Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

TÂM KIÊU MẠN & TÂM HỶ XẢ TRONG SHVHNT Tạp Bút MANG VIÊN LONG



TÂM “KIÊU MẠN”
TRONG SINH HOẠT VHNT



Tạp Bút



MANG VIÊN LONG






Điều cần khẳng định trước tiên là sinh hoạt Văn học Nghệ thuật (VHNT) cũng là một sinh hoạt trong nhiều sinh hoạt cần thiết của đời sống. Mỗi hoạt động có một mục đích, vai trò riêng, để cùng góp phần bảo vệ, nâng cao đời sống ngày một hoàn thiện hơn, hạnh phúc hơn – trong tiến trình tiến bộ chung của nhân loại. Bởi vậy, chúng ta không thể hời hợt, phiến diện, khi coi trọng vật chất hay tinh thần. Sinh hoạt vật chất (thân) và sinh hoạt tinh thần (tâm) nên có sự gắn bó hỗ tương để cùng phục vụ cho con người đạt đến cứu cánh hạnh phúc lâu dài…
Những người hoạt động trong lãnh vực VHNT (cũng như các lãnh vực khác: Y học, giáo dục, kinh tế, xã hội, thương mại, kỹ thuật, đến lao động bình thường…) có nên quá “coi trọng” sinh hoạt của ngành mình, để nảy sinh tâm “kiêu mạn” lạc hậu, thấp kém, và phản tiến bộ không ?
Trong bài ghi nhận tản mạn này, chúng tôi chỉ xin được nêu lên đôi điều về tâm “kiêu mạn” trong sinh hoạt VHNT – chú ý đến sinh hoạt Văn học.
Theo Hán Việt tự điển (Đào Duy Anh – Hàn Mặc Tử – Trường Thi XB – Sài Gòn 1958) thì từ “kiêu” có nghĩa là “ngạo mạn, không chịu phục tùng”. Từ “kiêu ngạo” là khoe khoang, ngạo mạn. Từ “mạn” là phóng túng, khoan chậm, kiêu ngạo. Từ điển VN Tân Tự Điển (Thanh Nghị – Khai Trí –XB – Sài Gòn 1960) ; từ “kiêu” được giải thích là “tự cho mình là hơn cả mọi người”. Trong cả hai từ điển đáng tin cậy ấy, đa số các từ đứng đầu bằng từ “kiêu” đều có ý nghĩa không tốt (kiêu binh, kiêu căng, kiêu kỳ, kiêu phong (phong tục xấu, đồi bại) – kiêu túng (phóng túng, dâm dật) – kiêu xa (kiêu kỳ, xa xỉ), …, ). Vậy tính “kiêu mạn” (ngạo mạn, tự cho mình là hơn cả mọi người, khinh thường người khác…, xem ra chẳng thích hợp cho bất kỳ một sinh hoạt nào của đời sống – nhất là lãnh vực văn học!
Ay thế mà gần đây, chúng tôi được thư của một người bạn văn ở tỉnh X. than phiền, tâm sự, về một “ông bạn nhà thơ” – khép kín cánh cửa lầu và cửa lòng (theo lời người bạn) vì không có ai xứng đáng để cho ông ta gặp (!). Quá khứ, ông ta có hai ba tập thơ được bỏ tiền ra in. Hiện tại có thơ đăng rải rác ở vài tờ báo. Tương lai thì không có gì sáng sủa để ngạo nghễ. Tuy vậy, ông vẫn nhìn đời bằng “nửa con mắt”- và đối với bạn văn, vẫn luôn khinh bạc. Đã không có cuộc sống gắn bó, thiết tha, kết thân với đời – thì thơ sẽ như thế nào? Thơ viết ra cho ai ? Để làm gì nhỉ ?
Tại TP. Y có một “ông nhà thơ”, hễ “đụng ai” cũng “chửi” (chữ của người bạn kể chuyện) – ông không hề “chịu” thơ ai – dĩ nhiên là ngoài thơ của mình! Ông ấy (tuy chỉ vừa ngoài tuổi 40) học cái “ngông” của Tản Đà, và cái “điên” của Bùi Giáng. Ông ấy đâu có hiểu được rằng, cái “ngông” của Tản Đà thì rất tự nhiên, dễ thương – có chất thơ của người sống giản dị, tự tại, hào phóng. Và cái “điên” của Bùi Giáng thì đầy chất trí tuệ; có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Còn ông ấy thì sao? – Học đòi, sống lang bạt, rượu thịt, huênh hoang, ngạo mạn ; bất chấp là ai, ở đâu… Sự “bắt chước” (hay sao chép) cách sống của người khác, ngụy tạo cho mình một hào quang ảo, chỉ đem lại kết quả thảm hại cho thơ, cho chính mình mà thôi !
Trước khi có tham vọng muốn mình là “cái gì” thì trước đó phải là một con Người (viết hoa) cái đã. Sống bình thường nhưng việc làm phi thường – mới là mẫu Người đáng trân trọng. Có một nhà văn nào đó đã tâm sự “muốn cho người khóc mình, thì mình phải khóc trước đã”. Tác phẩm của nhà thơ – nhà văn, là để dâng hiến cho đời, kết thân với đời, cùng sẻ chia niềm hạnh phúc, hay nỗi khổ đau- để cùng tìm đến cứu cánh hạnh phúc vĩnh hằng ; chứ không phải “đóng cửa lầu” làm thơ, hay vừa ngông cuồng bạt mạng vừa làm thơ – để thách đố, hay làm hoen ố đời sống (!)
Trong giáo lý của Đạo Phật – Tâm kiêu mạn là một cái tâm cầu uế, tiêu cực, cần phải được loại trừ, gột sạch – trước khi bước vào cửa Đạo. Bởi vì, “những người phóng túng, ngạo mạn thì lậu tập mãi tăng thêm” (kinh Pháp cú – 59, Và hãy “lấy tính chất phúc, chính trực làm gốc ; giữ tâm luôn đoan chính” (Kinh Di Giáo). Trước giờ phút nhập Niết Bàn – Đức Phật đã còn ân cần khuyến dạy : “… Các con nên tự sờ lên đầu để bỏ tính làm dáng, nếu có tính kiêu ngạo phải nên bỏ ngay đi (…) xiểm khúc chỉ có mục đích là lừa dối…”.
Xem vậy, tâm “kiêu mạn” trong sinh hoạt VHNT là một cái tâm không thể có, không ai có thể chấp nhận; bởi chính nó ngăn trở sự tiến bộ, không có tính văn hóa – mà còn phản lại cứu cánh một một nền văn học luôn hướng đến “chân – thiện – mỹ”.

Tháng 12. 2006




TÂM “TÙY HỶ” TRONG SINH HOẠT VHNT


Một người bạn Văn viết thư thăm tôi, trong thư anh có cho biết sơ lược về “nỗi buồn” của anh trong tháng qua: Anh vừa được Hội đồng xét duyệt giải thưởng văn học 5 năm (2001- 2005) của tỉnh quyết định trao cho anh giải A về Văn học Dân gian và giải B về sáng tác; nhưng lại có sự kiện tụng, phân bì này nọ. Hội đồng phải họp đi, họp lại nhưng kết quả vẫn như vậy ! Anh kết luận “chuyện không có gì nhưng nó cũng làm ta cảm thấy chán ngán chuyện đời!”. (Thư riêng 10.6.06)
Tôi đã được sống và làm việc gần anh trong nhiều năm – anh vốn hiền lành, siêng năng trong sáng tác, và nhiệt tình với tất cả bạn văn; nên gặp “trở ngại” này có thể đã khiến anh “chán ngán chuyện đời” là điều tất nhiên. Chuyện đời đâu có mượt mà, trơn láng, đơn giản như ta nghĩ, ta thấy. Chuyện đời cũng có bề trái xù xì, ghồ ghề, đen điu của nó mà ta có thể chưa có dịp phát hiện (hay nó chưa có dịp lộ diện đó thôi)
Xưa nay tôi (và cả người bạn) đều có suy nghĩ : sinh hoạt VHNT là một sinh hoạt có gì “khác” với các sinh hoạt khác của đời sống. Nó nặng tình hơn, cao khiết hơn, và thoải mái vui vẻ hơn. Có vậy, mới cặm cụi viết, hết lòng sống, và hy sinh (cả tinh thần, vật chất) để gắn bó, theo đuổi như một cái “nghiệp”. Dần dà – nhất là bây giờ, cả tôi và người bạn đã “chợt” nhận ra, sinh hoạt VHNT đã ngấm ngầm bị ô nhiễm, bị biến thái, để trở nên là một sinh hoạt bình thường, ghồ ghề, với nhiều trắc trở, bạc bẽo của cuộc sống!
Sau một vài lần đối diện với thực tế trong quan hệ, gặp điều đáng nản như người bạn; tôi hiểu ra rằng, sở dĩ trong sinh hoạt VHNT đáng lẽ ra phải trong sáng, chân tình, ấm áp tình người hơn nơi nào hết; lại trở nên u ám, tráo trở, và bạc bẽo là vì chúng ta – những người gọi là có tham gia viết lách, làm thơ viết văn, và các lĩnh vực nghệ thuật khác – thiếu vắng một điều : Đó là cái “Tâm Tùy Hỷ” rất quan trọng. Tâm tùy hỷ rất cần thiết trong mọi sinh hoạt, quan hệ của đời sống.
Trong nhiều kinh sách của Phật giáo có nói đến cái tâm cao cả, mầu nhiệm này. Người có tâm tùy hỷ, không những luôn được an vui, mà còn có nhiều phước đức trí tuệ nữa. Vậy “Tâm Tùy Hỷ” là một cái tâm như thế nào mà linh diệu đến vậy? Hiểu đơn giản là : “Thuận vui cùng người, với người”. Người có tâm tùy hỷ sẽ luôn cảm thông, chia xẻ, chan chứa niềm vui với người được có niềm vui, vì sự thành công, hay hạnh phúc, may mắn, đang sống quanh mình – không kể là quen hay lạ, thân hay sơ !
Người bạn đã xứng đáng được trao hai giải thưởng vì tài năng, vì sự đóng góp tích cực trong nhiều năm – đó là một điều tất nhiên, hợp lý. Nếu vài ba bạn văn – nhất là bạn gần gũi, thân tình đã được anh hết lòng chăm chút, giúp đỡ kia – biết “lượng sức mình” và có tâm tùy hỷ – thì tất cả đều vui, đều hạnh phúc !
Người không có tâm tùy hỷ sẽ luôn sống trong khổ đau, dằn vặt, toan tính. Thấy người giàu có thì ganh ghét. Biết người hạnh phúc thì đố kỵ. Nghe người may mắn thì khổ đau. Nếu tâm ta không có chỗ cho “Tùy hỷ, hỷ xả” thì tam độc “tham, sân, si” sẽ nẩy sinh, phát triển. Đó là địa ngục, là khổ nạn cho đời người.
Có người bạn thơ phát biểu rằng, ở giới văn nghệ sĩ nói chung – nhà thơ nhà văn nói riêng- nhiều người thường cho mình là “cái rốn của vũ trụ”. Bởi vậy nên mới có chuyện chỉ cho thơ văn của mình là nhất. Mới có chuyện hai “ông nhà thơ” tranh luận thơ hay – chê bai nhau, không ai chịu ai, suýt…đánh nhau nữa (!) Đã có cái tâm kiêu mạn, thì dù sinh hoạt trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng đều thất bại, vì chẳng bao giờ tiến bộ được (mà mọi hoạt động – nhất là hoạt động tri thức là luôn đổi mới, phát triển).
Ý thức rằng, VHNT là một sinh hoạt không ngừng thay đổi, có nhiều đường hướng đạt tới phong phú – thì mỗi người (hay mỗi nhóm, tập thể) làm công việc sáng tác, có một cách thể hiện, diễn đạt riêng – không thể trói buột vào một khuôn khổ, một ý thức nào! Do vậy, nếu có ai “không giống ta” thì đó cũng là một điều tất nhiên. Giá trị của một tác phẩm nằm trong chiều sâu xây dựng các giá trị “chân, thiện, mỹ” mà nó cống hiến cho người đọc, cho đời sống chứ không phải phương tiện.
Mọi vấn đề xem ra phức tạp của sinh hoạt VHNT – tóm lại, cũng đều tùy thuộc vào cái “Tâm Tùy Hỷ” trong sáng, thánh thiện ấy cả!


th 6 năm 2007


MANG VIÊN LONG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét