã miệt mài viết bài tham luận sẽ được đọc vào ngày thứ 2 có tựa đề “ Let Repay The Freedom For People “. Từ trạm xe, đi theo con lộ trải nhựa phẳng phiu rộng khoảng 3 mét xuyên qua hai đám ruộng lúa mì thì thấy cổng ngỏ quán Tulip được xây hình vòm chằng chịt dây hoa tím Pinsee. Anh bước vào cổng, nhìn quanh các dãy bàn trống – không thấy bóng người phục vụ, đến ngồi vào chiếc bàn đá xanh có hai chiếc ghế dựa bằng mây. Lọ hoa Tulip còn tươi roi rói mầu vàng đậm phần dưới, nhạt dần lên phía trên cánh, trông rất dịu dàng. Vincent ngồi yên một lúc, lấy thuốc ra hút, thì cô bé hầu bàn từ phía sau bước đến trước mặt như một cơn gió. “ Chào chú! Chú dùng fin nóng hay lạnh? “ – “ Nóng “. Cùng lúc, anh nhận ra, tại các bàn quanh chỗ anh ngồi, dưới bóng cây hay trên chiếc nhà gỗ cao kia, cũng chỉ có hai chiếc ghế. Trên mỗi bàn đều chưng một lọ hoa nhỏ bằng sứ men trắng, cắm một bông hoa Tulip mầu sắc khác nhau. Vincent thử đếm mấy bàn quanh chỗ anh ngồi đã có đến tám mầu: hồng nhat, đỏ tươi, tím nhạt, tím than, vàng đậm, đà thẫm, trắng, xanh…

Ngay lần đầu tiên hôm ấy Vincent đã làm quen được với cô bé hầu bàn Betty và ông cụ Hẻrming - chủ quán cũng là chủ vườn hoa Tulip . Vincent gọi thêm trà, mời ông Herming cùng ngồi khi ông vừa từ vườn hoa đi lên . Anh tỏ ra thích thú và ngạc nhiên về điều hơi lạ ở quán Tulip – Ông Herming giải thích : “ Có gì khó hiểu đâu, Cậu? Quán Tulip chợt phát hiện ra những người ghé uống café ở đây thường chỉ đi hai người. Họ là một cặp tình nhân, hai người bạn thân, hay vợ chồng. Vậy nên chúng tôi dẹp bớt ghế đi cho thoáng rộng. Còn các mầu hoa ấy à? Cậu chọn ngồi bàn nào có mầu hoa cậu thích: Chẳng hạn Tulip mầu vàng bày tỏ tình yêu nhưng không hy vong, mầu trắng tỏ lòng yêu quý, mầu đỏ tỏ tình yêu chưa được đáp lại, mầu xanh là lòng chân thành…”

Rít một hơi thuốc dài, Vincent thầm nghĩ - có lẽ nên mời Nice đến Tulip – cùng ngồi ở chiếc bàn ở góc tường dưới gốc cây Sala có chiếc lọ cắm hoa Tulip mầu trắng kia. Anh nhìn ông Herming như lúc nhìn vào một bức tranh – anh cười : “ Bác đúng là một nghệ sĩ chân chính! “

- Cuộc đời dạy dần cho tôi những gì cần phải làm thôi! – Ông Herming gật gù.

- Nhưng phải có một tâm hồn thế nào mới có thể đón nhận những điều mà “ cuộc đời dạy ‘ chứ, bác? - Chỉ chịu khó lắng nghe một chút thôi, là tốt mà! – Ông Herming thoáng nở nụ cười.




Chuyến xe buýt của Vincent đến trước, anh xuống trạm, rảo bước trên con đường dẫn vào quán Tulip như một người thảnh thơi đi dạo. Anh vẫn thường nghĩ, chỉ có những giờ phút được ngồi bên Nice với tách café vào ngày chủ nhật mới chính là thời khắc mầu nhiệm dành riêng cho đời anh. Vincent bận rộn dường như suốt ngày đêm với những bức tranh, những giờ dạy, những bài báo, và bản thảo cần hoàn thành càng sớm càng tốt. Thời gian còn lại của đời sống anh không còn dài, nhưng chẳng ai biết đến sự chuẩn bị thầm lặng này của Vincent ngay cả Nice. Đây là lần đầu Nice theo chuyến xe buýt đến quán Tulip như đã hẹn nên Vincent có ý muốn ngồi nán lại ở dãy ghế khách chờ để đón Nice, nhưng lại nghĩ cứ để Nice tự tìm ra quán khi nhìn thấy vườn hoa Tulip bên kia mấy đám ruộng lúa mì mà cảm thấy phấn khích.


Vincent đến ngồi ở chiếc bàn có lọ hoa Tulip mầu trắng – lấy chiếc điện thoại từ túi áo khoát, nhắn tin : “ Anh đang ngồi ở đây , em hãy tìm ra anh nhé? “. Hơn một tuần qua Vincent chưa gặp lại Nice, anh nóng lòng muốn nhìn đôi mắt nàng có thâm quầng thêm vì chứng mất ngủ? Mỗi lần gặp, anh đều nhận ra trên nét mặt Nice sự đồi thay của niềm lặng lẽ và hy vọng. Nàng đã tìm đến bên anh như một bến bờ của định mênh . Rất nhiều lúc, ngồi lặng yên một mình, Vincent cũng không thể hiểu hết được tình yêu quá lớn mà Nice đã dành cho anh. Nice vừa tốt nghiệp trường mỹ thuật nổi tiếng Louver, xinh đẹp, gia đình bề thế. Sau bao lần Vincent đã dè dặt và chân thành từ chối tình yêu mà nàng đã bày tỏ không giấu diếm – Nice lại càng hốt hoảng và bám chặt vào anh như một chiếc phao giữa biển. Vincent rất đỗi ngạc nhiên khi Nice đang có nhiều người có quyền chức giàu sang ở Quicher săn lùng, theo đuổi, kể cả người hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm nơi Nice đang dạy mỹ thuât luôn ưu ái với nàng ; nhưng Nice đã lạnh nhạt khướt từ tất cả, dù chỉ một lần gặp để uống café…

Mấy tháng sau, Nice đã tự tìm đến nhà trọ của Vincent sau vài lần gặp nhau ở quán Starfarm, quán Rose, mà không hẹn trước. Nàng ùa vào phòng khi Vincent đang ngồi ở bàn viết bên chiếc Laptop để hoàn tất bài báo cuối tuần cho The Weekendnews. Nice ôm chầm lấy anh. Không nói. Mà khóc.

- Em bình tĩnh đi! Vincent nói – có chuyện gì vậy?

- Anh ơi, nếu em nói - anh có còn yêu thương em nữa không?

- Sao em hỏi kỳ lạ vậy? Vincent gắng cười - anh không nói lần thứ hai…

- Vậy anh vẫn mãi yêu thương em chứ ?

- Tất nhiên vậy!

- Anh có chìu em được không?

- Dĩ nhiên là được!

- Anh có xem thường em không?

- Anh luôn trân quý em – Vincent xoay người lại – đóng nắp chiếc Latop – Em hãy nói đi!

- Em muốn có con với anh, càng sớm, càng tốt!

Vincent cảm thấy như đang bị say sóng, đang ngồi lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ giữa cơn bão. Anh đang tự trấn an và im lặng tìm câu trả lời thích hợp cho Nice thì nàng đã ôm ghì lấy anh – giọng sũng ướt : “ Bệnh viện ung bứu Quicher vừa đưa giấy xét nghiệm cho em sáng nay…” - Thế nào? Vincent cúi hôn lên gương mặt gầy xanh đẫm ươt nước mắt. - Em bị …ung thư túi mật giai đoạn 2 rồi!

Im lặng.

- Em muốn anh cho em một đứa con trước khi em chết!

- Đừng nên thất vọng, em yêu!

- Em không thất vọng! Em đang hy vọng đây mà! Em muốn có con với anh…Anh hãy cho em niềm hy vọng !

Vincent bồng Nice lên , đến chiếc giường nệm bên cạnh tủ sách, đặt Nice nằm xuống. Anh ngắm nhìn nàng thật lâu như để ghi nhận từng chi tiết đổi thay trên thân thể nàng.

Nice tự mở cúc áo, giơ hai tay lên chờ. Vincent ngồi xuống. Anh cúi đầu lên bờ ngực thon tròn trắng muốt của Nice đang mở rộng. Nàng ôm siết lấy đầu anh trong hơi thở gấp gáp, phập phồng. Vincent lắng nghe rõ hơi thở nồng nàn đứt quảng trong lồng ngực Nice, mà nhớ đến Marline . Đã gần ba năm trôi qua nhưng hình bóng Marline vẫn là nỗi ám ảnh mỗi khi anh gần Nice – nhất là hôm ấy. Anh đã từ chối kết hôn với Marline để khuyên nàng chấp nhận cuộc hôn nhân với bác sĩ Henger dầu Marline là người yêu đầu đời của anh . Khi nghe anh lạnh lùng nói lời từ biệt, có lẽ Marline cũng đã kịp nhận ra – nàng chỉ ôm chầm lấy anh mà khóc! Với Nice - nàng đang trong vòng tay anh, đợi chờ phút giây hy vọng truyền vào cơ thể đang suy sụp của mình một mầm sống mới, Vincent không thể làm khác…



Vừa bước vào cổng quán Tulip xa lạ mà Nice đã nhận ra chỗ ngồi của anh ngay. Nàng cười : “ Anh trốn kỹ quá! “ – đôi môi chúm lai – “ Nhưng dù có lên trời anh cũng không trốn được em đâu? “.

- Anh tìm em mà! Vincent đứng dậy đỡ Nice ngồi vào ghế

- chỉ ngại em trốn anh!

Cô bé Betty mang ra đặt lên bàn hai tách café fin nóng và một bình trà Blanch. Vincent đưa mắt nhìn một lượt khoảng sân thấy các bàn đã có khách ngồi. Ngay trên căn nhà gỗ cao các bàn cũng không còn trống. Từng cặp. Yên lặng. Thì thầm… Cả Vincent cũng như Nice đều đồng ý chon Tulip làm nơi gặp nhau cuối tuần. Nhiều tuần qua, Nice không muốn về, nàng đã đề nghị nhở Betty mua giúp thức ăn trưa. Họ ngồi bên nhau, hôn nhau, và ngắm nhìn nhau không biết mỏi cho dến chuyến xe buýt cuối ngày. Nice lặng lẽ nhìn Vincent đăm đăm :“ Ngồi bên anh, nhìn anh, nhưng sao em vẫn còn cảm thấy rất nhớ? “. Vincent cười : “ Còn anh, ngồi bên em, nhìn em – anh càng thương yêu em vô cùng!” .

Cả hai cùng cười rộ lên. Ông Hẻrming đi ngang qua chỗ hai người, nghe tiếng cười - chợt dừng lại – ngắm nhìn họ giây lâu, giọng thân tình: “ Trưa nay mời hai cháu ăn trưa cùng nhà bác nhé? “. Không đợi Vincent đáp, ông tiếp : “ Nhà bác chỉ có hai vợ chồng già, và cháu Betty thôi ! Có hai cháu cùng ngồi thì vui lắm! “.

Nice lên tiếng :

- Cháu cám ơn bác – nàng liếc nhìn Vincent – Anh cám ơn bác đi!

- Cám ơn bác Herming!

Ông Herming vui vẻ bước lại bên cạnh Vincent: ‘ Cháu thấy cánh Tulip này còn tươi không? “.

- Hình như bác mới thay hoa?

- Không đâu! - Ông nheo mắt – một tuần mới thay hoa một lần vào sáng thứ 2. Cánh hoa ấy đã được cắm vào lọ đúng một tuần rồi đó!

- Đã một tuàn rồi sao? – Nice kêu lên.

- Bác dạy cháu cách giữ hoa lâu nhé – Vincent tiếp – có lẽ cháu cũng sẽ cắm Tulip vào lọ hoa ở nhà mỗi ngày. Cháu đã yêu hoa Tulip mất rồi!

- Đơn giản thôi mà! Ông Herming cầm lọ hoa lên – cùng với chút nước bác cho vài viên đá lạnh vào. Bỏ thêm hai muỗng café đường. Nước đá tan chảy ra sẽ nuôi hoa suốt tuần. Nếu cháu siêng thì nên hằng ngày thay nước, bỏ tiếp vài viên đá nữa…Betty làm công việc ấy vào mỗi sáng giúp bác khi chưa có khách …

Nói dứt câu, ông lầm lũi bước vội ra phía sau nhà. Dường như ông cũng vừa nhận ra mình đã có lỗi với đôi bạn Vincent-Nice… .

Nice nắm lấy bàn tay Vincent đặt lên bụng mình :

- Em đã chờ đợi lâu rồi anh à !

- Em nên hy vọng - Vincent buông thõng, cảm thấy lòng nhói đau

– Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến thôi mà!

- Anh có mong được nhìn thấy măt Kidd hay Jolly không?

- Dĩ nhiên là có – đó là phần máu thịt của anh mà!

Nói xong, Vincent cảm thấy mình hơi tàn nhẫn. Những lần Nice đến phòng anh, ở lại với anh suốt ngày, nhưng bằng mọi cách Vincent không để cho Nice có thai mà chẳng lần nào nàng hay biết! Nice đã đắm chìm trong nỗi hạnh phúc và khoái lạc đến mê thiếp suốt buổi chiều cho đến khi Vincent lay gọi nàng dậy để kịp đưa nàng trở về Quicher trên chuyến xe buýt cuối cùng.

- Anh thích Kidd hay Jolly? Nice đưa bàn tay Vincent lên hôn.

- Còn em? - Kidd hay Jolly cũng đều là dòng máu của chúng ta thôi mà!

Nice ôm chặt cánh tay Vincent như đang ôm giữ một đứa con trong mơ ước bấy lâu của mình…





Hơn ba tuần Betty không thấy Vincent đến cùng ngồi uống café với Nice như bao tháng qua, nhưng vẫn lặng im bước đi. Từng bước đi phân vân có chút gì như vừa nhớ, vừa buồn. Lời dạy của ông Herming khi Betty vừa bước vào quán Tulip là “ cháu tuyệt đối không được dòm ngó, chỏ mũi vào đời sống riêng của ai – nhất là với quý khách nhé? “, khiến cô bé luôn ngại ngùng khi đứng trước Nice.

Nice vào quán, đến ngay chiếc bàn cũ, vẫn hai chiếc ghế mây, lọ hoa Tulip mầu trắng. Betty đặt nhẹ nhàng hai tách café và bình trà Blanch như mọi lần trước theo lời dặn của Nice lên mặt bàn; thoàng nhìn Nice một chút, rồi vội quay đi. Nice bưng tách café nhắp một ngụm, rồi đặt xuống mặt bàn, nhìn sững sờ lên hai tách café trước mặt như đã từng nhìn vào Vincent.

Nàng yên lặng, thẩn thờ, như đang chờ Vincent từ ngỏ bước vào mỗi lúc đến hơi muộn vì trễ chuyến xe buýt. Nice liếc nhìn các dãy bàn trong khu vườn, dưới bóng cây, hay trên căn nhà gỗ cao phía bên trái càng nhận ra sự thiếu vắng Vincent trong cuộc đời mình. Sự cô độc và tẻ lạnh đang ngùn ngụt bao trùm đời nàng mà không có lối thoát.

Tuần đầu, Nice không giữ được những dòng nước mắt vội vàng tuôn xuống, khiến nàng hốt hoảng. Bây giờ thì nước mắt không còn rơi xuống nữa, có lẽ nó đã cạn dần theo từng đêm nàng đã thức trắng? Nỗi đau ngày càng lớn, nhưng cũng càng lặng yên trong tim nàng.Nó dường như đang khô cứng, đóng băng, khiến Nice ngày càng cảm thấy suy yếu vật vờ. Đứa con mà Nice đã mơ ước đặt tên là Kidd ( nếu là con trai ) và Jolly ( nếu là con gai) đang hy vọng chờ đón vẫn không thấy đến? Nàng đã lắng nghe đón đợi từng bước chân, nhưng tuyệt nhiên không nhận ra được tín hiệu gì. Hình bóng Vincent đôi lúc hòa lẫn cùng bóng hình của Kidd và Jolly thường đêm vẫn chập chờn trong những giấc ngủ mê càng làm Nice thêm hoàng sợ…

Nice bỗng giật mình khi ông Herming từ phía sau đặt bàn tay lên vai nàng: “ Bác có nghe Betty nói lại là chú Vincent mấy tuần qua không thấy đến. Đã bao lần thấy cháu ngồi một mình, bác định ngồi với cháu một lát để hỏi thăm tin tức về cậu Vincent nhưng…”. Nice nghiêng người , đưa hai bàn tay gầy guộc trắng xanh lên ôm lấy bàn tay ông Herming – bật khóc : “ Cháu cám ơn bác, bác Herming ơ! Anh Vincent đã mãi mãi đi xa rồi! “


Quê nhà, những ngày đầu tháng 4/2011

MANG VIÊN LONG