Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

L Ộ N N G Ư Ợ C Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG



L Ộ N N G Ư Ợ C


Thân kính tặng anh chị T
với niềm cảm thông sâu sắc…


Truyện Ngắn
Mang Viên Long



Ông khách vừa bước chân ra khỏi nhà, thì Thu – con trai đầu của ông Thiết cũng vừa dắt xe vào. Treo chiếc mũ bảo hiểm lên vách, Thu quay lại nhìn ông Thiết – giọng khô khốc: “ Lại khách với khứa! Ngày nào cha cũng trà nước ngồi tiếp hết người này đến người khác? “
- Chứ mầy kêu tao phải làm gì nữa khi đã ở gần tuổi tám mươi? Bạn đến thăm mầy không thấy quý sao? Người không bạn bè như vỏ ốc khô lăn lóc…
- Mấy đồng lương hưu của cha cũng chỉ đủ để mua trà thuốc…
- Nhưng tao và mẹ mầy cũng chưa hỏi xin tiền của vợ chồng mầy kia mà? – Ông Thiết lại nổi nóng như bao lần.
Thu cười gằn: “ Ông không lo, rồi cũng có ngày làm khổ hết đứa này, đến con khác cơ mà! “.
Ông Thiết muốn lập lại lời đã đôi lần nói với Thu – “ tao có chết đói, cũng không xin tiền của vợ chồng mầy…” – nhưng bổng đồi giọng dịu dàng:
- Con yên tâm đi!
Thu vẫn giọng như lưỡi dao chỉa vào ông: “ Cha không nhìn thấy khối người bảy, tám mươi còn đẩy xe ba gác, đi xe đạp thồ, bán bong bóng dạo đó sao? “
- Mầy muốn tao làm y như vậy? – Ông cười nhạt.
Nhìn thấy Thu vẫn còn đứng nguyên ở góc tủ chưa chịu rời - im lặng, ông buột nhắc lại điều đã nói với đám con nhiều lần, như lời tâm sự nhạt nhẽo với chúng: “ Lúc nhỏ đi học, gắng học – rồi lớn lên đi làm việc, gắng nuôi bầy con ăn học thành người, không thua kém bạn bè, có công việc làm để tự nuôi thân ồn định – tao bây giờ không làm nổi thêm gì nữa. dù muốn làm cũng không được nữa rồi! “
Giọng Thu như nhát dao chém vào thớt:
- Sao ông không nhìn sang nhà ông Đại, ông Hân, ông Ngọc?
- Thì sao?
- Nhỏ hơn tuổi cha, người ta tạo dựng cho con cái nhà cao cửa rộng- xe nhỏ xe to, sống đời vua chúa – còn những đứa con của cha thì sao? Sao ông không so sánh với những người ấy chứ?
Ông Thiết với tay bưng tách trà nguội – uống một hớp, cười xì một cái như chiêc bong bóng bị thủng : “ Con lại nói theo giọng ấy nữa thì cha chịu thua rồi. con ơi!” – Ông lại uống tiếp cho hết chỗ nước trà còn lại trong tách – như để nuốt trôi nỗi buồn đi – lại cười – như tự nói với chính nổi cô độc của mình trong bao tháng năm qua: “ Nuôi con ăn học cao cũng chỉ mong sau nầy chúng biết sống, biết “ăn ở” có đạo lý với đời, chứ đâu ngờ biết lý luận biện chứng giỏi để hạch sách cha mẹ - người thân và xa rời bà con ? – kết cục là vậy thôi! Đứa nào cũng rặt một giọng đòi hỏi, oán trách; chưa hề một lần tự hỏi chính mình …“.
Thu đã bỏ ra phía nhà sau – có lẽ, để dùng cơm trưa với vợ con đang chờ. Thu đi, bà Tâm từ trong phòng bước ra – kéo chiếc ghế thấp, ngồi bên cạnh ông – liếc nhìn ông bằng đôi mắt thương cảm vô vọng - giọng thì thầm: “ Ông hãy nhịn đi, chúng còn trẻ người non dạ chưa hiểu thấu hết sự đời cơ mà! Cải với tụi nó làm gì cho chúng ghét?” – “ Chúng đã có thương kính gì tôi đâu mà bà kêu sợ chúng ghét kia chứ? Nếu có chút tình thương yêu, chúng đã không nói những lời cay đắng , bạc nghĩa vậy rồi!”.
- Sao không?
- Ý bà muốn nói, lâu lâu chúng đã gởi cho bà một ít tiền chứ gì? – Ông Thiết nhìn vợ - nét mặt tê lạnh
- Thì cũng đỡ khổ…
Ông Thiết chợt cười lớn một tiếng – rồi lại nhìn đứng lên mặt vợ, đôi mắt đầy bất trắc, chua xót: “ Hơn hai mươi mấy năm nuôi chúng ăn học biết bao nhiêu là tiền của, mồ hôi – nước mắt, mà thỉnh thoảng chúng chỉ gởi cho bà nhúm tiền, thì bà đã mừng húm lên rồi!”
- Cũng là cái tình của con chứ ông?
- Đúng vậy! Tôi không nói đến tiền ít nhiều, mà chỉ nghĩ đến thái độ sống, cách cư xử của chúng – là tôi đã cảm thấy nuốt không trôi nữa rồi…Bộ chúng tưởng chút tiền bạc, quà cáp ấy là sự thi ân to lớn lắm sao – giọng ông bổng nhỏ dần – đôi khi chỉ cần một câu nói dịu dàng, cảm thông - cũng là điều chia sẻ quý báu rôi!
Bà Tâm kéo chiếc ghế gần vách – dựa lưng, thở dài:
- Ông có tiếng là học rộng hiểu nhiều, nhưng hiểu biết không bằng mấy bà ngoài chợ…
- Bà nói vậy là sao?
- Ông hãy ra ngoài chợ mà nghe mấy bà ấy nói…
- Trời ơi! Tôi đâu phải là kẻ ăn không ngồi rồi chuyên đi ra chợ tụ tập để nói ba chuyện tào lao?
- Sao lại tào lao?
- Chứ còn gì nữa?
- Tôi cũng chẳng phải người ngồi lê đôi mách, nhưng đi ngang qua – thỉnh thoảng nghe mấy câu – cũng …chí lý lắm!
- Bà đã nghe câu gì – ông Thiết quay nhìn vợ - thử nói nghe một câu xem?
- Không rõ trước đó họ bàn về chuyện gì, nhưng lúc tôi xách giỏ đi qua – nghe một bà mập mập lớn tiếng, giọng chắc nịch: “… thuở trước con cái nể sợ cha mẹ - ngày nay cha mẹ nể sợ con cái”- nghe vậy – tôi vừa đi, vừa nghĩ – “ …rồi nàng dâu kính nể mẹ chồng, nay thì mẹ chồng kính nể nàng dâu giống như tôi vậy!”…
Ông Thiết im lặng giây lâu – đôi mắt trở nên ngơ ngác, lơ đãng nhìn ra đường. Giọng ông yếu lạc di như có gì đang vướng trong cổ: “ …rồi thầy cô nể sợ học trò, chồng nể sợ vợ, sự thật nể sợ giả dối, chân lý nể sợ gian tà…Sao bà không nói luôn đi? “.
- Tôi không nói – bà Tâm thở dài, mà cuộc sống đã nói vậy, ông hiểu chưa?
- Tôi có tai, còn đôi mắt sáng, sao lại không thấy?
- Đã vậy, sao ông còn buồn giận, còn cải nhau với tụi nhỏ hoài mà không biết im lặng?
- Tôi tưởng rằng bà đã hiểu, không dè…
- Hiểu thế nào đây?
- Tôi làm vậy, cũng bởi chúng là con của tôi – là tình thương yêu của tôi và bà bao năm, bà nghe rõ chưa? – ông nhìn lướt lên khuôn mặt khô héo của vợ - cười, hơn mấy chục năm dạy học, hôm nay bà đã quên hết cả rồi!
- Tuổi già là vậy mà ông? Tuổi già thường có những cái mà người không cảm thông cho là lẩm cẩm – nhưng mà, rồi ai ai cũng sẽ có ngày lẩm cẩm nbư vậy thôi! Như bài thơ tôi nghe lỏm được của mấy bà ngoài chợ truyền tai nhau vậy thôi!
- Mấy bà ấy làm thơ? Gọng ông Thiết vừa ngạc nhiên, vừa thích thú.
- Chứ sao! Bà Tâm cười – Bây giờ ai cũng là thi sĩ hết trơn mà! Thơ của họ hay thơ của ai tôi chưa rõ, nhưng nghe thì thuộc liền, ngộ nghỉnh lắm!
- Bà còn nhớ không?
- Tôi chỉ nghe qua một lần là nhớ…
- Bà đọc tôi nghe coi?
- Nghe đây – Bà Tâm ậm ừ trong cổ để lấy giọng : “ Công cha thua chiếc Honda/ nghĩa mẹ khó sánh vợ ta bây giờ/ Có tiền – có của, chúng thờ/ Nghèo khô – cháy túi, chúng lơ thôi mà! “(1)
Như bao lần cùng nhau trò chuyện, sau những lời tâm sự rồi dần dần dồn nhau vào ngỏ cụt – cả hai ngồi yên lặng. Ông Thiết chợt nhớ đến buổi chiều hôm qua khi có Trang – em gái út của Thu ghé lại thăm; hai anh em đã xúm nhau dồn ông như dồn đàn vịt bằng những lời lẽ chê trách oan trái của mớ suy nghĩ tự mãn khôn khéo ngu ngốc – đã xem ông như một thứ rong bèo lêu bêu vô dụng - ông đã thét to lên : “ Chúng bay hãy im ngay!” – Thu đã trừng mắt, hếch mặt – nhìn ông: “ Ông định dánh tôi phải không? Nếu giỏi thì hãy đánh thử xem?”. Nhìn gương mặt đỏ gay của Thu – ông đã tỉnh lại – giọng ôn tồn: “ Các con cứ hỏi mẹ của các con đi rồi sẽ biết! Từ khi sinh các con ra, đến khi lớn – cha có khi nào đánh các con một roi nào không? Thuở sáu bảy tám mười tuổi không hề đánh các con – thì nay – sao lại có thể làm vậy?”.
Dường như biết chồng đang chìm vào sự nhớ tưởng đen tối chua xót – bà Tâm đứng dậy, khẻ cầm tay ông: “ Tôi đã dọn cơm xong rồi – ông vào ăn chứ kẽo nguội!”.- Bà mỉm cười – “ Mấy bà ngoài chợ coi vậy mà yên thân hơn những người học cao, hiểu rộng. Biết nhiều, khổ nhiều chứ có ích gì!”.
Ông Thiết bực mình:
- Bà nói vậy là thế nào? Sao cứ mang mấy bà ngoài chợ vào nhà hoải vậy?
- Tôi có đôi dịp chứng kiến, sau khi kể đủ thứ chuyện của nhà nầy, người kia – họ thường cùng nhau đúc kết một câu “kết thúc” buổi nói chuyện như bài học xử thế rất ngắn gọn…
- Chẳng hạn như câu nào?
- Tôi chỉ nghe được câu cuối cùng như thế này của một bà đã lớn tuổi, trông rất nho nhã: “ …Đời là vậy mà mấy bà – hễ cha mẹ giàu có, thì con cháu gần gũi, kính nể, vâng lời răm rắp; còn cha mẹ nghèo khó – con cháu xa lánh, khinh miệt, dù có van nài cũng không chịu nghe!”
Ông Thiết khẻ lắt đầu – chợt nhớ hai câu của bài tứ tuyệt người bạn lúc sáng ghé thăm đã đọc; “…Chẳng qua cái nợ mình còn/ Nợ cón – phải trả, chớ hờn trách chi!” (2). Ông mỉm cười…
Vịn tay vợ - đứng dậy. Ông thèm nói với bà một câu, nhưng nghĩ sao - vẫn giữ nó trong đầu như mọi hôm: “ Bà ơi! Khi mà tình thương yêu và đức hạnh bị xem thường. bị gạt bỏ ra khỏi đời sống - thì, cuộc đời này – tất cả đều lộn ngược! Rất diễm phúc cho tôi – trời thương, còn cho tôi con Thủy hiếu thảo - nghĩa tình… “

MANG VIÊN LONG

(1) & (2) thơ NKT

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

VŨNG LẦY Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG



V Ũ N G L Ầ Y

Truyện Ngắn
MANG VIÊN LONG



Hắn cao hơn một mét sáu một chút – không thể gọi là ốm, cũng không xem là mâp. Dáng người tầm thước, trung bình – như bao người khác mà chúng ta thường gặp. Chỉ có khuôn mặt – có đôi nét khác thường: Đôi mắt sâu, nhỏ. Không hề thấy mở lớn, hay nhỏ hơn – cứ một vẻ cố định như hai lổ hổng trên thân cây. Nó mở ra, cố định – cứng ngắt dù lúc vui hay buồn. Chiếc miệng – ít khi mở lớn, ngay cả lúc nói và nhất là lúc cười: luôn đóng kín lại sau mỗi lần mở ra. Bởi vậy – giọng hắn cũng một âm điệu, một chuẩn mực đều đều, nhàn nhạt, lửng lơ! –“ Hì hì…cái thằng cha ấy mà!” - “Hì hì…cái con mẹ ấy mà!”. Vừa nói, vừa nhìn đâu đâu – hắn không hề dám nhìn vào mặt người đối diện bao giờ.
Nhìn hắn, và nghe giọng hắn – ai cũng có cảm giác là hắn không quan tâm tới bất kỳ điều gì! Không thể gần gũi, thân thiết – với bất cứ ai. Nó trơn trụi như mặt một tản đá. Có lẽ, ngay cả khi đối diện với người mà hắn cho là đã yêu thương cũng thế chăng? (Hay với vợ và đứa con gái duy nhất của hắn bây giờ?). Hắn tỏ ra cách xa mọi người – như một kẻ từ trên cao nhìn xuống, cách biệt – coi thường. và không hề tỏ ra quan tâm tới ai cả! Vậy mà – không biết sao, hắn vẫn thường nói nhiều về những đứa con gái mê hắn, theo hắn một cách khó hiểu? Và, có một điều mâu thuẫn khó hiểu nữa, là hắn lại thường moi tìm mọi chỗ để chê trách người chung quanh cho dầu đó là những điều mà không ai thấy, không ai quan tâm. không là chuyện gì khác thường để quan tâm? Và, hắn thường tỏ ra hãnh diện – (được nhận thấy trên khuôn mặt trơn tru lạnh ngắt bổng căng ra) - vì đã làm điều khác mọi người!
Không ai biết hắn đã học hành tới đâu – có loại bằng cấp gì, nhưng chỉ biết rõ là hắn đang là anh công chức ở một cơ quan tài chính của tỉnh sắp nghỉ hưu. Vậy mà – hắn thường bàn về văn học thế giới (về tôn giáo, về các ý thức hệ… ) – thường bắt đầu bằng câu hỏi: “ Cậu đã đọc Enest Hemingway. Erich Mariaremarque, Leon Tólstoi. Stefan Zweig, Súsean Donovan, hay Kalei Florder, Jennifer Crusie (..) chưa?”. Và, như một người sành thạo – thỉnh thoảng, hắn chêm một câu tiếng Pháp vào giữa câu nói – không ăn nhập gì đến câu chuyện.
Lúc không thể chắp vá lại được các kiến thức vụn vặt không đâu vào đâu của các tác giả nước ngoài ấy – hắn bèn đọc dăm ba bài thơ của hắn để minh chứng cho cái tài năng văn học ít ai có thể đạt tới ở xứ này. Ví dụ 4 câu hắn thường hiu hiu goi là “tuyệt tác” trong loại thơ tứ tuyệt, sánh ngang hàng thơ Lý Bạch, Đỏ Phủ đời Đường:
“ Áo em trắng phủ mờ sương lạnh
Che lấp đời ta giữa tháng đông
Phố thị buồn tênh chiều tiễn biệt
Anh buồn da diết cõi hư không”
Tóm lại , trước hết - người nghe thơ của hắn có chung một cảm nhận là sự ngạc nhiên đến lạ lùng, vì tìm mãi trong ý thơ của hắn, không có chút dính dáng gì đến con người hắn cả! Lạ lùng đến nỗi – họ nghĩ, hắn có thể copy ý thơ, lời thơ của ai? Giữa thơ và người, là một sự mâu thuẫn ghê sợ. Dạo này, thơ không biết ở đâu mà lại bay đi tràn lan – có kẻ tự hào, một ngày làm đến năm bảy bài thơ các loại. từ thơ tình đến thơ thế sự, xã hội, tôn giáo…Người ta thấy hắn làm thơ đề tặng cô này cô nọ - chịu khó nghe đọc, để tìm sự thích thú trong cái ngạc nhiên lạ lẫm lúc ngồi ở quán café, quán nhậu - chứ không phải là cảm nhận của thi ca. Thi ca không có mặt, không tồn tại trong sự ngụy tạo dối lừa mình, phỉnh gạt người!
Hết đọc thơ, hắn than: “Trong máy điện thoại của mình tái khoản có luôn trên máy mấy trăm ngàn mà có bao giờ dùng đâu?”. Giọng hắn nhỏ, đều đều – rè rè – tưởng như nói với chính hăn: “Ở trong cái thành phố này, mình cô độc lắm! Cô độc và buồn bã ngay trong cái nhà của mình nữa trong bao nhiêu năm trời!”. Rồi hắn nhắc tên người này người nọ (trong và ngòai nước) đã gởi cho hắn tiền để trả khoản nợ vỡ hụi của vợ hắn lên đến mấy trăm triệu không biết bao nhiêu lần. Hắn tỏ ra thất vọng kể về mấy nhân vật mà hắn cho là “khó ưa” trong cùng cơ quan dã không thể “chơi” được; không hề nhận ra “tài năng đa dạng” của hắn trong mấy chục năm trời, mà cũng chẳng hề bỏ ra xu nào trong lúc gia đình hắn khốn đốn vì nợ kêu réo! Ngồi nghe hắn, ai cũng thấy rất rõ có một điều dễ nhận ra mà hắn không hề nhìn thấy - là suốt bao năm, có thấy hắn tỏ ra “ưa” thật lòng ai đâu – mà ai đem lòng ưa hắn? Chẳng lẽ trong bao nhiêu con người chung quanh đời hắn ( ngay những người thân, vợ và con) – không có được một vài người để hắn tin tưởng, yêu thương? Người ta cũng thắc mắc: “ Vậy mà hắn cũng cưới được vợ mới là điều lạ!”.
Bất cứ gặp người quen ở đâu (quán café, trong đám giỗ, tiệc cưới, hay bên hè đường) – với giọng sắc nhỏ, nhát gừng. lạnh băng – chui ra từ chiếc miệng khin khít hai hàm răng – hắn quở trách người này, kẻ kia ( vì chuyện này chuyện nọ) mà người nghe biết rất rõ là hắn chỉ biết lỏm bõm trong các vấn đề này!




Không hiểu vì lý do nào, bổng nhiên hắn bỏ cơ quan – đi đâu mất biệt gần tháng trời sau khi đến tòa ký vào giấy xin ly hôn của vợ. Nhiều tin đồn đãi về hắn trong lức căn nhà được tòa đem ra bán đấu giá để trả nợ cho chủ. Nhiều người nghĩ rằng, ngôi nhà trong con hẻm nhỏ - không phải là cái lý do chính để hắn bỏ đi, nhưng không ai hiểu gì thêm. Người ta chỉ thấy vợ hắn cùng đứa con gái đang học lớp 12 phải ra thuê một căn phòng của ngôi nhà cấp bốn nhiều phòng, được dựng lên trên khu đất khá rộng vốn là vườn cây ngoại ô, để cho học sinh, sinh viên, hay cán bộ nghèo thuê tạm.
Còn hắn, sau khi về lại cơ quan xin được cho về nghỉ hưu vì lý do sức khỏe trước thời hạn - vội vã mang túi xách ra đi. Như chạy trốn. Đứng bên đường đón xe khách Bắc –nam, hắn cứ chốc chốc thò tay vào túi áo. lấy chiếc máy điện thoại di động - bấm máy, thoáng nhìn vào máy rồi cất vào túi. Không rõ hắn muốn xem giờ, coi tin nhắn, hay muốn gọi cho ai? Mấy trăm ngàn trong tài khoản có của máy chắc vẫn còn nguyên như cũ?
Sau nhiều tháng ngày lêu bêu, lang bạt đó đây – hắn không còn tiền để thuê được một căn phòng trọ rẻ mạt nhất ở khu bến xe, hay xóm chợ ngoại ô. Một buổi chiều, người ta thấy hắn đi mãi miết ra vùng quê xa thành phố đến hơn mười cây số. Phía trước hắn là con đường dẫn lên con xóm lác đác vài ngôi nhà tranh, nhà lá – phía xa là chân đồi, ngọn núi mờ nhạt như bức tranh nhòe.
Hắn cứ đi. Không hề thấy quay đầu nhìn lại…
Cuối cùng, khi mặt trời đã nằm gần kề dãy núi phía tây bên trái con đường mòn – hắn cũng nhìn thấy được mái ngói rêu phong của ngôi chùa mà bà chủ phỏng trọ đã nói với hắn lúc sáng. Ngôi chùa có tên “ Linh Phong Tự”.
Hắn khẻ đẩy cánh cửa cổng chưa được cài then – lách mình vào, toàn thân như chiếc bong bóng bị xẹp. Hắn bước nhè nhẹ từng bước vào khoảng sân đất đầy lá khô. Tiếng khua – dù rất khẻ, cũng đôi lần khiến hắn hoảng hốt, dừng lại.
Từ chiếc cửa chánh điện khép hờ, hắn nhìn thấy vị sư già ngồi bất động, như một pho tượng. Hắn tựa cửa, đứng nhìn – chờ đọi. Mỏi mệt, hắn ngồi dựa vào vách tường phía trước. Chờ đợi.
Không rõ mấy giờ đã trôi qua mà hắn không hề nghe thấy một tiếng đọc kinh nhỏ - hay một âm thanh nào – ngoài tiễng muối vo vo mỗi lúc một nhiều.
Hắn ngồi yên như vậy.
Và ngủ...
Tiếng vị sư vang lên như tiếng sấm làm hắn giật mình, đứng bật dây như con robot được bấm nút. Hai tay chắp trước ngực – trân tráo nhìn vị sư qua ánh đèn nến leo lét ông đang cầm trên tay. Có lẽ, trong cuộc đời của hắn – đây là lần đầu tiên đôi mắt sâu. nhỏ của hắn đã mở lớn đến vậy?
- Ta biết con sẽ đến đây từ khi con bắt đầu rời thành phố…
- Dạ…
- Ta đã tự ra mở cánh cửa chùa, bỏ hờ đó – sau khi chú Thiện Trí đã khóa.
- Dạ..
- Những điều con muốn tìm không có ở đây đâu!
- Dạ…
Khi vị sư gìà chớm bước đi – hắn òa lên khóc : “ Thầy ơi! Vậy con phải tìm ở đâu?”
- Trong con chưa hề có chút gì con muốn tìm cả, thầy cũng không giúp gì con được – Vị sư quay lưng, lặng lẽ bước đi.
- Thầy ơi!
- Gì vậy?
- Thầy ơi! Con khổ lắm!
- Thầy biết! – giọng vị sư già ôn tồn, kẻ nào đã làm cho đời con khổ như sa vào vũng lầy vậy?
Hắn im lặng.
Đứng yên như một thân cây.
Nước mắt hắn cứ chảy tràn qua mặt – nhỏ xuống giọt giọt, mỗi lúc một nhanh.
Vị sư bước đi vài bước – chợt quay lại: “ Con có lúc nào được khóc như vậy chưa?”
- Thưa, chưa…
- Vậy hãy đứng yên mà khóc đi, nhé? Những giọt nước mắt sẽ chỉ cho con thấy điều con muốn tìm đó, con ạ!!
- Dạ..
Tiễng vị sư già vang lên như tiếng chuông:
- Rồi con sẽ tự vượt ra khỏi vũng lầy, và thấy điều con muốn tìm là không xa…





MANG VIÊN LONG