Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

GÃ NHÀ QUÊ ĐI SAIGON Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG



GÃ NHÀ QUÊ ĐI SAIGON




Truyện Ngắn
Mang Viên Long





Đã gần năm năm rồi Thân chưa có dịp vào Saigon sau ngày dự đám cưới em gái nhà thơ Chơn Ngữ ở nhà hàng Sinh Đôi. Lần này – Thân lại vào Saigon không chỉ vì một lý do, mà có nhiều lí do : Thăm Kiều-em vừa tốt nghiệp đại học đang xoay xở kiếm việc làm, cụng ly với những người bạn học cũ ở Cường Đễ, thăm vài nhà thơ quen thân cũ, và hai nhà văn mới quen trong vài năm gần đây.
Có một lí do “ khó nói “ – nhưng cũng rất quan trọng với gã là, sẽ tìm đến đường Tô Hiến Thành để thăm lại cô bạn gái đeo ba lô ngồi cạnh cùng bàn tiệc năm nào ở Sinh Đôi mà nhà thơ Chơn Ngữ cho biết đã chia tay với nàng từ khuya rồi…
Mặc dầu vài người bạn học cũ đang làm ăn khấm khá và có chức quyền vẫn thường phone về luôn nhắc câu : “ Cậu cứ đu xe đò vào tới Saigon, tụi mình sẽ lo cho cậu từ A đến Z mà ! “ – nhưng gã đã chuẩn bị cho chuyến ra di hơn một tháng nay. Bạn bè đâu có chỗ, có giới hạn – không lẽ cứ đu xe đò là đi ngay được? Đu xe đò cũng phải có tiền. Đụng thứ gì cũng phải có tiền. Thân nghĩ - tự cười với mình: “ Bước ra đường mà không có tiền trong túi thì đi đứng làm sao cho vững được đây- nhất là ở cái xứ phồn hoa đô hội xa lạ, hễ mở miệng ra là phải có tiền đi kèm ? “.
Đầu tiên, Kiều – chị mua về cho Thân chiếc điện thoại di động Nokia giá bốn trăm tám chục ngàn, chỉ dùng để “ a lô ‘ và nhắn tin cho đỡ tốn tiền thôi. Phải mất gần ba mươi phút hướng dẫn cho Thân biết sử dụng gọi và nhắn tin, rôi lưu một số máy gã cần liên lạc ở Saigon vào máy – Kiều - chị dặn : “ Anh phải bỏ nó vào túi áo cẩn thận, nếu rơi mất – thì coi như anh về không, chẳng gặp được “ cô “ nào đâu nhé? “.
Gần ngày đi hai hôm, Thân bảo Kiều – chị mua về 5 ki lô nếp loại một, 2 kí lô thịt ba chỉ, 2 ki lô đậu xanh cà vỏ để nấu nồi bánh chưng làm quà cho Kiều - em và bạn. Buổi sáng ngâm đậu. Gút nếp. Ướp thịt. Xắc hành. Rọc lá chuối. Chẻ lạt. Suốt buổi chiều tẩn mẩn ngồi gói hơn 20 cái bánh chưng to đùng xếp đầy thùng tôn. Suốt đêm, Thân thức canh thùng bánh cho thật nhuyễn đến 6 giờ sáng hôm sau…
Kiều – chị dắt xe ra sân chuẩn bị lên trường dự lễ tổng kết cuối năm, thấy Thân đang lui cui vớt bánh phơi ra nong cho nguội – vừa cảm thấy thương anh – vừa lạ lùng, thích thú: “ Anh chuẩn bị đi thăm cô nào mà chu đáo quá vậy? “.
Ngước lên nhìn Kiều – chi, gã không trả lời, nói : “ Em ghé bà Bảy chợ Huyện lấy giùm anh 50 chiếc bánh ít lá gai nhé? “.
- Trưa nay lấy làm sao kịp?
- Anh đã “ đặt hàng “ từ hôm qua rồi!-
Kiều – chị không hỏi thêm, cười cười, dắt xe ra ngỏ. Thân nói vói theo : “ Nhớ nói loại đặc biệt của anh Thân đặt nhé? “
- Lại có loại “ đặc biệt “ nữa sao?
- Bà ấy chỉ làm bánh 2 ngàn, anh đặt loại 3 ngàn – trông cái bánh to to một chút, chứ “ bánh ít “ mà chút xíu vậy – ai ăn, ai nhịn?
- Anh mang bánh vào Saigon cho cô nào mà đặt nhiều vậy, khai thiệt đi ?- Kiều – chị quay lại nhìn gã, cười nụ.
- Anh có ma nào ở chốn đô hội ấy đâu mà hỏi, mầy?- gã chợt cười – bộ em tưởng con gái Saigon “ mê ‘ ăn bánh ít lá gai hơn humburger, socolat hay sao?
Thân mỉm cười với mình khi nghĩ nhớ đến câu ca của người con gái không biết ở miền nào đã nói với chàng trai Bình Định từ thuở xa xưa rồi : “ Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định sợ dài đường di ! “



Cơm trưa xong Kiều – chị giúp Thân đóng gói thùng bánh chưng, bánh ít – xếp vào một góc nhà. Nhìn hai thùng “ quà nhà quê “ của anh, Kiều – chị không nhịn được cười: “ Thiên hạ chỉ cần có vài gói quà nhỏ đủ bỏ trong túi xách mà cũng giá trị gấp ngàn lần 2 thùng “ đặc sản “ to đùng của anh…”
- Đúng là đàn bà con gái các người ưa nghĩ lung tung quá! – Thân cười thoải mái, đâu phải đắc tiền là quý cả đâu , em?
- Nhưng anh mà “ ôm “ hai thùng này lên xe buýt, ai mà cho anh lên?
- Không cho, thì anh đi xe thồ xuống ga – dễ ợt mà?
- “ Dễ ợt mà “ – Kiều- chị lập lại, nhưng anh phải chuẩn bị cho nhiều “ bác xanh, bác đỏ “ vào nhé?
Gã im lặng.
Kiều – chị lườm anh - chọc tiếp: “ Ai mà không biết chuyện gì cũng “ dễ ợt” nếu túi đầy tiền? – Kiều – chị lại liếc nhìn anh – cười : “ Mà anh có trong bóp bao nhiêu tờ xanh vậy? “
- Bốn tờ! Gã đáp gọn.
- Trời đât! Kiều – chị cười ngặt nghẽo – vào chốn phồn hoa sang trọng vậy mà trong túi chỉ có bao nhiêu sao?
- Chứ em bảo có bao nhiêu tờ mới đủ?
- Ít nhất là 10 tờ, ông anh yêu quý ạ!
- Ăn thứ gì chỉ trong một tuần mà đến 5 triệu bạc , mầy?- Gã có vẻ bực mình.
Kiều – chị thấp giọng, nói như giải thích : “ Anh cứ thử tính xem – mọi thứ từ A tới Z đều …tăng gấp 3 lần nếu ở thị trấn, gấp 4 lần nếu ở thôn quê, thì cũng tự nghĩ ra rồi? “
Thấy anh có vẻ đăm chiêu, bán tín bán nghi – Kiều – chị tiếp:
- Mấy đại gia hay quan chức vào quán một lần thôi – cả bóp anh góp lại cũng không trả nổi mà?
- Mày nói chi chuyện ấy? Họ ăn nhậu có chỗ chịu, chớ anh ăn nhậu có chỗ nào chịu đâu? – Thân nhếch cười, phải gồng mình mà chịu, em à!
Thân yên lặng, nhớ lời cậu thanh niên con của vị quan chức đại gia trên phố hôm nào ở quán café Trúc khoe với đám bạn choai choai cùng bàn, cậu ta đã mang theo hơn 10 triệu, mà sau hai tuần không còn tiền mua vé xe đò về nhà – nghĩ mình phải khác bọn ấy. Không thể “ đốt tiền “ vào những cuộc triền miên ăn chơi như bọn COCC được. Tiền vào dễ, cũng sẽ ra dễ. Đồng tiền phi nghĩa, ăn uống sao ngon? Sao bền? Gã nghĩ, đồng tiền của gã kiếm được tính bằng mồ hôi, và đôi khi cả nước mắt nữa thì không thể phung phí vào mấy chuyện tào lao . Đâu phải “ ném tiền qua cửa sổ “ là hào hoa, lịch lãm ? “ .
Sau phút im lặng – gã nhìn cô em gái lòng có vẻ thán phục – nói : “ Em lấy cho anh mượn thêm 2 tờ nữa đi! “.
- Anh yên tâm – Kiều – chị cười hiền, em đã lo trước hết rồi. Kiều – em mới ra trường, đang tìm việc, xe máy chưa mua nổi, em sẽ gởi cho nó, nhờ anh mang vào luôn….
Nhìn Thân đang có vẻ lo lắng, Kiều – chị đến kéo vai anh – giục ; “ Gần đến giờ ra ga rôi kìa – nàng cười, anh phải mang thêm, nếu thừa thì mang về - lỡ thiếu hụt dọc đường thì biết mượn ai trong cái đất Saigon hoa lệ mà lắm nhiêu khê ấy nhỉ? “.
Kiều – chị vội dắt xe ra sân, cùng Thân khiêng thùng bánh chưng đặt lên phía trước yên, chồng thùng bánh ít lên – gã ngồi phía sau ôm chiêc xách tay áo quần, hai túi nylong nhỏ chứa lỉnh kỉnh đủ thứ “ đặc sản “, kể cả hủ mắm ruột đã dược gã dang nắng đủ ngày.
Chuyến tàu SE3 từ Diêu Trì đi Saigon được thông báo sẽ trễ một giờ so với giờ quy định. Thân không lạ gì chuyện tàu bè xe cộ bị trễ hẹn – nó đã trở nên bình thường, quá bình thường ở nơi này! Chuyện kì dị mà xảy ra thường ngày, thì cũng được “ coi như “…bình thường thôi! Chẳng có ai chịu để mắt đến nữa đâu?. Thân nghĩ tiếp, cứ cái đà dửng dưng và vô cảm vậy – thì xã hội của ngày mai sẽ thế nào? Gã thường lẩn thẩn tự hỏi mỗi khi “ đụng “ phải những điều “ bình thường” như vậy mà chẳng tìm được câu trả lời !?
Nghe tiếng loa vừa thông báo, Kiều – chị quành xe ra đường, ghé trước một quán ăn. “ Em dừng ở đây làm gì vậy ? ‘ – Thân cằn nhằn.
- Anh vào ăn tô cháo gà đi – Giọng Kiều – chị ân cần, bây giờ đã 5 giờ, trễ một giờ nữa – lát nữa tàu chạy sẽ đói mà!
Thân buộc phải xuống xe, nhưng mở túi nylong lấy ra chiếc bánh chưng to - giơ lên : “ Anh đã cuẩn bị rồi đây nè! “ Gã cười : “ Chiếc bánh này ăn hai người cũng không hết mà! “. Tô cháo gà đặc biệt bốc khói đã dặt trước mặt – gã cười, chìu em- vừa ăn, vừa càm ràm : “ Anh nghi mấy con gà trong nồi cháo của bà này quá, Kiều ạ! “. Kiều – chị có vẻ ưng bụng ngồi nhìn anh ăn - góp chuyện ; “ Vụ cúm gà đã qua rồi mà, anh? “ – “ Ai biết nó trở lại lúc nào ? “ – “ Thì nghe báo đài thông báo chứ? “ – “Trời ơi! báo đài mà thông báo thì…nó đã chui vào bụng khối người rôi, em ơi! “.
Kiều – chị lại chạy xe thẳng vào sân căngtin trong khuôn viên ga – dựng xe, xuống đồ. Quay lại nói : “ Anh em mình uống ly café tạm biệt nhé? “. Thân liếc nhìn Kiêu – chị, cười : “ Ý nghĩ hay đó! Anh cũng đang thèm ly café ở sân ga này lắm! Đã mấy năm rồi… “.



Kiều – em đã phone cho Thân từ lúc tàu đang còn ở ga Biên Hòa – báo tin đang đợi tàu vào ga Hòa Hưng. Thân yên tâm, không cần bấm máy gọi cho em nữa. Con gái vẫn thường chu đáo hơn bọn con trai nhiều. Con trai - cà đuỗng tối ngày, nói hết hơi cũng chỉ “ dạ “ mà không chịu làm! Gã vẫn thường nghĩ, cho dù cha mẹ không còn, không có người nào thủy chung, nhưng có hai cô em bên cạnh đời mình luôn chia sẻ, chăm sóc – cũng đã hạnh phúc lắm rồi! Đàn bà con gái thì nhiều, nhưng tìm cho ra “ một nửa của mình “ quả thật không đơn giản chút nào? Có biết bao cuộc tình bị “ so le “ mà khổ đau cả đời rồi?

Với chiếc xe DD màu đỏ cà tàng mua lại của bà chủ nhà kèm trẻ - Kiều - em lại thồ Thân về nhà trọ ở mãi ngã tư Phú Nhuận. Căn phòng nhỏ, hai sinh viên cùng trọ, giá một triệu mỗi tháng. Kiêu – em đã cùng thuê ở chung với cô bạn người Vĩnh Long từ năm học thứ hai. Thân nhìn ngắm căn phòng, thấy không còn chỗ nào dành cho mình - cảm thấy áy náy. Kiều – em cười ; “ Anh khỏi lo đi! Cô bạn em về quê hai tuần nữa mới lên mà! “. “ Vậy thì tốt! Anh chỉ ở lại một tuần thôi mà! Ở Saigon mà có được một nơi đặt lưng như vầy – là quá sướng rôi còn gì? “ – Thân ngồi ngã người lên chiếc ghế dựa – nhìn em…Tự nhiên gã cảm thấy em của mình đang đổi khác, cao lớn hơn, lanh lẹ hơn, và cũng xinh xắn hơn lúc còn ở quê ngày nào cùng gã làm vườn, gánh lúa. Nếu được chưng diện thêm, Kiều – em không thua mấy cô người mẫu mà gã đã được xem trên truyền hình…
Sau bữa cơm trưa đạm bạc Kiều – em đã làm sẵn – Thân nghĩ ngay đến dự định trong bảy ngày còn ở lại Saigon: Gã sẽ dành 3 ngày đầu cho bạn học cũ đồng hương Cương Đễ, 3 ngày tiếp cho bạn văn quen thân , và 1 ngày cuối để tìm đến đường Tô Hiến Thành - phường 13, quận 10 - thăm người con gái đeo ba lô năm nào… Thân nghĩ, với Saigon – bảy ngày là cũng đã tạm đủ rồi! Làm sao gã có thể chen chân vào Saigon lâu hơn thế? Saigon ào ào chạy qua trước mặt gã như cơn lũ, nếu không cẩn thận – gã cũng có thể bị cuốn trôi đi mất tiêu!
Sáng hôm sau, Thân nhờ Kiều – em chở đến quán café Đơn Dương đường Út Trâm – quận một, theo lời Ngô gọi đến. Đến nơi thì đã thấy Ngô, Lê, Phan đang nồi chờ ở chiếc bàn đặt bên ngoài hè đường của quán. Lâu ngày gặp lại nhau – mừng ơi là mừng. Cứ tường tháng năm trôi qua sẽ cuốn đi tất cả, nhưng không ngờ, tình bạn vẫn mãi còn. Lê vừa bắt tay Thân – vừa giải thích : “ Ngồi ở ngoài này, nhìn thiên hạ đi phố cho vui mắt, lại chỉ có phân nửa tiền , anh à! “. Thân cảm thấy thật hạnh phúc với ly café đầu tiên ở Saigon bên bạn bè cũ mà suốt mấy năm đã lặng lẽ ao ước, mong chờ.
Lại một cuộc hội ngộ đông đủ hơn ở quán cafe Hương Xuân cùng Ngô, Phan, Lê với Nam, Thiên, Trần, Mai, Kim, Hoàng…vào buổi sáng hôm sau. Cuộc vui kéo dài đến hơn 10 giờ - cứ mối khắt đi qua là có thêm người mới đến. Lê và Phan đề nghị : “ Bây giờ chúng ta dời địa điểm đên 1b Thích Quảng Đức nhé? “
- Để làm gì vậy? – Thân ngạc nhiên hỏi.
- Nhâm nhi rồi, bây giờ đến mục…cụng ly chứ còn gì nữa, anh?
- Không sỉn, không về nhé? - Nam nhìn Thân cười cười.
- Tôi cũng sẽ gắng… tới bến với anh em mà! Thân cười thoải mái – nhưng có lẽ, không nên để…nằm tại chỗ!
Ba ngày đều có 3 lần gặp – có ngày, xong café là đồi địa chỉ, ngồi đến 2, 3 giờ chiều. Thân phục mấy người bạn đã ngồi triền miên ròng rã hơn 6 giờ mà chẳng cảm thấy mệt mỏi vì rượu. vì chuyện vãn tâm tình. Không khí quán xá nhộn nhịp, tấp nập suốt ngày đêm ở đây quả thật đang làm gã cảm thấy chóng mặt. Nhưng mỗi lần được mời cụng ly - Thân nhận thấy mình đang nhận thêm tình cảm bằng hữu đồng môn, đồng hương thật đặc biệt, nó đã làm ấm lại tấm lòng lạnh lẽo bao năm lặng lẽ an phận của anh nơi một góc quê nhà - nên dã sôi nổi cụng hoài mà chưa tới bến! Đúng là đàn ông không biết uống rượu như cờ không có gió. Cờ không có gió thì nằm mẹp, ủ rũ – đâu còn ra cờ xí gì nữa? Những ly rượu Saigon đã cho Thân nhiều niềm vui và an ủi.
Lại ba ngày tiếp theo với bạn văn – hết hẹn nhau ở quán Nghệ Sĩ , đến Bông Giấy – rồi ngày cuối là ở café Bross đường Nguyễn Văn Thủ, quận một, nhân phát hành tuyển tập truyện ngắn của nhóm thân hữu và tập nhạc họa của nhạc sĩ – bác sĩ Trương Thìn có cái tựa rất lãng mạng là “ Dạ Khúc Trăng Thơm “( phổ thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê )- Thân được gặp những người bạn văn cũ – có người đã hơn 40 năm, vài chục năm mới gặp lại. Gặp nhau – đã hơn 40 năm, mà gã vẫn cảm thấy tình thân vẫn vậy, vẫn đằm thắm, gần gũi và son sắc như xưa. Cái nghĩa tình văn thơ rất lạ - dường như đã được đồng cảm sâu kín từ bao giờ qua những trang viết của nhau, nên gặp nhau là rất thân thiết và hồn nhiên. Gã cảm thấy thoải mái, và hạnh phúc với bao tấm tình được chia sẻ trong ngần ấy năm xa cách, và những cái bắt tay ấm áp gắn bó lúc giã từ.
Ngày cuối cùng đã đến với Thân: Gã lấy trong xách ra bộ đồ mới, nói với Kiều – em : “ Này, chịu khó ủi cho anh bộ đồ này đi ! “.
- Chiều nay anh định đến thăm ngài thị trường trước khi về quê hay sao? – Kiều- em liếc nhìn anh, có vẻ ngạc nhiên - cười.
- Còn hơn…thị trưởng nữa mà!
Diện bộ đồ mới cứng vào, xỏ đôi giày da đánh sỉra láng bóng ( mấy hôm rồi gã chỉ đi giày sandal thôi ) – gã vui vẻ chào em, và vội vã bước ra cửa. “ Anh không nhờ em làm xe thồ nữa sao? “ – “ Khỏi cần, anh gọi taixi mà! “.
Xe dừng đúng ngay con hẻm nằm trên đường Tô Hiến Thành, phường 13 – quận 10 như lời dặn của Thân. Gã bước chậm rải, dò từng con số - và gỏ cửa : “ Có ai ờ nhà không? “.
Người mở cửa là một cậu con trai – áng chừng 25 tuổi, cao lớn – ăn mặc rất model : “ Chú cần hỏi ai ? “.
- Có phải nhà của cô…Kim không, cháu?
- Thưa phải, mời chú vào…
Vừa bước vào nhà, Thân đã gặp ngay Kim đang từ nhà sau đi lên trong bộ váy mầu sẫm. Một thoáng lạ lẫm, suy nghĩ – chợt Kim reo lên : “ A, anh Thân! Anh mới vào Saigon phải không “.
Cùng ngồi với Kim vào bộ salon mousse to tướng đặt giữa phòng - Gã cười:
- Anh có chút chuyện phải vào Saigon… đã mấy hôm rồi!
- Bao giờ anh về lại quê?
- Chiều tối mai! – Gã ngập ngừng , 8 giờ tối tàu khởi hành.
- Sao lúc nào anh cũng vội vã cả vậy không biết?
- Cuộc đời anh vậy mà, vội vàng rồi cũng không đi tới đâu!
- Bây giờ anh có rảnh rổi không?
- Dĩ nhiên là cả buổi chiều dành cho Kim mà!
- Cám ơn anh! Em muốn mời anh café – được chứ, anh?
- Anh không “ dại “ gì mà từ chối như năm nào rồi!
- Anh nói chuyện nghe vui lắm!
- Không! Anh chỉ nói thật…Lỡ dại một lần thôi chứ? – Gã cười hồn nhiên.
Ra đến đầu hẻm, Thân gọi chiếc taxi cũng vừa trờ tới. Hai người lên xe. Kim chọn quán café gần nhà ở đường Sư Vạn Hạnh – cạnh bệnh viện quận 10 - đi bộ vào hẻm khoảng một trăm mét. Quán có tên rất ngộ : “ cafe Lãng “!
Kim bước lên bậc cấp để vào khu nhà sàn trang trí nhiểu cây cảnh và hoa. Quán chiều mưa, nên vắng. Khung cảnh yên tĩnh, đẹp. Bên ngoài, mưa lất phất - ẩm ướt và se lạnh. Người phục vụ là một cậu con trai – lịch thiệp, và vui tính. Kim gọi 2 ly café. Thân gọi thêm gói Craven “ A “ . Gã rót trà ra tách, mời Kim : “ Em uống chút nước trà cho ấm đã ! “. Kim đỡ tách trà từ tay Thân : “ Mời anh! “ – ngắm nhìn gã giây lâu, nàng tiếp : “ Anh thấy không có gì khác! “ – “ Anh khác nhiều lắm mà em chưa thấy đó thôi! “.
Cậu con trai nhẹ nhàng đặt hai tách café lên mặt bàn kính – “ Mời cô chú! “. – Thân nhìn cậu ta với đôi mắt thích thú : “ Cám ơn cháu! “ – Quay lại nói với Kim ; “ Lạ nhỉ? Sao mấy quán kia người ta đều dùng toàn tiếp viên nữ ăn mặc hấp dẫn là vậy – mà Lãng lại chỉ dùng các cậu thôi? “.
- Saigon vẫn còn nhiều cái dễ thương như vậy, mà anh?
Chiều Saigon như thấp xuống vì mây và những cơn mưa ngắn ngủi bất chợt. Dường như không ai để ý gì dến mưa bởi chung quanh họ có biết bao thứ gần gũi quyến rủ cần để mắt vào. Nên mưa cứ mặc nhiên mưa. Rồi dứt. Chẳng ảnh hưởng gì đến ai cả. Xe vẫn chạy. Người vẫn đông. Thân nói ý nghĩ này cho Kim: “ Có khi náo em nhìn mưa không nhỉ? “
- Đôi khi! Đó là những lúc em ngồi một mình…
- Còn lúc này?
- Anh đến cũng hơi sớm, nhưng cũng rất trễ…
- Em nói gì, anh chưa hiểu?
- Đơn giản thôi mà anh?
- Nhiều cái nghĩ là đơn giản, nhưng thật chẳng đơn giản tý nào- Gã do dự - như Tình Yêu chẳng hạn…
- Anh nói đúng! – Kim khẻ dặt tách café xuống, liếc nhìn xa ra khoảng vườn phía trước – trời đang mưa…
- Em cho anh biết ý nghĩa của “ hơi sớm, mà rất trễ “ là gì đi?
- Ngày kia em sẽ lên máy bay để đi định cư ở nước ngoài rồi! – Kim thở dài, may mà còn gặp lại anh...
- Còn chuyện “ rất trễ “ là sao? – Gã nhìn đắm đuối lên đôi mắt được phản chiếu ánh đèn mầu long lanh, sâu thẳm của Kim.
- Nếu anh gặp lại em trước đây một năm – thì mọi chuyện có thể khác – Kim dừng tia nhìn lên khuôn mặt đăm chiêu của Thân – Em không có niềm tim yêu nào ở đây, nên phải về với mẹ và em ở bên ấy…
Thân không nghĩ rằng nếu gặp Kim trước đây một năm thì mọi chuyện sẽ khác, nhưng tin rằng Kim đã có phút nói thật. Gã chợt cầm lấy bàn tay Kim, nhìn – giây lâu – thì thầm : “ Em cho anh hôn lên bàn tay này trước lúc em xa nhé? “


Saigon tháng 6 năm 2011
MANG VIÊN LONG

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

NHẠC SĨ TRƯƠNG THÌN & " DẠ KHÚC TRĂNG THƠM " Tạp Bút MANG VIÊN LONG



NHẠC SĨ TRƯƠNG THÌN
&

“ DẠ KHÚC TRĂNG THƠM “…




Tạp Bút
Mang Viên Long



Sáng ngày 23 tháng 6/2011 vừa qua, tôi được quý bạn văn “ rủ rê “ đến café Bros đường Nguyễn Văn Thủ- quận 1, để tham dự buổi giới thiệu & phát hành tuyển tập truyện ngắn của 12 thân hữu trong và ngoài nước. Và, 18 ca khúc của Bác sĩ - Nhạc sĩ Trương Thìn, phổ thơ của hai nhà thơ mệnh bạc & tài danh là Hàn Mặc Tử & Bích Khê ( mỗi tác giả 9 ca khúc).
Đúng như lời nhà thơ VTQ đã “ rỉ tai “ với tôi trước đó ở quán Nghệ Sĩ, đến Bros – tôi đã được gặp lại một số anh em mà đã rất lâu – từ 40 năm đến vài chục năm, chưa có dịp gặp lại: Anh Dương Nghiễm Mậu, Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều, Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Khuất Đảu, Nguyên Minh, Trần Hữu Dũng, Trần Duy Phiên (…)/ và những anh em mới được quen trên VCV như Đinh Kim Phúc. Hiếu Tân, Quyên Di (…) cùng số đông anh chị em văn nghệ sĩ thành phố….
Tại đây – tôi đã gặp Bác sĩ – Nhạc sĩ Trương Thìn - người đã được đặt cho cái biệt danh “ người tìm thuốc trong nghệ thuật “. Trước khi được “ đủ duyên “ gặp anh ( và nghe anh hát ), tôi đã từng đọc thơ anh ( Y đạo ca Lãn Ông, Mấy Cõi Rong Vui, Rong Khúc Bùi Giáng, Thong Dong Ca…) , đã nghe nhạc của anh , và đôi lần được xem tranh của anh trong vài cuộc triển lãm chung ghi lại qua các trang Website…
Lần đầu gặp anh – tôi cảm mến ngay cái phong cách giản dị, hồn nhiên mà rất nghệ sĩ ở người thầy thuốc tài hoa này: Áo blu trắng rộng , ngắn tay – với cặp kính gọng đồi mồi trên khuôn mặt bình thản ( cho dù, tôi đã được biết – anh đang mang trong người một căn bệnh hiểm nghèo) – đã đi lại, giao lưu chuyện trò cùng bằng hữu môt cách nồng nhiệt và thong dong.
Tôi nhận tập “ Dạ Khúc Trăng Thơm “ ( thơ Hàn mặc Tử & Bích Khê ) nhạc họa Trương Thìn do anh gởi tặng, như một món quà kỷ niệm khó quên nhân dịp gặp nhau tại Saigon.
Tập Thơ Nhạc Họa gồm có 2 phần: Phần một – Dạ Khúc Chơi Giữa Mùa Trăng gồm 9 bài thơ của HMT được phổ nhạc là : Bẽn Lẽn, Đà lạt Trăng Mờ, Đây Thôn Vỹ Dạ, Ước Ao, Một Miệng Trăng, Say Trăng, Ngủ Với Trăng, Chơi Trên Trăng, Huyền Ảo. Phần hai : gồm 9 bài thơ của BK được phổ nhạc như: Mộng Cầm Ca, Hoàng Hoa, Tỳ Bà, Cuối Thu, Sầu Lãng Tử, Mơ Tiên, Nàng Bước Tới, Hiện Hình, Huế Đa Tình.
Phần họa, có tất cả 22 bức tranh vẻ phác càm nhận từ những bài thơ của hai tác giả …Đặc biệt, trước khi lắng hồn vào âm điệu của mỗi ca khúc – Trương Thìn đã có “ lời dẫn của từng bản nhạc cũng từ ý thơ của Hàn Mặc Tử” - với độ nhạy cảm cao, và sâu.
Cách “ thưởng thức thơ “ của bác sí - nghệ sĩ Trương Thìn có vẻ khác hơn nhiều người – tôi cũng nhận ra, đây cũng là “ cách riêng “để đi vào từng lời thơ của người xưa mà anh đã yêu thích : Anh đọc để cảm, viết lời dẫn để chia sẻ, vẽ để thấm sâu, và dùng âm thanh để chuyễn tải niềm đồng cảm mênh mang đến cho mọi người…Anh đã tâm sự : “ (..) cách thưởng thức sâu nhất, nhiều rung cảm nhất có lẽ là tự mình phổ nhạc những bài thơ của Bích Khê – Hàn Mặc Tử. Tôi thưởng thức từng bài thơ nhiều lần và tự nhiên thanh âm hiện ra thành những ca khúc…”. Anh đã có đủ tài năng để đi vào thơ HMT & BK bằng hai ngã đường nghệ thuật : Nhạc & Họa!
Khi nhìn - nghe anh & ca sĩ Giáng Hằng cùng trình bày “ Bẽn Lẽn “ , “ Đa lạt Mờ Sương “ – tôi mới cảm nhận hết được từng nốt thăng trầm sâu kín đã ẩn chứa trong con người đa cảm, rộng mở và dạt dào yêu thương nơi anh. Một mình, trong căn phòng ấm áp tràn ngập tình bằng hữu một sớm mai Saigon vào Đông – Anh đã say sưa trình bày những ca khúc ( Đây Thôn Vỹ Dạ, Say Trăng, Cuối Thu, Sầu Lãng Tử…) như trút hết nỗi lòng, như trao gời cùng anh em nỗi niềm còn lại, và tôi đã cảm thấy rưng rưng khi nghĩ đến ngày phải trở lại quê nhà, xa anh…
Sau cùng, Anh đã nói : “ (…) Chỉ tiếc những nốt nhac in trên trang giấy này vẫn chưa diễn đạt hết cảm xúc. Giá như tôi được ngồi bên các bạn, ôm đàn mà hát thì Hàn MặcTử - Bích Khê sẽ hiện ra, thì các tiên nữ hiện ra, thì nàng thơm hiện ra…”.
Tất cả đã hiện ra sáng nay trong căn phòng sum họp thương yêu này rồi, anh Trương Thìn ạ! Tôi đã chợt thấy Nàng Thơm của anh…
Xin gởi lời cám ơn người nghệ sĩ Trương Thìn đã cho tôi một buổi sáng Saigon để yêu thơ & nhạc & họa một cách say đắm - giữa cuộc vô thường ngắn ngủi mà lắm gian truân hệ lụy này!
\
Saigon 6 tháng 7 năm 2011.
MANG VIÊN LONG