Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

TÂM " HỶ XẢ " TRONG SINH HOẠT VHNT Tạp Bút MANG VIÊN LONG


Tâm “hỷ xả”


TRONG SINH HOẠT VHNT


Mang Viên Long
( Ảnh : Nhà Thơ-NS nhiếp ảnh Trần Hoa Khá )

Phải nhìn nhận một điều: Trong bất kỳ sinh hoạt nào của đời sống trong xã hội, cũng đều có sự “va chạm” do nhiều nguyên nhân (chủ quan hay khách quan) đưa đến :
Sự “va chạm” – tạm gọi như vậy, là một “phản ứng” tự nhiên, khi mà mỗi cá thể đều có tính chất riêng, suy nghĩ riêng, và hoàn cảnh, căn cơ riêng. Đó là một điều khó có thể tránh khỏi.
Nếu nói ở một bình diện lớn hơn, đó có thể là một sự “mâu thuẫn”, “xung đột” hay “phản kháng” giữa ý thức với ý thức, giữa cảm nhận với cảm nhận ; nói tóm là giữa những cái “ngã” vô cùng vi tế và phức tạp trong một cộng đồng.
Hiểu theo một ý nghĩa tích cực, tốt đẹp – sự “mâu thuẫn, bất đồng” ấy có một giá trị xây dựng cần thiết cho sự tiến bộ và hoàn thiện. (Nếu không có sự “bất đồng, xung đột” – theo nghĩa trong sáng, thành tâm ấy, có lẽ sẽ không có sự tiến bộ, không có sự hoàn thiện trong tương lai).
Sinh hoạt VHNT – nói hẹp trong phạm vi văn học, cũng cần có cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” ấy nếu nó được phát sinh, bắt nguồn từ tấm lòng nhiệt thành, trung thực, vì sự nghiệp chung của văn học. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.
Tuy vậy, trong thực tế, đáng tiếc thay (và cũng đáng buồn thay) – có nhiều sự “va chạm” , “mâu thuẫn “ hay “xung đột” lại được nẩy sinh từ tâm địa hẹp hòi, đố kỵ, thiển cận (!). Tôi rất ngạc nhiên, bàng hoàng (và lấy làm kỳ lạ) khi nghe một người bạn kể lại chuyện “hai ông nhà thơ” phẩm bình thơ nhau, rồi lớn tiếng “cãi cọ” , đi đến biện pháp cuối cùng là “dùng võ thuật” (chứ không dùng miệng lưỡi nữa) (!)
Chuyện này làm tôi nhớ lại lời của nhà văn Võ Hồng đã nói với tôi như một kinh nghiệm, một lời khuyên – (vào năm 1971) : “(…) Nếu gặp bạn thơ văn nào có lòng kiêu mạn, biết họ sẽ không thể tiến bộ được nữa, tốt hơn là toa nên im lặng!”. Đó là một thái độ tiêu cực , thiếu xây dựng – nhưng biết làm cách nào tốt hơn trước thực trạng đáng buồn như vậy ?
Tôi không gọi những vụ “lời qua tiếng lại “ trên văn đàn, báo chí – theo nghĩa tiêu cực, là sự “xung đột, mâu thuẫn” cần thiết; mà có thể tạm gọi là “sự kèn cựa của những cái ngã”. Đó là sự bùng vỡ của những tham vọng, những toan tính cá nhân, của lòng ích kỷ !
Nói tóm lại, dù là sự “va chạm” trong sinh hoạt VHNT có rơi vào trường hợp nào đi chăng nữa (tích cực / tiêu cực – tốt / xấu v.v…) thì chúng ta vẫn có thể có được sự an vui, thảnh thơi, hòa hợp với cái tâm “hỷ xả” của chính mình !
Hỷ có nghĩa là vui, vui sướng.
Xả có nghĩa là buông thả ra, bỏ đi.
Hỷ xả có nghĩa là “vui vẻ mà bỏ đi, mà quên đi – không gợi chút hờn giận, chấp trước, buồn phiền gì trong tận đáy lòng. Vì thương yêu mà buông bỏ!”.
Có “xả” được tận gốc (từ trong tâm mình), mới có niềm vui tối thượng, có sự hòa hợp cao cả, đích thực.
Một tên đồ tể cầm giáo còn vấy máu đến xin một vị thiền sư sám hối, ăn năn hối cải, về ác nghiệp của mình ; vị Thiền sư ôn tồn bảo : “Buông!”. Tên đồ tể liền thả ngọn giáo xuống sân. Vị Thiền sư lại lên tiếng : “Buông!”. Tên đồ tể tức khắc vất bỏ bao bị đang mang trên vai. Tiếng Thiền sư lại vang lên : “Buông!”. Tên đồ tể lễ phép thưa : “Bạch Hòa Thượng, con đã “buông” hết cả rồi ạ!”. Thiền sư ân cần dạy : “Ta bảo ông buông sự tham sân, si muội, độc ác trong tâm của ông kìa !” – Nghe xong, tên đồ tể hoát nhiên được ngộ.
Chữ “xả” cũng giống như chữ “buông” : Phải “xả” ngay trong tâm mình mọi sự, mọi chuyện, mọi điều – mới đạt đến được chữ “hỷ” chân thực, bền vững, lâu dài – để có sự hòa hợp, kết thân, cảm thông tự nhiên sâu sắc với đời … Trường hợp chưa “xả” ngay được, Đức Phật cũng “thông cảm” cho ta bày tỏ thái độ, hay giận hờn – nhưng không lâu quá 24 giờ (nhưng phải là chuyện lớn kìa) –Sự “mâu thuẫn “ hay “va chạm” có hai mặt : Nếu là lời chí tình, chân xác – ta thâu nhận để tiến bộ với lòng tri ân. Nếu là lời ác tâm – ta cũng thâu nhận để “hỷ xả” cũng với lòng tri ân bởi vì đã giúp ta tu tập, rèn luyện để nên người hoàn thiện. Cả hai đều có lợi cho ta !
Nếu chỉ “xả” (hay “buông”) ở ngoài miệng (các hình thức bên ngoài tâm) – thì sẽ chẳng bao giờ có được sự an vui, có được sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia chân thật sau này. (và nhất là nó sẽ còn tiếp tục, mãi mãi đem lại bao điều phiền muộn, khổ đau cho chính bản thân ta và người khác!).
Phẩm “An lạc” trong kinh Pháp cú có chỉ rõ.


Vui thay, chúng ta sống
Không hận thù, giữa hận thù
Giữa những người thù hận
Ta sống, không hận thù!”

Trong quá khứ, nếu trong sinh hoạt VHNT đã có những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đáng tiếc, theo tôi – chúng ta thiếu vắng “tâm hỷ xả”. Nếu “tâm hỷ xả” được nuôi dưỡng, luôn có mặt bên cạnh đời ta, trong mọi sinh hoạt thường nhật của ta – thì chắc rằng, tất cả sẽ chẳng bao giờ ưu phiền, sân giận – mà sẽ luôn luôn mỉm cười với bao nhân duyên đến và đi – tiếp rồi … mà ta chẳng hề hấn gì cả !
Trong đạo Phật, bốn tâm lớn, cao cả của người tu, là “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Thực hành trọn vẹn được bốn tâm này (Tứ vô lượng tâm) – là người đã bước vào được trong cửa Đạo. (ngộ Đạo). Tôi muốn thêm, trong sinh hoạt VHNT – người nào giữ được tâm “hỷ xả” là người cao thượng, đáng trân trọng, tin yêu…
Kỳ diệu thay tâm “hỷ xả” đã có sẵn trong mỗi chúng ta, không phải mất công tìm kiếm ở đâu xa cả !

MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét