Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

P H Ú T C H Ó T Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG



P H Ú T C H Ó T




Truyện Ngắn
MANG VIÊN LONG



Ông Chủ tịch xã An Thạch nói với ông Lưu : “ Chúng tôi mời anh tham gia vào ban quản trị hợp tác xã mua bán là ý muốn của nhiều bà con trong xã! Có anh, bà con tin tưởng sẽ ủng hộ hết mình vì kinh nghiệm làm ăn của anh bao năm từ hồi trước 75 sẽ giúp cho hợp tác xã ta sẽ phát triển, lớn mạnh anh à! “.
Hớp một ngụm trà nhỏ, ông Lưu đặt tách trà xuống mặt bàn nhẹ nhàng-đưa mắt liéc nhìn ông chủ tịch-giọng từ tốn:
- Anh nói vậy thì tôi cũng nghe vậy-nhưng tôi tự xét thấy bản thân không làm được gì đâu, nếu có bề gì thì tôi ăn nói làm sao với bà con?
- Anh khỏi lo-giọng ông Chủ tịch quả quyết-miễn anh đồng ý tham gia vào ban quản trị là tốt rồi!
Ông Lưu vẫn cảm thấy rất khó xử, quả thật bà con trong xã đang rất cần có một nơi cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẫm, giá phải chăng, không giả mạo, ngay cạnh trong xã mình mà không tốn thời gian lên phố. Hợp Tác Xã cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho một số gia đình nghèo, bà con tham gia hằng quý đều sẽ được chia lãi xuất theo số cổ phần đã đóng góp-nhưng ông Lưu vẫn cảm thấy trước mắt còn nhiều cái khó khăn không đơn giản..Ông thoáng nhớ đến cái kinh nghiệm ba năm học dở dang ở Đại học Đà Lạt ngành Quản trị kinh doanh năm 72- mấy năm trông coi cửa hàng điện máy của gia đình nhưng vẫn còn cảm thấy những vốn liếng ấy khó có thể áp dụng cho hoàn cảnh bây giờ.
Ông nhìn thẳng vào mắt ông Chủ tịch-gật gù:
- Tôi cũng muốn vì quyền lợi của bà con mà tham gia nhưng vốn liếng của tôi sau 75 cũng không còn, làm sao có thể huy động một số vốn tương đối để kinh doanh?-Ông cười, kinh doanh mà không có tiền, thì coi như dậm chân một chỗ chờ ngày chết thôi!
- Theo hướng dẫn của huyện, chúng ta sẽ được tự do huy động vốn trong nhân dân bằng việc mua cổ đông. Tùy theo số nhân khẩu trong hộ, mỗi hộ ít nhất là phải mua một cổ đông.mới được cấp sổ mua hàng…Giong ông Chủ tịch sang sảng như đang nói trước xã viên.Ông cười lớn- tiền đó chứ ở đâu mà anh lo?
Sau ngày ông Chủ tịch đến thăm nhà hai hôm-ông Lưu nhận dược giấy mời lên xã để dự cuộc họp chuẩn bị thành lập “Hợp Tác Xã Mua Bán An Thạch”.Ông Lưu cầm tấm giấy mời , nỗi lo âu lại đến rõ ràng hơn bởi nếu ông ngại khó mà từ chối, thì liệu ông có thể được chấp nhận không? Họ sẽ nghĩ thế nào về ông-một người đã có hơn ba năm dính líu vào chuyện lính tráng của chế độ cũ, cho dù là lính “ nghĩa quân ma” không được lãnh lương mà còn phải “ chi lương” hằng quý cho đại đội trưởng,cho những kẻ thọc mạch biết chuyện mà tìm đến “ thăm hỏi”! Ông bỗng cười -thì thầm: “ Cứ hãy “ thử lửa” một phen!” rồi vội vã dắt chiếc xe đạp ra ngõ. Lên xã, ông Lưu gặp lại vài người trong giới mua bán cũ là bạn hàng của ông lúc còn ở thị xã-trong đó có Hai Tấn, em ruột ông bí thư xã, cậu Thắng-cháu gọi ông Chủ tịch bằng cậu. Cuộc họp được ông Chủ tịch làm chủ trì , lần lượt thực hiện các yêu cầu: “ Bầu ban Quản Trị lâm thời HTX, phân công về các thôn phổ biến, hướng dẫn phương thức làm ăn mới “ họp tác xã”, và sau cùng là thành lập đoàn đi thu tiền cổ phần”. Ông Lưu đã được ông Chủ tịch gợi ý, và tất cả biểu quyết đề cử ông làm Chủ Nhiệm lâm thời HTX, Hai Tấn làm Phó, ông Ban làm kế toán, và cậu Thắng làm thủ quỹ kiêm thủ kho, cùng ba ủy viên ban kiểm soát…
Suốt ba tháng cơm nhà, ông Lưu dong ruỗi trên chiếc xe đạp đòn dông Pacifice cùng những người trong ban Quản trị lâm thời đi hết 11 thôn trong xã để tham dự 11 đêm họp dân phổ biến chính sách” mua bán mới “ của họp tác xã An Thạch trong tương lai . Ông Lưu-với tư cách là Chủ nhiệm lâm thời, đã giải đáp mọi thắc mắc của dân, kêu gọi mọi xã viên hãy nhiệt tình đóng góp, để xây dựng HTX An Thạch ngày một lớn mạnh, đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả…
Cuộc vận động đã đem lại kết quả bất ngờ: Chỉ trong một tuấn lễ phát động đã có đến hơn một ngàn xã viên mua cổ đông, gần một nửa nhân khầu trong toàn xã! Chỉ còn mươi hôm nữa là xã sẽ phối hợp với Ban Quản Trị lâm thời tổ chức “ Đại Hội Xã Viên”-bắt đầu khai trương gian hàng đầu tiên ở thôn Thạch Hải chính thức đi vào hoạt dộng kinh đoanh của HTX An Thạch.. Theo kế hoạch, mỗi tháng ông Lưu sẽ cho khai trương một gian hàng mua bán tại 10 thôn còn lại để tích cực phục vụ bà con trong những tháng cận Tết.
Giấy mời đã được gởi đi cho xã viên ở 11 thôn.
Ông Lưu được phân công soạn thảo và trình bày “ phương hướng kinh doanh của HTX Mua Bán An Thạch nhiệm kỳ 3 năm đầu tiên 1980-1983”. Ông Hai Tấn làm báo cáo tài chánh-nguồn vốn ban đầu trước đại hội. Ông Ban làm thư ký. Cậu Thắng điều khiển chương trình. Ba ủy viên ban kiểm soát điều hành bầu cử các chức vụ Chủ nhiệm. Phó chủ nhiệm, và các ủy viên chuyên môn gồm kế toán, thủ quỹ, ban kiểm tra…
Trước khai mạc Đại hội 2 ngày-Ông Chủ tịch xã An Thạch đã bất ngờ đến thăm ông Lưu vào buổi chiều tối. Gặp ông Lưu ở ngõ, ông ta có vẻ trầm ngâm- không nói, lặng lẽ bước theo ông Lưu vào nhà. Ông Lưu thoáng ngạc nhiên- rót trà ra tách, mời: “ Anh uống nước!”.
- Tôi được lệnh đồng chí bí thư vừa đi họp trên huyện về đến gặp anh để bàn lại với anh một việc…
Nhìn gương mặt ông Chủ tịch như khô cứng lại sau câu nói bỏ lửng-ông Lưu thoáng chút lo lắng-ông cười thân tình: “ Việc gì xin anh cứ nói thẳng đi! Là chỗ anh em cả mà! “ .
- Là chuyện nhân sự ấy mà!-Ông Chủ tịch thở dài.
- Nhân sự thế nào, anh?-Ông Lưu hỏi.
- Huyện không nhất trí đề nghị nhân sự của chúng ta trong cuộc họp phân công tuần trước anh à!-Giọng ông Chủ tịch trầm hẳn- Có nhiều cơ quan đến tham mưu cho huyện-trong đó có công an…
- Cụ thể là thế nào?
- Họ bố trí Hai Tấn làm Chủ nhiệm-anh làm Phó-dừng một chút, ông tiếp-lý do gì thì chắc anh cũng đã hiểu rồi?
- Ai làm “ chủ” mà chẳng được, miễn công việc làm ăn tốt đẹp thôi!-Ông Lưu cười. Thật ra, làm việc chung ai mà còn nghĩ đến “ chủ với phó” để làm gi? Anh đã biết , tôi đã nhiều dịp trình bày với các anh rồi- tôi tự nguyện làm chuyện này không phải vì cái chức ấy mà vì muốn bà con trong xã mình bớt khổ đi thôi!-Ông Luu nhìn gương mặt ông Chủ tịch đang nở dần tưởng như đã khô héo ngay từ lúc bước chân vào nhà.
- Được anh “ thông cảm” cho vậy là tôi phấn khởi rồi! –Ông Chủ tịch bưng tách trà lên uống vội rồi xin phép ra về…
Tiễn ông Chủ tịch ra khỏi ngõ, ông Lưu thầm nghĩ: “ Lại chuyện lý lịch không “ trong sáng và rõ ràng” nữa đây mà? “. Đã bao lần, ông không hiểu hết ý nghĩa của hai từ “ trong sáng/ rõ ràng” ấy,nhưng không dám hỏi ai? Cuộc sống dã phơi bày ra giữa đời bao năm cũng chưa đủ “ rõ ràng và trong sáng” hay sao?-Như mọi khi, ông Lưu lại tự an ủi mình không nên bận tâm nhiều đến cái chuyện phiền muộn triền miên ấy nữa, mà hãy dốc lòng làm việc . Chỉ có việc làm cụ thể tốt đẹp mới thật sự “ rõ ràng và trong sáng “ thôi!
Ngày Đại Hội xã viên HTX Mua Bán An Thạch đã đến. Về dự có
Ông Phó chủ tịch huyên, bà Chủ tịch hội nông dân huyện, đại diện Mặt trân Tổ Quốc huyện và các ban ngành.chung quanh huyện An Dũ.
Sau phút giới thiệu đại biểu, chủ tọa đoàn-Ông Bí thư xã An Thạch ghé vào tai ông Lưu: “ Anh ra phía sau khán đài tôi trao đổi một chút nhé? “.
Ông Bí thư xã An Thạch đứng dậy-bước ra khỏi hàng ghế , lầm lũi bước về phía sau khán đài. Ông Lưu nhón gót đi sau.
- Anh Lưu ạ! Tôi xin báo cáo lại với anh, trước giờ tôi đến dự Đại hội, đồng chí Bí thư huyện đã gọi điện cho tôi để “cơ cấu “ lại nhân sự trong ban lãnh đạo HTX , chỉ gồm các đồng chí Hai Tấn Chủ nhiêm, đồng chí Mân làm Phó, đồng chí Thắng làm trưởng ban kiếm soát , cô Thủy kế toán, bà Hạnh làm thủ quỹ…
Ông Lưu cười:
- Vậy là có thêm vụ “ cơ cấu” lại vào phút chót nữa?-Ông Lưu nhếch cười-Cám ơn anh đã thông báo!-Giọng ông bỗng vui hẳn lên-ông vỗ vào vai ông Bí thư xã An Thạch- Xem bóng đá hay xem đấu võ đài, bao giờ “phút chót” cũng quyết định cả anh ạ! Hà hà…

Tháng 10 năm 1985
MANG VIÊN LONG

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

THĂM XUÂN, NÓI CHUYỆN ...THƠ! Tạp Bút MANG VIÊN LONG


T H Ă M X U Â N , N Ó I C H U Y Ệ N . . . T H Ơ !


Tạp Bút
Mang Viên Long


Mang Viên Long và chai " Lão Tửu Bàu Đá"
(Ảnh Trần Hoa Khá )

Xuân về - Tết đến, tôi được thư thả mấy hôm. Nhưng trong “ mấy hôm ở không “ ấy, lại phải “ nằm nhà “ hết ba hôm, bởi - theo tục lệ - tôi không dám suồng sả đến “ xông đất “ nhà ai sớm, bởi biết “ cái số ” mình không bao giờ được giàu sang vinh hiển - ngại sẽ làm phiền cho gia chủ cả năm chăng?
Ba ngày đầu năm mới – ngưởi ta thường chờ đón người có tuổi hạp với gia chủ - chờ đón người quyền quý , hay mong đón người có cái tên đẹp! ( như : Hưng / Thịnh / Vượng / Sang / Quý / Mỹ / Phú…). Tên tôi không đẹp-cũng không đến nỗi xấu - nhưng lại vướng số “ tam tai / sao hạn xấu ”- nên nghĩ phải từ từ sẽ lần luợt đi thăm bằng hữu vì …mùa Xuân ít ra cũng phải qua Nguyên Tiêu!
Tôi cẩn thận ghi tên những vị nên đến thăm để tránh “ thiếu sót “ như những năm trước. Ưu tiên là tên những ông bạn mà tôi đã “ hứa hẹn trong năm ” ( rằng Tết dù thế nào cũng sẽ đến thăm để được cụng ly !) – người đứng đầu danh sách là ông bạn vong niên , năm nay đã 80 tuổi! Đúng ra, ông là bạn của người anh cả tôi – nhưng khi có dịp xuống phố , ông thường ghé thăm - nên tôi trở thành “ bạn nhỏ “ của ông!
Nhà ông ở cách thị xã khoảng 15 cây số- vùng ngoại ô yên tĩnh, xanh mát! Khi vừa trông thấy tôi quành xe vào ngõ - ông đã bước ra sân - tuơi cuời : “ Năm nay chắc vợ chồng tôi làm ăn khá lắm đây! Rồng đến nhà tôm sớm vậy? “. Sau thủ tục thăm viếng, chúc Tết vợ chồng ông và các con cháu ( ông có 7 con - 5 trai/ 2 gái – cháu chắt nội ngoại tổng cộng là 20 ).
Vừa rót đầy ly rượu “ Lão Tửu Bàu Đá “ - Ông cười hớn hở: “ Mấy cái Tết hứa suông rồi năm nay chú mới đến nhà thăm tôi – vợ chồng tôi rất cảm ơn – để làm quà Xuân cho chú - hôm nay, tôi đọc cho chú nghe một bài thơ…”.
Nghe sẽ được thưởng thức thơ - tôi cầm ly ruợu lên nhấm nháp một chút để có “ khí thế “ mà nghe : “ Anh vẫn thường làm thơ sao ? “.
Ông giải thích : “ Thỉnh thoảng thôi,chú à! Ở quê, buồn – con cháu ở xa , còn lại hai vợ chồng già - tôi cũng “ đối cảnh sanh tình “ - làm thơ cho vui vậy thôi! “ . Ông uống cạn ly rượu – tiếp : “ Người xưa có câu : “ Thơ dĩ ngôn chí – ca dĩ đàm tình “ mà, chú? “.
Tôi cảm thấy thú vị - bởi không ngờ, thăm Xuân lại được nghe thơ ( và có đủ trà ngon- rượu quý , bánh mứt đầy đủ )- Tôi nhìn ông - cuời : “ Vậy anh đọc cho nghe một bài thơ nào đi! “.
Ông không đọc vội , mà tâm sự : “ Tôi làm thơ thường chỉ để cho mình đọc giải khuây – đôi lúc vui , lại gọi vợ đến nghe . Bà ấy nghe xong, không khen - cũng chẳng chê , mà chỉ tủm tỉm cười thôi, chú à! “ .
- Cười vậy là khen rồi ! Hiếm có người vợ nào “ chịu khó “ lắng nghe thơ của chồng mà anh! - Tôi tiếp lời ông.
- Đúng đấy! Tôi nhìn thấy trên nụ cười của bà một niềm vui mới, nhiều lúc rất duyên dáng như thuở mới yêu thương nhau nũa!.
- Anh thật diễm phúc…
Ông lại chiêm thêm ruợu vào hai ly – ngẩng lên nhìn tôi:
- Lát nữa, tôi sẽ dưa cho chú xem cả tập thơ tôi đã ghi lại trong mấy chục năm . Có một số bài tôi đã gởi cho con cháu đọc. Một số bạn già đến đọc chơi rồi chép lại để làm kỷ niệm. Nhưng bây giờ, tôi chỉ đọc cho chú nghe bài tứ tuyệt lục bát này nhé?


Làm Thơ làm thở làm Thơ…
Làm Thơ làm thở thì làm cho vui!
Làm Thơ làm thợ, xin lui…
Làm Thơ làm thợ lui cui – nghĩ buồn! “


Tôi nhìn thấy nụ cười của người vợ ông vừa bước lên phòng khách để pha thêm trà. Tôi nghĩ đến ba chữ “ Thơ / thở / thợ “ dược ông lập lại mà cảm thấy được cái “chí “, cái “ quan điểm “ khi đặt bút làm thơ của ông. Tôi đang suy nghĩ về “ phong cách thơ “ - thì ông đã bước lại bàn viết, lấy tập vở dày trao cho tôi : “ Đây , chú lướt qua xem tôi làm thơ có đọc đuợc không? “.
Tôi trân trọng đón tập thơ - giở từng trang vở viết tay – chũ nắn nót , chân phương - đẹp. Tôi đã đọc : “ Nhớ bạn hiền phương xa / Thơ tặng vợ / Quà cho cháu nội / Sinh nhật, nghĩ lại đời mình / Chiều quê một mình / Đón trăng Nguyên Tiêu ở hiên nhà / Thương Nhớ Người Xưa v v v”- Chỉ lướt qua mấy bài thơ ấy – tôi đã có cảm nhận : Thơ ông quả là hơi thở, là nhịp đập của trái tim, là xúc cảm chân thành sâu lắng của đời ông ! Nó tự nhiên , trong sáng, giản dị mà đầy trải nghiệm sâu sắc ! Đọc thơ, tôi hiểu thêm nỗi ưu tư, niềm an ủi, và sự kỳ vọng của ông dành cho vợ con , bằng hữu và quê nhà. Trong thơ ông không có “ triết lý ba xu “ , càng không có “ lý luận ba hoa “ để tự khoe . Tôi rất ngạc nhiên - một con người sống lặng lẽ ở miền quê xa đã “ gần đất xa trời “ mà vẫn còn yêu quý Thơ , đến với từng trang thơ một cách trân trọng và nhiệt tình! Thơ quả là mầu nhiệm biết bao! Tôi chợt liên tưởng đến mấy bài thơ đã đọc được đâu đó chỉ là sự gia công nặn chữ, ráp vần – sáo rổng , cứng đơ , vô nghĩa , lại không có mảy may xúc cảm chân thật nào! Ấy vậy mà nghe nói họ không hề “chịu “ thơ ai – ngoài thơ của mình! Ai đó có nói đùa :” Mấy ông nhà thơ kiểu ấy, mỗi ông là một ông trời con mà! “
Liếc nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ rồi mà “ chương trình “ thăm Xuân buổi sáng của tôi còn đến 5 người bạn nữa – tôi châm một điếu thuốc , uống một tách trà – cười thân tình : “ Tôi rất vui được đọc qua tập thơ của anh. Hôm nào có dịp – tôi xin mượn tập thơ, đọc tiếp nhé? Anh đã cho tôi một buổi sáng Xuân thật đầm ấm! ”.
Ông dưa tay, có ý ngăn chưa cho tôi rút lui. Giọng vui vẻ: “ Chú cũng phải đọc cho tôi nghe một bài đi chứ? “.
- Tôi cũng muốn lắm, nhưng ngặt nỗi tôi “ không biết làm thơ “ anh à! – Tôi cười. Chẳng thà mình nói thật lòng với nhau, anh thông cảm!
- Mấy ông bạn già của tôi thường nói chơi – dạo này , ra khỏi ngỏ - đã gặp… nhà thơ rồi ! Sao chú không …làm thơ cho vui?
Chỉ còn có một con đường để có thể chào từ giả êm thắm là phải đọc “ cái gì “ đó cho ông để “ đáp lại “ tấm chân tình của ông đã dành cho mình - tôi nói : “ Thơ vui thì được! Anh nghe qua , rồi bỏ nhé? “.
- Được rồi! Chú đọc đi…
Tôi chậm rải nhớ lại “ bài thơ “ không hề viết lên giấy- chỉ ngẩu hứng đọc cho một người bạn văn phương xa nghe chơi khi anh ta ghé thăm cách nay đã hơn hai chục năm rồi :


Chữ Thơ , chữ thợ một vần…
Làm Thơ, làm thợ - ta mần cả hai!
Làm thợ thì để sinh nhai,
Làm Thơ thì để …lai rai, đỡ buồn! “


Ông dứng dậy vỗ vào vai tôi : “ Chú rất giống tôi! “
Hà hà hà…

Mồng 8 Tết Tân Mão
MANG VIÊN LONG

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

TÂM " HỶ XẢ " TRONG SINH HOẠT VHNT Tạp Bút MANG VIÊN LONG


Tâm “hỷ xả”


TRONG SINH HOẠT VHNT


Mang Viên Long
( Ảnh : Nhà Thơ-NS nhiếp ảnh Trần Hoa Khá )

Phải nhìn nhận một điều: Trong bất kỳ sinh hoạt nào của đời sống trong xã hội, cũng đều có sự “va chạm” do nhiều nguyên nhân (chủ quan hay khách quan) đưa đến :
Sự “va chạm” – tạm gọi như vậy, là một “phản ứng” tự nhiên, khi mà mỗi cá thể đều có tính chất riêng, suy nghĩ riêng, và hoàn cảnh, căn cơ riêng. Đó là một điều khó có thể tránh khỏi.
Nếu nói ở một bình diện lớn hơn, đó có thể là một sự “mâu thuẫn”, “xung đột” hay “phản kháng” giữa ý thức với ý thức, giữa cảm nhận với cảm nhận ; nói tóm là giữa những cái “ngã” vô cùng vi tế và phức tạp trong một cộng đồng.
Hiểu theo một ý nghĩa tích cực, tốt đẹp – sự “mâu thuẫn, bất đồng” ấy có một giá trị xây dựng cần thiết cho sự tiến bộ và hoàn thiện. (Nếu không có sự “bất đồng, xung đột” – theo nghĩa trong sáng, thành tâm ấy, có lẽ sẽ không có sự tiến bộ, không có sự hoàn thiện trong tương lai).
Sinh hoạt VHNT – nói hẹp trong phạm vi văn học, cũng cần có cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” ấy nếu nó được phát sinh, bắt nguồn từ tấm lòng nhiệt thành, trung thực, vì sự nghiệp chung của văn học. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.
Tuy vậy, trong thực tế, đáng tiếc thay (và cũng đáng buồn thay) – có nhiều sự “va chạm” , “mâu thuẫn “ hay “xung đột” lại được nẩy sinh từ tâm địa hẹp hòi, đố kỵ, thiển cận (!). Tôi rất ngạc nhiên, bàng hoàng (và lấy làm kỳ lạ) khi nghe một người bạn kể lại chuyện “hai ông nhà thơ” phẩm bình thơ nhau, rồi lớn tiếng “cãi cọ” , đi đến biện pháp cuối cùng là “dùng võ thuật” (chứ không dùng miệng lưỡi nữa) (!)
Chuyện này làm tôi nhớ lại lời của nhà văn Võ Hồng đã nói với tôi như một kinh nghiệm, một lời khuyên – (vào năm 1971) : “(…) Nếu gặp bạn thơ văn nào có lòng kiêu mạn, biết họ sẽ không thể tiến bộ được nữa, tốt hơn là toa nên im lặng!”. Đó là một thái độ tiêu cực , thiếu xây dựng – nhưng biết làm cách nào tốt hơn trước thực trạng đáng buồn như vậy ?
Tôi không gọi những vụ “lời qua tiếng lại “ trên văn đàn, báo chí – theo nghĩa tiêu cực, là sự “xung đột, mâu thuẫn” cần thiết; mà có thể tạm gọi là “sự kèn cựa của những cái ngã”. Đó là sự bùng vỡ của những tham vọng, những toan tính cá nhân, của lòng ích kỷ !
Nói tóm lại, dù là sự “va chạm” trong sinh hoạt VHNT có rơi vào trường hợp nào đi chăng nữa (tích cực / tiêu cực – tốt / xấu v.v…) thì chúng ta vẫn có thể có được sự an vui, thảnh thơi, hòa hợp với cái tâm “hỷ xả” của chính mình !
Hỷ có nghĩa là vui, vui sướng.
Xả có nghĩa là buông thả ra, bỏ đi.
Hỷ xả có nghĩa là “vui vẻ mà bỏ đi, mà quên đi – không gợi chút hờn giận, chấp trước, buồn phiền gì trong tận đáy lòng. Vì thương yêu mà buông bỏ!”.
Có “xả” được tận gốc (từ trong tâm mình), mới có niềm vui tối thượng, có sự hòa hợp cao cả, đích thực.
Một tên đồ tể cầm giáo còn vấy máu đến xin một vị thiền sư sám hối, ăn năn hối cải, về ác nghiệp của mình ; vị Thiền sư ôn tồn bảo : “Buông!”. Tên đồ tể liền thả ngọn giáo xuống sân. Vị Thiền sư lại lên tiếng : “Buông!”. Tên đồ tể tức khắc vất bỏ bao bị đang mang trên vai. Tiếng Thiền sư lại vang lên : “Buông!”. Tên đồ tể lễ phép thưa : “Bạch Hòa Thượng, con đã “buông” hết cả rồi ạ!”. Thiền sư ân cần dạy : “Ta bảo ông buông sự tham sân, si muội, độc ác trong tâm của ông kìa !” – Nghe xong, tên đồ tể hoát nhiên được ngộ.
Chữ “xả” cũng giống như chữ “buông” : Phải “xả” ngay trong tâm mình mọi sự, mọi chuyện, mọi điều – mới đạt đến được chữ “hỷ” chân thực, bền vững, lâu dài – để có sự hòa hợp, kết thân, cảm thông tự nhiên sâu sắc với đời … Trường hợp chưa “xả” ngay được, Đức Phật cũng “thông cảm” cho ta bày tỏ thái độ, hay giận hờn – nhưng không lâu quá 24 giờ (nhưng phải là chuyện lớn kìa) –Sự “mâu thuẫn “ hay “va chạm” có hai mặt : Nếu là lời chí tình, chân xác – ta thâu nhận để tiến bộ với lòng tri ân. Nếu là lời ác tâm – ta cũng thâu nhận để “hỷ xả” cũng với lòng tri ân bởi vì đã giúp ta tu tập, rèn luyện để nên người hoàn thiện. Cả hai đều có lợi cho ta !
Nếu chỉ “xả” (hay “buông”) ở ngoài miệng (các hình thức bên ngoài tâm) – thì sẽ chẳng bao giờ có được sự an vui, có được sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia chân thật sau này. (và nhất là nó sẽ còn tiếp tục, mãi mãi đem lại bao điều phiền muộn, khổ đau cho chính bản thân ta và người khác!).
Phẩm “An lạc” trong kinh Pháp cú có chỉ rõ.


Vui thay, chúng ta sống
Không hận thù, giữa hận thù
Giữa những người thù hận
Ta sống, không hận thù!”

Trong quá khứ, nếu trong sinh hoạt VHNT đã có những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đáng tiếc, theo tôi – chúng ta thiếu vắng “tâm hỷ xả”. Nếu “tâm hỷ xả” được nuôi dưỡng, luôn có mặt bên cạnh đời ta, trong mọi sinh hoạt thường nhật của ta – thì chắc rằng, tất cả sẽ chẳng bao giờ ưu phiền, sân giận – mà sẽ luôn luôn mỉm cười với bao nhân duyên đến và đi – tiếp rồi … mà ta chẳng hề hấn gì cả !
Trong đạo Phật, bốn tâm lớn, cao cả của người tu, là “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Thực hành trọn vẹn được bốn tâm này (Tứ vô lượng tâm) – là người đã bước vào được trong cửa Đạo. (ngộ Đạo). Tôi muốn thêm, trong sinh hoạt VHNT – người nào giữ được tâm “hỷ xả” là người cao thượng, đáng trân trọng, tin yêu…
Kỳ diệu thay tâm “hỷ xả” đã có sẵn trong mỗi chúng ta, không phải mất công tìm kiếm ở đâu xa cả !

MANG VIÊN LONG

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

TÂM KIÊU MẠN & TÂM HỶ XẢ TRONG SHVHNT Tạp Bút MANG VIÊN LONG



TÂM “KIÊU MẠN”
TRONG SINH HOẠT VHNT



Tạp Bút



MANG VIÊN LONG






Điều cần khẳng định trước tiên là sinh hoạt Văn học Nghệ thuật (VHNT) cũng là một sinh hoạt trong nhiều sinh hoạt cần thiết của đời sống. Mỗi hoạt động có một mục đích, vai trò riêng, để cùng góp phần bảo vệ, nâng cao đời sống ngày một hoàn thiện hơn, hạnh phúc hơn – trong tiến trình tiến bộ chung của nhân loại. Bởi vậy, chúng ta không thể hời hợt, phiến diện, khi coi trọng vật chất hay tinh thần. Sinh hoạt vật chất (thân) và sinh hoạt tinh thần (tâm) nên có sự gắn bó hỗ tương để cùng phục vụ cho con người đạt đến cứu cánh hạnh phúc lâu dài…
Những người hoạt động trong lãnh vực VHNT (cũng như các lãnh vực khác: Y học, giáo dục, kinh tế, xã hội, thương mại, kỹ thuật, đến lao động bình thường…) có nên quá “coi trọng” sinh hoạt của ngành mình, để nảy sinh tâm “kiêu mạn” lạc hậu, thấp kém, và phản tiến bộ không ?
Trong bài ghi nhận tản mạn này, chúng tôi chỉ xin được nêu lên đôi điều về tâm “kiêu mạn” trong sinh hoạt VHNT – chú ý đến sinh hoạt Văn học.
Theo Hán Việt tự điển (Đào Duy Anh – Hàn Mặc Tử – Trường Thi XB – Sài Gòn 1958) thì từ “kiêu” có nghĩa là “ngạo mạn, không chịu phục tùng”. Từ “kiêu ngạo” là khoe khoang, ngạo mạn. Từ “mạn” là phóng túng, khoan chậm, kiêu ngạo. Từ điển VN Tân Tự Điển (Thanh Nghị – Khai Trí –XB – Sài Gòn 1960) ; từ “kiêu” được giải thích là “tự cho mình là hơn cả mọi người”. Trong cả hai từ điển đáng tin cậy ấy, đa số các từ đứng đầu bằng từ “kiêu” đều có ý nghĩa không tốt (kiêu binh, kiêu căng, kiêu kỳ, kiêu phong (phong tục xấu, đồi bại) – kiêu túng (phóng túng, dâm dật) – kiêu xa (kiêu kỳ, xa xỉ), …, ). Vậy tính “kiêu mạn” (ngạo mạn, tự cho mình là hơn cả mọi người, khinh thường người khác…, xem ra chẳng thích hợp cho bất kỳ một sinh hoạt nào của đời sống – nhất là lãnh vực văn học!
Ay thế mà gần đây, chúng tôi được thư của một người bạn văn ở tỉnh X. than phiền, tâm sự, về một “ông bạn nhà thơ” – khép kín cánh cửa lầu và cửa lòng (theo lời người bạn) vì không có ai xứng đáng để cho ông ta gặp (!). Quá khứ, ông ta có hai ba tập thơ được bỏ tiền ra in. Hiện tại có thơ đăng rải rác ở vài tờ báo. Tương lai thì không có gì sáng sủa để ngạo nghễ. Tuy vậy, ông vẫn nhìn đời bằng “nửa con mắt”- và đối với bạn văn, vẫn luôn khinh bạc. Đã không có cuộc sống gắn bó, thiết tha, kết thân với đời – thì thơ sẽ như thế nào? Thơ viết ra cho ai ? Để làm gì nhỉ ?
Tại TP. Y có một “ông nhà thơ”, hễ “đụng ai” cũng “chửi” (chữ của người bạn kể chuyện) – ông không hề “chịu” thơ ai – dĩ nhiên là ngoài thơ của mình! Ông ấy (tuy chỉ vừa ngoài tuổi 40) học cái “ngông” của Tản Đà, và cái “điên” của Bùi Giáng. Ông ấy đâu có hiểu được rằng, cái “ngông” của Tản Đà thì rất tự nhiên, dễ thương – có chất thơ của người sống giản dị, tự tại, hào phóng. Và cái “điên” của Bùi Giáng thì đầy chất trí tuệ; có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Còn ông ấy thì sao? – Học đòi, sống lang bạt, rượu thịt, huênh hoang, ngạo mạn ; bất chấp là ai, ở đâu… Sự “bắt chước” (hay sao chép) cách sống của người khác, ngụy tạo cho mình một hào quang ảo, chỉ đem lại kết quả thảm hại cho thơ, cho chính mình mà thôi !
Trước khi có tham vọng muốn mình là “cái gì” thì trước đó phải là một con Người (viết hoa) cái đã. Sống bình thường nhưng việc làm phi thường – mới là mẫu Người đáng trân trọng. Có một nhà văn nào đó đã tâm sự “muốn cho người khóc mình, thì mình phải khóc trước đã”. Tác phẩm của nhà thơ – nhà văn, là để dâng hiến cho đời, kết thân với đời, cùng sẻ chia niềm hạnh phúc, hay nỗi khổ đau- để cùng tìm đến cứu cánh hạnh phúc vĩnh hằng ; chứ không phải “đóng cửa lầu” làm thơ, hay vừa ngông cuồng bạt mạng vừa làm thơ – để thách đố, hay làm hoen ố đời sống (!)
Trong giáo lý của Đạo Phật – Tâm kiêu mạn là một cái tâm cầu uế, tiêu cực, cần phải được loại trừ, gột sạch – trước khi bước vào cửa Đạo. Bởi vì, “những người phóng túng, ngạo mạn thì lậu tập mãi tăng thêm” (kinh Pháp cú – 59, Và hãy “lấy tính chất phúc, chính trực làm gốc ; giữ tâm luôn đoan chính” (Kinh Di Giáo). Trước giờ phút nhập Niết Bàn – Đức Phật đã còn ân cần khuyến dạy : “… Các con nên tự sờ lên đầu để bỏ tính làm dáng, nếu có tính kiêu ngạo phải nên bỏ ngay đi (…) xiểm khúc chỉ có mục đích là lừa dối…”.
Xem vậy, tâm “kiêu mạn” trong sinh hoạt VHNT là một cái tâm không thể có, không ai có thể chấp nhận; bởi chính nó ngăn trở sự tiến bộ, không có tính văn hóa – mà còn phản lại cứu cánh một một nền văn học luôn hướng đến “chân – thiện – mỹ”.

Tháng 12. 2006




TÂM “TÙY HỶ” TRONG SINH HOẠT VHNT


Một người bạn Văn viết thư thăm tôi, trong thư anh có cho biết sơ lược về “nỗi buồn” của anh trong tháng qua: Anh vừa được Hội đồng xét duyệt giải thưởng văn học 5 năm (2001- 2005) của tỉnh quyết định trao cho anh giải A về Văn học Dân gian và giải B về sáng tác; nhưng lại có sự kiện tụng, phân bì này nọ. Hội đồng phải họp đi, họp lại nhưng kết quả vẫn như vậy ! Anh kết luận “chuyện không có gì nhưng nó cũng làm ta cảm thấy chán ngán chuyện đời!”. (Thư riêng 10.6.06)
Tôi đã được sống và làm việc gần anh trong nhiều năm – anh vốn hiền lành, siêng năng trong sáng tác, và nhiệt tình với tất cả bạn văn; nên gặp “trở ngại” này có thể đã khiến anh “chán ngán chuyện đời” là điều tất nhiên. Chuyện đời đâu có mượt mà, trơn láng, đơn giản như ta nghĩ, ta thấy. Chuyện đời cũng có bề trái xù xì, ghồ ghề, đen điu của nó mà ta có thể chưa có dịp phát hiện (hay nó chưa có dịp lộ diện đó thôi)
Xưa nay tôi (và cả người bạn) đều có suy nghĩ : sinh hoạt VHNT là một sinh hoạt có gì “khác” với các sinh hoạt khác của đời sống. Nó nặng tình hơn, cao khiết hơn, và thoải mái vui vẻ hơn. Có vậy, mới cặm cụi viết, hết lòng sống, và hy sinh (cả tinh thần, vật chất) để gắn bó, theo đuổi như một cái “nghiệp”. Dần dà – nhất là bây giờ, cả tôi và người bạn đã “chợt” nhận ra, sinh hoạt VHNT đã ngấm ngầm bị ô nhiễm, bị biến thái, để trở nên là một sinh hoạt bình thường, ghồ ghề, với nhiều trắc trở, bạc bẽo của cuộc sống!
Sau một vài lần đối diện với thực tế trong quan hệ, gặp điều đáng nản như người bạn; tôi hiểu ra rằng, sở dĩ trong sinh hoạt VHNT đáng lẽ ra phải trong sáng, chân tình, ấm áp tình người hơn nơi nào hết; lại trở nên u ám, tráo trở, và bạc bẽo là vì chúng ta – những người gọi là có tham gia viết lách, làm thơ viết văn, và các lĩnh vực nghệ thuật khác – thiếu vắng một điều : Đó là cái “Tâm Tùy Hỷ” rất quan trọng. Tâm tùy hỷ rất cần thiết trong mọi sinh hoạt, quan hệ của đời sống.
Trong nhiều kinh sách của Phật giáo có nói đến cái tâm cao cả, mầu nhiệm này. Người có tâm tùy hỷ, không những luôn được an vui, mà còn có nhiều phước đức trí tuệ nữa. Vậy “Tâm Tùy Hỷ” là một cái tâm như thế nào mà linh diệu đến vậy? Hiểu đơn giản là : “Thuận vui cùng người, với người”. Người có tâm tùy hỷ sẽ luôn cảm thông, chia xẻ, chan chứa niềm vui với người được có niềm vui, vì sự thành công, hay hạnh phúc, may mắn, đang sống quanh mình – không kể là quen hay lạ, thân hay sơ !
Người bạn đã xứng đáng được trao hai giải thưởng vì tài năng, vì sự đóng góp tích cực trong nhiều năm – đó là một điều tất nhiên, hợp lý. Nếu vài ba bạn văn – nhất là bạn gần gũi, thân tình đã được anh hết lòng chăm chút, giúp đỡ kia – biết “lượng sức mình” và có tâm tùy hỷ – thì tất cả đều vui, đều hạnh phúc !
Người không có tâm tùy hỷ sẽ luôn sống trong khổ đau, dằn vặt, toan tính. Thấy người giàu có thì ganh ghét. Biết người hạnh phúc thì đố kỵ. Nghe người may mắn thì khổ đau. Nếu tâm ta không có chỗ cho “Tùy hỷ, hỷ xả” thì tam độc “tham, sân, si” sẽ nẩy sinh, phát triển. Đó là địa ngục, là khổ nạn cho đời người.
Có người bạn thơ phát biểu rằng, ở giới văn nghệ sĩ nói chung – nhà thơ nhà văn nói riêng- nhiều người thường cho mình là “cái rốn của vũ trụ”. Bởi vậy nên mới có chuyện chỉ cho thơ văn của mình là nhất. Mới có chuyện hai “ông nhà thơ” tranh luận thơ hay – chê bai nhau, không ai chịu ai, suýt…đánh nhau nữa (!) Đã có cái tâm kiêu mạn, thì dù sinh hoạt trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng đều thất bại, vì chẳng bao giờ tiến bộ được (mà mọi hoạt động – nhất là hoạt động tri thức là luôn đổi mới, phát triển).
Ý thức rằng, VHNT là một sinh hoạt không ngừng thay đổi, có nhiều đường hướng đạt tới phong phú – thì mỗi người (hay mỗi nhóm, tập thể) làm công việc sáng tác, có một cách thể hiện, diễn đạt riêng – không thể trói buột vào một khuôn khổ, một ý thức nào! Do vậy, nếu có ai “không giống ta” thì đó cũng là một điều tất nhiên. Giá trị của một tác phẩm nằm trong chiều sâu xây dựng các giá trị “chân, thiện, mỹ” mà nó cống hiến cho người đọc, cho đời sống chứ không phải phương tiện.
Mọi vấn đề xem ra phức tạp của sinh hoạt VHNT – tóm lại, cũng đều tùy thuộc vào cái “Tâm Tùy Hỷ” trong sáng, thánh thiện ấy cả!


th 6 năm 2007


MANG VIÊN LONG


Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

CUỐI NĂM NHỚ YẾN LAN QUA MỘT BÀI THƠ Tạp Bút MANG VIÊN LONG


CHÂN THÀNH KÍNH CHÚC


QUÝ BẠN VĂN & BẠN ĐỌC : MỘT MÙA XUÂN MỚI AN VUI & HẠNH PHUC!



CUỐI NĂM NHỚ YẾN LAN
QUA MỘT BÀI THƠ


Tạp Bút Mang Viên Long


Vào một buổi chiều đầu tháng 3 năm 1985, nhân dịp nhà thơ Yến Lan tròn 70 tuổi, tôi có đến thăm ông và gia đình. Trong câu chuyện về thơ, về gia đình, bằng hữu, ông có đọc cho tôi nghe một bài thơ – đó là bài Khăng khít, với sự có mặt của bà Yến Lan đang cùng nhau trò chuyện.
Năm 1965, ông viết bài “Khăng khít” để chủ yếu làm “quà” cho vợ. Quà của một nhà thơ, cũng chỉ có thế. Sau một hớp nước trà nóng, ông liếc nhìn vợ, đọc :

Em có cháu gọi “bà”
Gọi “em” anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi, ai già
Chúng mình sao trẻ vậy.


Đối với người nghệ sĩ – nhà thơ chẳng hạn, tuổi tác không làm cho trái tim nguội lạnh, mà trái lại, càng khiến cho nhịp đập nồng nhiệt hơn, tình cảm sâu thẳm hơn, cao khiết hơn. Trong bài tựa cho tập Thơ Yến Lan (NXB Văn Học – 1987). Chế Lan Viên cũng đã có nhận định: “Chớ nhìn mái tóc nhau để vội vàng kết luận là bộ não của người này hay người khác đã làm xong sứ mạng của nó”.


Anh đọc truyện em nghe
Em muốn em là “Tấm”
Lòng Hoàng tử anh mê
Từ buổi – đầu em lấm.

Em gọt khế cuối mùa
Anh cắn từng lát nhỏ
Ôi, quả thường vị chua
Mà mọng nhiều thương nhớ.


Kỷ niệm của tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đáng nhớ, đáng trân trọng. Đối với nhà thơ, tình cảm ấy lại cứ khuấy lên, dạt dào, tưởng không bao giờ dứt. Yến Lan nhắc tới chuyện “cô Tấm” bởi vì thập niên 30- 40, mẫu chuyện ấy rất gần gũi với mọi giới, với cả bà Yến Lan hiền thục, mơ mộng, yêu mến thơ văn… Còn tại sao Yến Lan lại có câu : “Em gọt khế cuối mùa; anh cắn từng lát nhỏ”, bởi lẽ những trái khế của cây khế cuối hiên chùa Ông – nơi Yến Lan tạm sống, đã trở thành cái cớ chính đáng cho cô gái tên Yến mê thơ ca, tìm đến với người mình mơ tưởng… Bà Yến Lan đã có lúc kể lại với tôi, bà thường tìm tới chùa Ông xin khế, để được gặp mặt thi sĩ… Vậy thì những trái khế, những lát khế nhỏ từ tay cô gái tên Yến cắt ra, phải đáng nhớ, đáng yêu quý chứ?
Giọng ông vẫn nồng nhiệt :

Bao bận anh lên đường,
Ngày về thường sai hẹn
Giữa lúc em dỗi hờn
Thư anh liền kịp đến


Đã tìm đến nhau bằng tấm chân tình, son sắt, thì sự “Khăng khít” là một điều tất yếu. Thuở ấy, Yến Lan rời quê vào Nam, ra Bắc để thăm viếng bạn văn, để tìm cảm hứng, để tham gia các sinh hoạt văn hóa theo ước mơ tuổi trẻ “Ngày về thường sai hẹn”… Đó cũng là một nỗi buồn, hay là một sự hy sinh của bà Yến Lan, vì sự nghiệp văn học của chồng.


Bao bận em se mình
Giành con, anh nấu cháo
Ôi đâu phải mùi hành
Mồ hôi em thấm áo…


Tình cảm của ông dành cho người bạn đời, qua 4 câu năm chữ trên, quả thật là tuyệt vời.Không phải chỉ trong thơ ca, ở đời thường, ông bà Yến Lan vẫn sống với nhau chí tình, chí nghĩa như thế: “Ôi ! đâu phải mùi hành, mồ hôi em thấm áo”.
Ông dừng đọc. Nghĩ một phút. Như để nhớ tưởng, để cảm nhận lại các xúc cảm của chính mình – giọng ông trở nên sâu lắng :


Hạt nắng nháy trong vườn
Khiến lòng – đòi xao xuyến
Có phải ngày ta thương
Một mùa hè quá ngắn


Yến Lan có thời gian đi dạy học. Bà Yến còn là học trò. Mùa hè đối với cuộc đời dạy và học thật là êm đềm, thơ mộng. Ở đây, với Yến Lan, chính trong một mùa hè nhà thơ đã gặp được tình yêu đầu đời của mình.

Chiếc áo cưới năm xưa
Mùi hòm rương nếp gấp
Ướm lại, rộng không vừa
Em vẫn khen tơ chắc.


Đọc xong đoạn này, ông đưa mắt nhìn bà, thật lâu. Có lẽ, cũng đã có lần bà giở rương ra, mân mê chiếc áo cưới, ướm thử lại – và ông ta, nhìn thấy, đã ghi lại một kỷ niệm : “Ướm lại rộng không vừa ; em vẫn khen tơ chắc”.
Đoạn cuối

Ta gắn nhau từ đầu
Càng gắn nhau về cuối
Đâu nghĩ là xa nhau
Cho đến giờ hấp hối…


Đoạn thơ 4 câu có hai động từ “gắn” cũng có nghĩa là “khăng khít”, nhưng hơn 30 năm sau – lúc 2g20 phút ngày 5-10-1998 – Yến Lan đã vĩnh viễn ra đi – từ biệt người vợ hiền và cũng là người bạn văn mà ông đã hết lòng yêu quý, trân trọng!

MANG VIÊN LONG