Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

NĂM NAY ĐÀO LẠI NỞ - Đọc " ÔNG ĐỒ " Của VŨ ĐÌNH LIÊN


NĂM NAY ĐÀO LẠI NỞ



Tiểu Luận
M a n g V i ê n L o n g




Bài thơ “ Ông Đồ” được Vũ Đình Liên sáng tác vào khoảng năm 1936 - cách nay đã hơn 70 năm! Đã bảy mươi năm qua - đọc lại “ Ông Đồ”, chúng ta vẫn còn ngậm ngùi thương cảm cho một thời vang bóng của lớp người cựu học mà bóng dáng “ông đồ” luôn nhắc nhớ để tất cả phải trài lòng thương yêu, kính mến hơn là chế giễu chê bai! Hình ảnh “ tiều tụy của một thời tàn” ( Thi Nhân VN-HT/HC) đã được Vũ Đình Liên ghi lại bằng trái tim yêu thương và một tấm lòng hoài cổ sâu sắc của một nhà thơ tài hoa! Đó là một “ cái nhìn”-một thái độ rất nhân bản, đúng đắn, mà cùng thời với Nhà thơ ít ai để ý đến. “Cái nhìn” sâu thẳm từ tấm chân tình thiết tha rộng mở ấy của Tác giả vẫn còn theo mãi với người đọc cho đến hôm nay…
Hình ảnh “ ông đồ” là hình ảnh của cái cũ, cái đang tàn phai, đang giẫy chết trước sự đổi thay của cái mới- của thế sự, của thời cuộc! Lớp người Nho học đang lui dần vào quá khứ - đã làm xong sứ mạng của mình - đang dần nhường bước cho phái tân học - cái mới. Nhớ một thời “ông đồ” là hình ảnh luôn được tôn quý, là bậc thầy - người hiền trí, đã khổ công hướng dẫn dìu dắt bao thế hệ tiến về phía trước - sống chan hòa trong tình người lẽ đạo- góp phần rất lớn cho những giá trị văn hoc, cũng như đạo lý của dân tộc.
Đó là thời kỳ “ vàng son” của ông đồ, có thể nhận thấy rất rõ nơi phố thị mọi miền mỗi dịp xuân về

:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua …”


Và mọi người đều đã tỏ lòng ái mộ kính mến ông - nhờ ông viết những câu thơ, lời thánh hiền, câu đối Tết - để chưng bày trong nhà – xem đó là niềm vui, niềm hãnh diện của phong tục nghinh Xuân đón Tết đã trở thành truyền thống từ bao đời:

“ Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay “


Cái thời “lẫm liệt” xa xưa ấy nay còn đâu? Hình bóng “ ông đồ” tuy vẫn còn lây lất đây đó để níu kéo lại thời khắc êm đềm tươi đẹp của quá khứ - nhưng tủi thay! - chỉ còn đó để chừng kiến “ Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu!” – Chỉ với 4 câu ngũ ngôn tứ tuyệt, Nhà thơ đã dựng lên một bức toàn cảnh sự “ tiều tụy của một thời tàn”! Bức tranh ấy dầu đậm nét buồn - nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó cái đẹp - cái êm đềm của một thời không thể nào quên!

Nhưng mỗi năm một vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu! “


Để nói lên nỗi lòng của “ ông đồ” - cũng là của lớp nhà Nho thời ấy – Nhà thơ đã rất tài hoa mượn “ Giáy đỏ/ nghiên mực”để gởi gắm! Giấy còn buồn không thắm tươi nữa/ nghiên mực khô đọng im vắng nỗi sầu - thì hỏi lòng người làm sao không sầu thương luyến tiếc?
Ông đồ vẫn còn ngồi đây - nơi góc phố chợ nhộn nhịp - nhưng nào có ai hay? Không có đôi mắt nào nhìn ông, biết có ông - sự thờ ơ dửng dưng của người người qua lại - đã cho thấy sự bạc bẽo vô tâm của người đời đối với những giá trị xưa cũ đã từng gắn bó thiết tha trong nhiều thé hệ! Đây cũng là một lời trách cứ rất êm nhẹ, rất sâu sắc dành cho những ai đang vội vã chạy theo cáí mới như một cái ‘ mốt”, cái nhãn hiệu thời trang?

“ Ông đồ vẫn ngồi đây
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay “

Hình ảnh chiếc lá vàng rơi rụng nằm im lìm trên mặt tờ giấy đỏ không buồn nhặt/ và cơn mưa lất phất đầu xuân ngoài trời lạnh lẽo kia - tô đậm thêm hình dáng “ ông đồ” đáng thương, nỗi buồn kia đáng chia sẻ. ! Đây là một hình ảnh tượng trưng đẹp rất hiếm thấy trong thơ thời bấy giờ!
Xuân lại vế - hoa đào lại nở - nhưng “ không thấy ông đồ già” ? Ông đồ ở đâu?- Ông đồ đã chết cùng với sự suy tàn của Nho học! Một thời kỳ đã sang trang mới. Nhưng với Nhà thơ thì không thể đơn giàn như thế : “ Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ? “. Câu hỏi cho chính mình mà cũng là cho thế hệ kế tiếp …


Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ già
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ? “


Không lý giải, không tranh luân - qua bài thơ “ Ông Đồ” - Vũ Đình Liên đã trải lòng , đã bày tỏ những ưu tư tình cảm và thái độ của mình đối với một “ vấn đề lớn” thời ấy: Phài sống như thế nào, cư xử thế nào với “ cái cũ” - với các bậc tiền bối của mình?. Nhà văn Hoài Thanh-Hoài Chân đã không cường điệu khi nói ”…Vũ Đình Liên đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác!(…) Theo đuổi nghè văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ.Nghía là đủ để lưu danh, đủ với đời” ( Thi Nhân VN-tr 78/ HT-HC)

Những ngày đón Tết Tân Mão
2011

MANG VIÊN LONG


Ô N G Đ Ồ

V ũ Đ ì n h L I ê n

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Nhưng mỗi năm một vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không tháy ông đồ già
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

VĐL


L Ã O T Ú T À I

V i n h B a dịch

Niên niên đào hoa khai
Hựu kiến lão tú tài
Lộ biên trình mặc chỉ
Nghinh xuân nhân vãn lai

Đa khách mãi tha tự
Vô biên thán hảo tai!
Phi long dữ vũ phụng
Nhất bút trung thượng đài

Ai giả tòng niên thiểu
Hà phương tự an bài
Hồng chỉ giảm quang sắc
Hàn mặc nghiễn trung ai

Lào nhân thượng thử địa
Hành nhân bất tri thủy
Lạc diệp hòang hồng chỉ
Thiên không khinh vũ phi

Kim niên đào mãn khai
Một kiến lão tú tài
Thiên cổ nhân hà tại
Hồn hề bất quy lai?

VB

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

VĂN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI KHÔNG? Tạp Bút MANG VIÊN LONG


VĂN CÓ PHẢI LÀ NGỪƠI KHÔNG?


Tạp Bút
M a n g V I ê n L o n g

Thân tặng Anh Trần Huiền Ân, Hoàng Lộc
Và MC

Mang Viên Long ( Ảnh Trần Hoa Khá -2011)


Nhìn thấy nét mặt tươi vui khác thường của cô học trò cũ vừa bước vào ngồi đối diện-người thầy lên tiếng hỏi ngay: “ Hôm nay chắc là em có nhiều niềm vui ? “.
Cô học trò liếng thoắng hơi cúi đầu- cười e thẹn : “ Thưa thầy-em chỉ mong có một niềm vui thôi, làm gì dám mơ ước đến “ nhiều niềm vui? “.
- Được rồi-người thầy cười-một niềm vui mà bền vững chân thật-còn hơn khối niềm vui mà giả tạo, thoáng qua! - Ông nhìn cô học trong giây lâu-Em có thể chia sẻ cùng thầy không?.
- Dạ, có ạ! Cô học trò thoáng ngước nhìn thầy-nhưng không phải niềm vui của em ạ!
- Sao lại không phải của em? Là của ai?
- Của cô bạn cùng làm ở công ty của em…
- Vậy ra em vui vì bạn vui?
- Dạ, đúng ạ!
- Em rất nhân hậu- người thầy nhìn đứng lên khuôn mặt hồn nhiên của cô học trò-người có tâm tùy hỷ là người luôn hạnh phúc, em à! Biết chia sẻ, hòa nhập chân tình với sự thành công, hay niềm hạnh phúc của bạn - của người chung quanh,ngày nay cũng hiếm đấy! Người ta thường đố kỵ, ganh ghét nhau vì sự thành công hay hạnh phúc của người khác! Đây cũng là một thãm trạng của đời sống vì thiếu “ Tâm Tùy Hỷ”. em à!
Cô học trò kề lại một mạch câu chuyện tình của cô bạn với một chàng trai - được cô gọi là “ một nhà thơ” : Dường như ngày nào cô bạn của em cũng nhận được 1 hay 2 bài thơ tỏ tình, giải bày yêu thương của chàng trai nọ cả! Bài thơ nào cũng tha thiết, cũng nồng nàn, cũng da diết hứa hẹn thủy chung son sắc với cô bạn, làm cô ta nhiều lúc hoang mang không hiểu được lòng mình, lòng người? Cô ấy đã hỏi em : “ Có phải “ văn ( thơ) tức là người” không? “.
Người thầy ngẫm nghĩ-mỉm cười: “ Rồi em trả lời cho cô bạn thế nào?”
- Em chưa biết trả lời ra sao cho đúng-cô học trò cười – em mù mờ về chuyện “ văn chương thơ phú” lắm- em chờ hỏi thăm ý kiến của thầy mà…
- Thầy cũng thấy rất khó trả lời gọn gàng cho em trong một vài câu, em à!-Ông nhìn lơ đãng ra phía ngoài cửa sổ- ánh nắng hanh vàng của buổi chiều đầu thu thật êm ả , gợi nhớ -đây là một câu hỏi khó, nhưng không phải không trả lời được - Giọng ông trở nên trầm lắng-với ý nghĩ rất chủ quan-thầy chỉ “ tâm sự” với em đôi điều thôi-rồi tùy em trả lời với cô bạn nhé?
- Em hiểu ạ! Cô học trò hướng mắt nhìn theo tia nhìn vu vơ của thầy-giọng nhỏ nhẹ.
Người thầy cũ đã nhìn nhận một điều : chàng trai của cô bạn là một người có tâm hồn-biết yêu quý thơ ( mới làm được thơ chứ? và mới tặng thơ cho người mình yêu?)-nhưng “ mức độ” của cái “ tâm hồn” ấy nông sâu-chân thật hay giả tạo, thì chưa thể hời hợt kết luận được ( vì chưa đọc được bài thơ nào cả mà? ). Ông nói đến sự phát triển ồ ạt của thơ trong những năm gần đây-đây là một dấu hiệu đáng vui, vì đời sống mà có thơ-là một đời sống an vui, dễ chịu. ( giống như nơi nào có nhiều hoa, thì nơi ấy tươi đẹp, thơ mộng)- nhưng sự “ lạm dụng” thơ ( văn) để làm tấm bình phong, để mưư cầu chuỵện khác ngoài văn chương là điều cần nên cẩn trọng - cần phải tỉnh giác để nhận chân cho được là những bài “ gọi là thơ “ ấy-có phải là tín hiệu của trái Tim nồng nhiệt, xây dựng, thủy chung, hiến dâng cho đời sự chân thành thương yêu hay không?
Ông đốt một điếu thuốc-thả khói bay lơ lửng-giọng buồn buồn:
- Có lắm kẻ sống một đằng, viết một nẽo. Viết thì nghe “ êm tai” lắm, nhưng sống thì thấy “ chướng mắt” lắm, em à!
- Vậy là họ viết không thật lòng, thưa thầy? Cô học trò vội hỏi.
- Đã lừa dối lòng mình, mà còn phỉnh gạt kẻ khác!-Ông buông thõng.
- Họ làm vậy có lợi lộc gì đâu, thưa thầy?
- Có đấy-Ông cười, có- người ta mới làm vậy chứ?
- Chẳng hạng…
- Chẳng hạng sẽ được bỗng lộc, được tiếng khen, được khâm phục, được thỏa mãn lòng tự cao tự đại, được “ hơn người”(…). Những “ cái được” đó tuy rất phù phiếm, nhưng lại có nhiều kẻ ham thích?
Cô học trò ngồi yên lặng một lúc-bỗng đôi mắt sáng lên: “ Nhưng thực chất chính họ là những người không có trai tim thương yêu, kém cỏi, hèn nhát, cơ hội, bán rê nhân cách của người cầm bút, thưa thầy? “.
Người thầy không trả lời nhận xét của cô học trò-ông thở dài: “ Mà buồn thay, có mấy ai hiểu hết được điều sâu kín được che dấu rất tài tình bằng những trang viết, bài thơ- cái truyện nặng mùi “ trí thức tiến bộ” , “ lòng nhân ái yêu thương” và “ anh hùng cái thế “ ấy của họ?
Cô học trò cũng chép miệng-thở dài: “ Xem vậy-rất khó lòng phân biệt được chơn-giả/ trắng-đen/ thiện-ác ? “.
- Thời gian và chính đời sống thực tế hằng ngày của người viết, sẽ làm lộ rõ dần nhân dáng ( chân tuớng) của họ mà thôi ! Em hãy tin rằng, sự dối trá không sống được lâu. Và chỉ có “một tâm hồn lớn, một đời sống lớn-mới có thể có được Tác Phẫm lớn” mà thôi!
- Thầy nói vậy em chưa hiểu-Cô học trò kêu lên.
Ông cười dễ dãi: “ Thông minh như em mà kêu chưa hiểu sao? “
- Dạ, chưa!-Cô mỉm cười.
- Này nhé? Ví dụ một anh chàng hèn nhát, sợ hãi mọi thứ (…) mà viết về lòng dũng cảm, về sự hy sinh(..). Anh chàng tham lam, ích kỷ, háo danh-lại kêu gọi về tình thương yêu, sự bố thí, sự buông xả. Anh chàng có tấm lòng nhỏ hẹp, tỵ hiềm, gian dối –lại hô hào về nỗi bao dung, sự hiến dâng, lòng chân thật (..). Đại khái là vậy! Nghĩa là giũa con người và những trang viết là một sự mâu thuẫn gay gắt, đau lòng!
- Thưa thầy, theo ý thầy thì phải như thế nào?- Cô học trò ngước nhìn người thầy đang thong thả uống từng ngụm trà nhỏ.
- Thầy hơi “ lạc hậu”-Ông cười lớn-Thầy luôn mong đợi, đòi hỏi ở người viết những trang viết tâm huyết chân thật-phát xuất tù trái tim-từ xúc cảm có thật trong đời sống họ. Không ngụy tạo, không che đậy, không làm dáng, không huênh hoang-cho dầu những trang viết chân thành như vậy có giới hạn-nhưng đó là dời sống thật, con người thật, cảm giác thật mà ngừoi đọc mong chờ để được đồng cảm, chia sẻ…Đây cũng là một nguyên nhân sâu xa, tại sao nền văn học của chúng ta không có những tác phẫm lớn? Người viết dã không thể có được tác phẫm giá trị đích thực cống hiến cho nhân loại , lại không thể “ đi được dài lâu” cùng với cuộc đời mình, quê hương mình!
Nhìn thấy cô học trò trong tay vẫn cầm tách trà xoay xoay mà không uống-ông nhắc-rồi cười: “ Trước năm 75, thầy có nhận được 1 lá thư của một nữ đọc giả-trong ấy cô ta đã hỏi: “ (…)Thưa ông, như vậy “ con người thật” của ông qua các truyện ông viết được “bao nhiêu phần trăm? “ “. Nhờ câu hỏi này, thầy đã viết được một bài tiểu luận ngắn , có tựa đề “ Sự Liên Hệ Giữa Tác Giả Và Tác Phẫm” – đã được “ trò chuyện “ với học sinh trường Trung học Bồ Đề Hiếu Xương ( Phú Yên)- sau đã đăng trong đặc san Xuân của Trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn Huệ-Tuy Hòa ( 1973)- đại ý trả lời câu hỏi thường gặp ấy ở người đọc…
- Xin thầy vui lòng nhắc cho đôi điều được không ạ?
- Dù bản thảo đã mất, tờ báo Xuân năm nào không còn giữ-nhưng qua bài viết, thầy nhận định ( và dẫn chứng cụ thể từng tác giả tiêu biểu) về sự “ liên hệ giữa tác giả và tác phẫm”- đại khái có 3 trường hợp có thể xảy ra: 1.Tác phẫm là tấm gương phản ảnh trung thực con người, dời sống , tình cảm, tư tuởng (…) của chính tác giả.( từ 80-90% ) 2. Từ cái nguồn càm hứng ở chính cuộc sống, con người mình- tác giả có thể “ ghi nhận” thêm những hoàn cảnh, tình huống, cuộc sống của những gặp gỡ chung quanh-để hoàn tất tác phẫm ( từ 50-80%). 3. Chỉ phản ánh nhân sinh quan, ( nói theo từ ngữ “hiện đại” là lập trường, quan điểm) và tâm hồn-cùng nỗi ước vọng, khát khao của tác giả- ít có những liên hệ “cụ thể “ hiện diện rõ ràng trong tác phẫm ( trường hợp của nhà văn nhà nghèo, hiền lành-chơn chất Vũ Trọng Phụng viết những cuốn tiểu thuyết ăn chơi sa đọa học đòi của một số trưởng giả trong buổi giao thời nhờ nghe qua bạn bè, văn hữu kể lại hoăc “ trông thấy” đây đó chứ chưa hề sống thật như vậy. ) ( tù 10-20%)…
Nhìn thấy người thầy ngồi yên lặng như để tưởng nhớ lại một thời đã xa của tuổi trẻ-cô học trò cúi xuống hớp một ngụm nước trà-giọng ngập ngừng: “ Thưa thầy, như vậy-sự liên hệ giữa tác giả và tác phẫm là luôn luôn có mặt, gắn bó trong tác phẫm duới nhiều khía cạnh khác nhau ạ? “
- Đúng vậy, em à! Nó luôn là “ đứa con” của tác giả, tuy…không giống vóc dáng, mặt mũi, tay chân-nhưng nhất định phải có tâm hồn đồng điệu với “ người cha” sinh ra nó chứ? Sự “ liên hệ” lúc này không thể căn cứ trên những gì thấy được ( hình dáng/ lối sống/ vvv)/ mà là phần sâu kín của tâm hồn, của ước mơ và hy vọng…Nếu không phải như vậy-thì đó là một tác phẫm “ nguy tạo” đỏm dáng, vì những yêu cầu, mưu đồ riêng tư ngoài văn học!
- Thưa thầy-người xưa cũng có câu “ văn tức người” phải khộng ạ?
- Nếu “ văn không là người” thì loại văn ấy không thể cảm hóa, truyền đạt được cho ai điều gì cả - bởi căn bản nó đã được xuất phát từ sự giả dối, vô ích rồi! Người xưa cũng có khuyên “ văn dĩ tải đạo”- chữ “ đạo” ở đây, không phải giới hạn trong phạm vi tôn giáo-mà là “con đường chân chính dẫn đến Chân ,Thiện, Mỹ”-giúp ích cho đời sống ngày được an lạc, hạnh phúc, giá trị…
Cô học trò do dự : “ Vậy, em phải trả lời ra sao với cô bạn khi “ vấn đề” nó phức tạp đến vậy? “.
- Chuyện này đòi hỏi cô bạn phải có một nhận thức tương đối về văn học, một kinh nghiệm tốt về tâm lý, giao tiếp, đời sống(…)/ nói tóm là phải “ căn cứ” vào nhiều mặt của người yêu, chứ không thể “ mơ màng tin theo” những vần thơ réo rắc, bóng bẩy, ru ngủ!
- Thưa thầy, “ rắc rối” như vậy sao?
- Đánh giá một con người để “ trao thân gởi phận” đâu phải là chuyện chơi?-nguời thầy cười thoải mái-cuộc đời của mình, hạnh phúc hay khổ đau -là tùy thuộc vào “quyết đinh cuối cùng” này, em ạ! Em nên luôn nhớ- hãy cẩn trọng khi đánh giá một con người- vì sự thiên lệch, định kiến, ác ý của minh sẽ đem đến cho người bao điều đau khổ!
- Vậy thầy “nói giùm” một câu, để ngày mai gặp lại bạn-em nói với cô ấy nhé?
- Không thể dược!-Người thầy cười-không phải thầy “ hà tiện” chi lời nói-nhưng nếu thầy nói chưa đúng, thì lại “ mang tội” với người. Đâu có thể “ phát ngôn “ bừa bãi được?
Ông im lặng giây lâu-giọng thân thiết: “ Em hãy về suy nghĩ kỹ đi, qua một đêm- thầy chắc là em sẽ tìm được câu nói với cô bạn chính xác hơn thầy nhiều, vì em cùng lứa tuổi, đã là tri âm bao năm rồi! Hơn nữa, em là một người có trí tuệ và rất nhạy cảm kia mà? “.
- Dạ, cám ơn thầy! Em sẽ về suy nghĩ lại…

Tháng 9 / 2010
MANG VIÊN LONG

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

HOA MAI ĐÂU DỄ NGÁT MÙI HƯƠNG Tạp Bút MANG VIÊN LONG


HOA MAI ĐÂU DỄ NGÁT MÙI HƯƠNG


Tạp Bút :
MANG VIÊN LONG


Đúng chu kỳ, mùa Xuân lại đến. Cách đây mấy hôm, một người bạn văn – cũng là bạn đạo, có biếu cho tôi một cành hoàng mai. Cành mai khá lớn, hoa lá chen lẫn trên cành khúc khuỷu tạo thành một sự sắp xếp rất tinh tế, mỹ thuật của thiên nhiên.


Tôi trang trọng đặt cành hoa vào bình sứ lớn, chưng ngay phòng nhà giữa – là bàn thờ Tổ. Hằng ngày, theo dõi từng chùm hoa vàng nở, nghe thấy một mùi hương thoang thoảng dìu dặt, tôi thầm chiêm phục và biết ơn loài hoa cao quý ấy.
Cành hoa mai đã khiến tôi chợt nhớ tới bài “Tụng” của ngài Hoàng Bá Hy Vân (1) đã đọc trong một buổi thượng đường, chỉ dạy đại chúng:



Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bã thằng đầu tổ nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương.
Bài dịch (2) :
Vượt cõi trần lao việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.



Quả thật, cây mai đã phải trải qua cái giá lạnh, mưa bão của mùa Đông dài dặc đen tối, để chớm Xuân trổ lá, kết hoa… Hoa mai là loài hoa tượng trưng rõ nét và đầy đủ nhất cho cái đẹp và ý nghĩa của mùa Xuân. Những chùm hoa vàng tinh khiết, mầu nhiệm kia như được tích tụ từ nỗi giá lạnh, giông bão vùi dập mà không hề nao núng; để mở sáng một mùa Xuân ấm áp, hạnh phúc cho muôn loài.
“Chẳng phải một phen xương lạnh buốt”.
Nếu cây mai không chịu được một mùa Đông với bao vùi dập tan tác của cái lạnh, của gió, của mưa dầm, thì làm sao kết được những cánh hoa mới lạ tinh anh kia – và nhất là, làm thế nào mà ấp ủ một mùi hương thanh quý riêng biệt như thế?
“Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương”
Người học Phật cũng được ví như cây mai. Như hoa mai. Như mùi hương thiêng liêng của hoa. Nghĩa là người tu cũng phải trải qua kiên tâm vững bước trên tám con đường đạo Phật (Bát chánh đạo) “mùa đông” của sự mài giũa Giới Định Tuệ; của lòng trì niệm không ngưng nghỉ bốn câu kệ trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, dũng mãnh và tinh tấn để tự thắng mọi chướng nghiệp – và luôn xả thân vì Đại Nguyện, thì “Hoa Tâm” mới sanh, mới “ngửi” được mùi hương nhiệm mầu của đạo pháp.
Người học Phật không thể không có “một phen xương lạnh buốt” mà có thể “ngửi thấy mùi hương” An Lạc, Giải thoát chơn chính của pháp Phật được.
Sự nhiệm mầu vô tận “bất khả tư nghì” của Hoa Đạo đến với Tâm người tu, để “Hoa Tâm” nở ra tỏa ngát hương, càng phải cần có những “mùa- Đông- không – ngày-tháng” nhiều hơn thế nữa…
Nhớ Tổ Huệ Khả xưa, suốt đêm dầm mình trong mưa tuyết lạnh thấu xương, chờ mặt trời rạng lên, chặt đứt một cánh tay để được Tổ Đạt Ma nhận làm đệ tử.
Và Lục Tổ Huệ Năng:
Tám tháng
Đeo đá giã gạo nhà trù
Mười lăm năm
Trú ẩn rừng sâu
Ngày xuống núi tóc râu bạc thếch (3)

Những tấm gương cầu học đạo, xả thân vì đạo, vì đại nguyện của các bậc Tổ, của chư vị Pháp sư, Thiền sư, Giảng sư… luôn là nguồn sáng soi dắt người học Phật chúng ta luyện tâm, bền chí…
Hoa Mai – Hoa Tâm – Hoa Đạo của mùa Xuân trọng đại ấy có thể sẽ rất gần, và cũng có thể sẽ rất xa. Một sát na. Hay trọn một đời. Nhiều đời. Chúng ta – những người học Phật, chỉ nên biết luôn giữ sáng Tâm mình và tinh tấn mà tiến bước…
Hoa Tâm ắt sẽ nở hoa, đượm hương bất tuyệt trong lòng mọi người.


Trong đời sống - người làm nên việc lớn cho dời và cho chính mình; há chẳng phải chịu bao khổ đau, phiền lụy mới có thể ' tích tụ" đụoc bao hoài bão, bao ước mơ - để dâng hiến cho đời? Có một nhà văn đã từng nói-đại ý: " Muốn người khóc mình-thì chính mình phải khóc trước đã!". Nếu không từng bị lao đao , vùi dập; không từng sống trong những tháng năm đen tối nhất-thì có biết đâu gia trị của ánh sáng cho cuộc đời?


"...Chẳng phải một phen xương buốt lạnh/ Hoa mai đâu dễ ngát mùi huơng"?


MANG VIÊN LONG

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

CUỐI NĂM NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN VĂN: Nhà Biên Khảo-Nghiên Cứu NGUYỄN PHU




CUỐI NĂM NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN VĂN:

Nhà Biên Khảo-Nghiên Cứu NGUYỄN PHU

Bài Viết MANG VIÊN LONG

Nhà Biên Khảo-Nghiên Cứu Nguyễn Phu ( ngồi bên trái)
và Mang Viên Long (ảnh chụp năm 1996)

Tôi được biết anh hơi muộn- tháng 3.1994 -Anh lớn hơn tôi hơn một giáp (sinh 1928 – Mậu Thìn) và sinh hoạt trong lãnh vực khác (trước 1975) – nên duyên gặp gỡ phải chờ đến lúc anh về làm rể nhà phía vợ tôi mới “hội ngộ”.
Tôi kính trọng anh, trước hết, anh là một người trí thức mẫu mực, một đời sống thuần thiện có ích, và sau cùng là sức làm việc cần mẫn, chăm chỉ, như đàn ong cho mật.
Ở vào tuổi trên 60, anh vẫn luôn theo dõi mọi biến động (trong và ngoài nước) qua sách báo, các phương tiện thông tin hằng ngày – và luôn ghi chép lại các dữ liệu sự kiện mà anh cho là quan trọng trong một quyển sổ dày. Hằng tuần, đều đi đến các nhà sách, chọn mua những tác phẩm mới – trong mọi lãnh vực, từ văn học, y học, lịch sử, tôn giáo… Về nghiền ngẫm, hoc hỏi. Bởi vậy, tủ sách của anh thật đồ sộ, đầy ắp những tác phẩm giá trị (cả các tác phẩm cũ và mới). Ngoài việc đọc- trong một khoảng thời gian được ấn định mỗi ngày; anh dùng nhiều thời gian hơn cho việc trước tác. Trước, tôi thấy anh dùng máy chữ hiệu Olympia – nhưng về sau, sử dụng vi tính. Anh viết trên máy hầu hết các tác phẩm của anh…
Thỉnh thoảng có dịp vào Sài Gòn thăm con (và sau này có thêm cháu ngoại) – tôi luôn được trò chuyện với anh – nhất là chuyện sáng tác, Văn học…một cách rất tâm đắc. Anh có một trí nhớ tuyệt vời, và nhất là có một bề dày kinh nghiệm kinh qua hai cuộc chiến tranh, cùng cuộc đời có nhiều thăng trầm, biến động. Bên cạnh hai tính chất hiếm có ấy – anh còn có một tâm hồn nhạy cảm, thuần thiện, rộng mở… Ước vọng duy nhất của anh cho Quê hương đã được anh yêu quý trân trọng đăt cho hai người con trai : Hòa và Bình. Hòa Bình . Vâng, chiến tranh đã tàn phá đất nước và con người – thiêu cháy mọi ước mơ, tương lai của nhiều thế hệ…
Vào những dịp đến thăm anh và gia đình, tôi luôn được anh cho đọc các bản thảo đã viết, những bản thảo đã hoàn tất chuẩn bị xuất bản. Có lần, tôi đã đích thân mang tác phẩm của anh đến NXB Trẻ- Tp HCM để xin giấy phép. Cùng anh đến thăm TS. Mạc Đường để nhờ ông viết “đôi lời giới thiệu” cho tập “Tìm Hiểu Nhân Vật Bình Định” (XB năm 2002). (Nhân đây, tôi cũng xin được ngỏ lời biết ơn Nhà Văn Đào Hiếu – Nhà XB Trẻ – luôn trợ giúp cho tác phẩm của anh sớm được giới thiệu). Có thể nói, tôi đã “có duyên” được đọc trước hầu hết các bản thảo của anh, đã được anh tin tưởng gửi tặng các tác phẩm chưa xuất bản (di cảo) đã hoàn tất bản vi tính. Gần đây nhất, tháng 11.2005, tôi ghé thăm anh, được anh cho xem tập sách “Những Vị Tiến Sĩ Ở Bình Định” đã xong, chờ bổ túc và giấy phép (viết chung với Nguyễn Thiều). Chính anh và người vợ kế (chị Huỳnh Thị Kim Cúc) thực hiện vi tính…
Ở vào tuổi trên (70 xưa nay hiếm), nhưng sức sáng tác của anh thật dồi dào, thật cần mẫn và đều đặn. Dường như lần nào có dịp vào Gài Gòn ghé thăm anh, tôi cũng được gửi tặng thêm bản thảo mới. Anh sống rất điều độ, theo một thời khóa – nên trông anh đầy đặn và khỏe mạnh như người 60. Tuy vậy, anh đang có bệnh về tim mạch và huyết áp cao. Qua điện thoại, khi hỏi thăm sức khỏe, anh thường cho biết “tôi thường bị nghẹn, khó thở, nhưng không sao đâu”.
Ngoài cái tình của một bạn văn, cái nghĩa “cột chèo” – tôi coi anh như một người anh cả. Các con tôi đều gọi anh là “Bác”. Ở quê, xa các con, anh đã thay tôi góp ý, khuyên răn chúng về việc học tập, về sự quan hệ xã hội, và việc chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai mỗi khi cần thiết. Tôi đã chịu ơn anh rất nhiều.
4g 10 phút sáng 25.12.2005 (cũng là 25.11At Dậu) Hoàng Nhật – con gái tôi, gọi điện về nhà: “Bác Phu bị nhồi máu cơ tim, mất rồi ba ơi!”.
Sau phút bàng hoàng, sửng sốt- tôi nói “Ba sẽ vào sáng nay…” – “Ba nhớ mua vé tàu, đừng đi xe đò…”.
7g con trai út của tôi lại gọi : “Chuẩn bị đưa bác về Qui Nhơn rồi, ba đón bác ở nhà anh Bình!”. Tiếp đến là điện thoại của thầy Nguyễn Thiều. Ông chỉ nói được mấy câu : “Chú ấy có trí nhớ tốt quá, thông minh quá- thật tiếc quá!” 17g tôi có mặt nhà người con trai thứ 2 của anh ở đường THĐ. Chờ đợi gặp lại anh.
Quá 18g 30’ – người nhà liên lạc bằng điện thoại di động, biết xe bị hỏng ở dốc Qui Hòa –còn cách QN hơn 10 km. Người nhà vội cho xe vào đón, thì có tin xe lại bắt đầu tiếp tục chuyển bánh…
20g kém 15’, xe cấp cứu của BV Chợ Rẫy chở anh và những người thân rú còi tấp vào lề đường. Những người thân của anh và tôi đã chờ sẵn, đưa anh vào nhà. Anh đã trở về trên chiếc băng ca lạnh lẽo. 21g 30’ thi thể anh đã được tẩm liệm, đưa vào quan tài, và nắp quan đã được thợ khâm liệm đóng kín. Anh nằm yên trong ấy. Một mình. Tôi giở nắm tấm gương, nhìn lại gương mặt anh lần cuối cùng…
10g 30’ ngày 26.12 , người con trai trưởng nam của anh ở nước ngoài đã về đến Sài Gòn. Ngay đêm 26.12 đã có mặt ở Quy Nhơn để buổi sáng 27.12 làm lễ thành phục.
14g ngày 27.12.05 (tức 27.11 âl) lễ di quan bắt đầu. Đứa con trai của Bình – cháu nội anh, trong bộ tang phục, ôm di ảnh của anh từng bước đưa anh đi. Nhìn người cháu nội mà anh rất mực thương yêu mới vừa bước vào năm đầu đại học; ngậm ngùi thương tiếc tiễn anh ra đi – tôi không giữ được những giọt nước mắt. Anh vẫn thường trở về và ra đi – nhưng lần này, thì tất cả đã vĩnh viễn mất anh rồi!
Tôi theo xe tiễn đưa anh vào tận nghĩa trang thành phố – nơi đã có “sanh phần” của anh đã chọn trước từ lâu – và đã ném xuống mộ anh một nắm đất như đưa tay nắm tay anh lần cuối cùng.
“Anh đi yên lành nhé!” – Tôi thầm nhủ, và nghĩ rằng, rồi tất cả sẽ có những chuyến đi ngàn thu lặng lẽ như thế… Phải không, thưa anh?
Xin phép anh được trích “Đôi Lời Tâm Sự” của anh (trong tập “Mảnh đất- Tình Người” tập Ba, 2004 – chưa xuất bản) – để được giới thiệu thêm đôi điều về anh với tất cả :
“Tôi sinh năm 1928 (Mậu Thìn)- tính đến năm nay 2004 (Giáp Thân) là 77 tuổi mẹ sinh. Từ đó đến nay tôi đã biên khảo, viết văn, làm thơ, với bút hiệu : Đoàn Nguyên, Đoàn Nguyên Phúc, Trường Thiên như sau :
Năm 1950 – 1952 (nghỉ cầm bút vì sinh kế)
Năm 1964 – 1968 (nghỉ cầm bút vì sinh kế)
Năm 1975 đến nay, vì tuổi già không có công việc gì làm ra tiền, chỉ tham gia công tác Hội.
Như vậy, tôi đã lao vào công việc biên khảo, viết văn, làm thơ trong thời gian hơn 30 năm không liên tục.
Nay tôi tuổi già sức yếu, lại có bệnh huyết áp cao, tay cầm bút bắt đầu khó khăn, chỉ còn dùng được máy vi tính để viết.
Nhưng rủi thay hai con mắt bị cườm ở tuổi già xem đọc rất khó, không dám mổ vì huyết áp cao. Thôi đành vậy.
Đôi lời thành thật .
Kính mong bà con cô bác thân hữu dồi dào sức khỏe.
Tp HCM , ngày 12.9.2004
Nguyễn Phu "


MANG VIÊN LONG

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

NGƯỜI KHÁCH KHÔNG MỜI Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG




NGƯỜI KHÁCH KHÔNG MỜI




Truyện Ngắn
Mang Viên Long




Saigon những ngày gần cuối năm trông sôi động và vội vã đến choáng ngợp. Ngày thường, Saigon đã nhộn nhịp, tất bật, nườm nượp người xe- những ngày bước vào tháng Chạp, lại như cơn sốt đang tăng dần nhiệt độ. Vĩnh vào Saigon lần này có rất nhiều lý do bất ngờ. Dường như xưa nay, những chuyến đi xa như thế, luôn luôn là một nỗi tình cờ với anh.
Ở Saigon, Vĩnh đã làm được mấy việc, trong gần một tuần lễ : Thăm hai con đang trọ học ở đây vì Tết này chúng không về quê được ; xuống Gò Vấp thăm gia đình một người bạn có cô em gái vừa mất đúng 49 ngày; đến Thiền viện Vạn Hạnh thăm người cháu gái đang tu học ở đó; ghé đường Lương Văn Sỹ thăm một người bạn thơ xứ Huế đã mấy bận lỗi hẹn…
Vĩnh nhớ lại còn một số địa chỉ cần ghé, vài việc cần làm trước ngày trở về, nhưng cảm thấy rất mệt khi ra đường. Sống ở quê– trong cái thị trấn bé nhỏ yên vắng ấy, anh không dễ thích nghi với sự ồn ào, hối hả đến xa lạ trong cái thành phố đã từng được xem là “hòn ngọc của Viễn Đông” này! Anh nằm ở nhà trọ của con, gọi điện đến thăm vài người bạn văn. Được tin anh đang có mặt ở Saigon, lại không có phương tiện di chuyển ngoài taxi và xe thồ – có vài người tìm đến rủ ra ngồi ở chiếc quán đầu hẻm – uống ly café, hay nhâm nhi vài chai Saigon để chuyện trò…
Lần nào cũng vậy, lúc ra đi, bước lên xe, trong đầu dự tính biết bao nhiêu việc ; nhưng vào đến nơi rồi – lại cảm thấy mệt mỏi và trống trải. Ra phố một mình, giữa rừng người xa lạ và chen chúc, là một nỗi khổ tâm– Vĩnh thường nghĩ thế. Cố gắng lắm, anh mới đi được vài nơi. Quãng đời lang bạt kỳ hồ của anh dường như đã dừng lại ở tuổi năm mươi. Bên cạnh sự lạc lõng ấy, chuyến vào Saigon lần này, anh lại có thêm nỗi buồn lo: Phải mua một chiếc xe gắn máy cho đứa con trai lớn đi thực tập sau hơn bốn năm còng lưng trên chiếc xe đạp đến giảng đường. Tiếp đến, bà chủ nhà trọ đòi lấy tiền cả năm mới chịu cho thuê theo giá cũ; nếu trả từng tháng như trước, thì phải tăng lên. Và vé tàu cho hai con về quê ăn Tết không mua được sau mấy bận lui tới chờ chực.
Theo ý mong muốn của hai con, Vĩnh sẽ thu xếp để Diệu Nguyên vào vui Tết với chúng vài hôm. Ngày Tết ở Saigon, những mảnh đời lưu lạc càng thêm lạc lõng, cô độc. Chắc là Diệu Nguyên không thể chịu được khi nghĩ đến hai anh em Nguyên Đạt phải nằm khoèo tiu nghỉu ở căn phòng trọ trống trải, vắng hoe!
Vĩnh nghĩ, cách thu xếp như vậy có lẽ sẽ dễ thực hiện hơn hết, nhưng tất cả đều phải có tiền. Vé vào và ra, mua lúc nào cũng có sẵn. Tàu xe lại rộng thênh. Nhẩm tính, Vĩnh biết là phải cần đến hơn mười triệu đồng. Với số tiền lớn này, anh cũng biết, gia đình chưa có thể có ngay một lúc…

Về đến nhà, Vĩnh nói ngay với vợ:
-Em phải vào Saigon ăn Tết với hai con…
Diệu Nguyên thoáng ngạc nhiên:
-Nhưng đào đâu cho ra tiền bây giờ? Em chỉ nghĩ đến khoản mua xe và gởi cho bà chủ nhà một nửa năm thôi – không tính đến chuyện mẹ con sẽ ăn Tết như thế nào…
Im lặng một lát, nàng nói:
-Nhà còn một ít tiền thôi nhưng để qua Tết còn lo cho con nhiều việc nữa…
Vĩnh ngồi vào chiếc ghế mây rộng, hai tay vịn vào thành ghế – giọng phân vân :
-Em nói một ít, nhưng là bao nhiêu?
-Khoảng ba triệu…
Vĩnh nhìn vợ, tình cảm vừa thương xót, vừa ray rức tràn về, xâm chiếm lấy anh. Từ ngày có đứa con đầu lòng, Diệu Nguyên đã từ bỏ dần các thói quen cũ; tằn tiện, dành dụm để lo cho cả nhà.
-Em vào Saigon với các con là một cách tiết kiệm – Vĩnh châm một điếu thuốc – sẽ đỡ tốn kém hơn, nhất là khoản tiền tàu xe…
Diệu Nguyên như chợt nhớ ra – nàng mỉm cười : “Còn anh thì sao?”.
-Anh sẽ ăn Tết một mình – Vĩnh gắng nở một nụ cười – anh sẽ làm đủ mọi “thủ tục” đầu năm như em đã làm: Cúng giao thừa, đi xuất hành, đến chùa lễ Phật, thăm mộ, và ở nhà tiếp khách…
Chiều hôm sau, Vĩnh đến thăm nhà người chị “con một cha khác mẹ” ở thị xã. Người ta thường nói “một lòng mẹ thì xa, một lòng cha thì gần” – nhưng với anh, đã bao năm nay, anh chưa hề được thấy người chị cùng họ kia “gần” với anh thêm chút nào. Nghe chị ấy vừa mua đất, cất một vila rộng lớn ở gần biển – Vĩnh muốn đến để dọ bán một vài bức tranh.
Nhìn căn phòng sang trọng được trang trí nội thất bằng vật liệu đắc tiền ; anh cười :
-Phòng khách này có lẽ chị nên treo vài bức tranh…
Người chị đang rót trà ra tách, bỗng dừng lại- ngước lên nhìn anh với đôi mắt u tối:
-Thôi, thôi… cậu ơi! Nhà này không có thời gian mà nhìn ngắm tranh ảnh đâu?
-Anh chị không có thời gian để nhìn tranh ảnh, thì con cháu, bạn bè nữa chứ? – Anh cười, chị bắt con mắt cúi nhìn vàng bạc hoài, không cảm thấy chán sao?
Biết không thể làm lay chuyển được người chị khó tính, lại mê đếm tiền, Vĩnh uống vội hớp nước trà- xin cáo từ.
Vĩnh quyết định đến nhà một người bạn, hy vọng là anh ta sẽ mua giúp cho một hai tấm. Anh nhẩm tính, số tiền mua giúp tranh của anh, có khi còn ít thua một hai bữa nhậu ở nhà hàng của Phước.
Vợ Phước tiếp Vĩnh ở phòng khách, giọng niềm nở :
-Anh Vĩnh dùng loại nước gì?
-Chị cho một tách trà…
-Anh kiêng rượu, bia rồi à?
-Có kiêng cữ gì đâu- nhưng cũng nên bỏ dần…
Vĩnh chậm chạp bật quẹt, châm một điếu thuốc- cố gắng chờ người bạn về. Anh đưa mắt nhìn lơ đãng lên vách…
-Anh cần gặp anh Phước có việc gì không ạ?- Vợ người bạn đột ngột hỏi.
-Cũng có chút việc– Vĩnh thở khói, thoáng nhìn người đàn bà đầy son phấn, nữ trang.
Vợ người bạn nói– giọng buồn buồn: “Anh Phước ít khi dùng cơm tối ở nhà lắm, có đêm quá 11 giờ mới gọi cửa!”.
Im lặng một lát.
Vợ Phước nói: “Hay là anh Vĩnh cho em biết, em sẽ nói lại– ngày mai anh Phước sẽ ghé thăm anh?”.
-Vậy cũng được– Vĩnh thở dài, nhờ chị trao đổi lại với anh Phước, tôi cần bán vài tấm tranh, nhờ anh ấy mua giúp cho Công ty…
Đã hai ngày qua, không thấy Phước ghé lại– Vĩnh đoán biết được chuyện gì đã xảy ra. Anh bỗng cảm thấy hối hận, lẫn chút chua xót. Giống như ông bạn nhà thơ láng giềng mấy năm trước, vì sửa lại ngôi nhà mà phải bán đi cả tủ sách quý mà ông đã sưu tầm, gìn giữ hơn mấy chục năm.
Vĩnh tự biết, ngoài số tranh anh còn lưu giữ từ nhiều năm nay, không có gì đáng giá có thể bán được. Bất chợt, anh đứng bật dậy, bước vội vào phòng – mang ra chiếc xách tay màu đen: Chiếc máy ảnh năm dự triển lãm tranh ở Pháp, một người bạn đã tặng cho anh vẫn còn mới nguyên. Hai bộ ống kính chụp xa. Một bộ đèn Flash. Vĩnh nghĩ: “Những thứ này có lẽ sẽ dễ bán hơn…”.
Không mang đến cửa hàng mua bán máy ảnh, vì anh thừa hiểu – họ chỉ mua lại với giá rẻ mạt, để rồi bán ra, với giá cắt cổ! Vĩnh vội vã đến nhà Bình.
Gặp vợ Bình - anh dò hỏi:
-Có Bình ở nhà không chị?
-Có mà cũng như không – Vợ Bình cười .
-Sao lạ vậy?
-Ông ấy say khướt, nằm li bì rồi!
Vĩnh nói ngay ý định nhờ Bình mua giúp chiếc máy ảnh, cả đồ phụ tùng, sẽ để lại cho Bình sử dụng, không nói đến chuyện giá cả!
-Sao? Chị có giúp tôi được không?
Vợ Bình không trả lời, kéo hộc tủ lấy ra một tấm giấy chằng chịt những số: “Đây này, anh xem, tôi phải đi vay thêm hơn năm trăm triệu cho thằng con thành lập Công ty…”.
-Tôi có thể vay lại của chị một ít, chừng năm, mười triệu– được không?
-Không được đâu! Vợ Bình kêu lên, tôi còn thiếu cơ mà…
Ra về, Vĩnh thầm nghĩ: “Đồng tiền, ai ai cũng có nỗi khổ vì nó cả!”.

Hơn một tuần lễ rồi không còn nơi nào có thể tìm đến được nữa– Vĩnh ngồi nhìn Diệu Nguyên tẩn mẩn chuẩn bị gói xách để vào Saigon thăm con ; lòng cảm thấy xốn xang buồn. Đang phụ với Diệu Nguyên nàng buột mấy thùng đồ; bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Vĩnh quay lại: “Ai nhỉ?”- và đứng dậy, đến mở chốt cửa.
-Chào ông bà! – Người đàn ông trạc gần năm mươi tuổi lên tiếng.
Bên cạnh ông là người đàn bà dáng cao dong dỏng, trông quý phái.
Anh cố nhớ, nhưng không nghĩ ra – vui vẻ hỏi:
-Xin lỗi, anh chị tìm nhà ai ?
-Có phải nhà của họa sĩ Lê Vĩnh không ạ?
-Thưa đúng; mời anh chị vào…
Khi hai người đã ngồi yên vào bàn, nhận tách trà từ tay Diệu Nguyên– hai vợ chồng người khách lạ thay nhau nói rõ ý định của họ: Họ là người đã định cư ở Canada, về quê đón Tết, nhân dịp đến thị xã thăm gia đình người cậu đang là giảng viên trường Sư phạm; muốn tìm mua vài món quà lưu niệm, được người cậu giới thiệu đến đây…
Vĩnh ngước nhìn lướt qua mấy tấm tranh treo ở vách – giọng thân tình:
-Vậy là anh chị muốn mua tranh– anh cười, những bức treo ở đây, anh chị thích tấm nào?
Người vợ thành thật: “Chúng tôi là tay ngang, xin ông chọn giúp có được không ạ?”
-Xin tùy ông chọn cho tấm nào, chúng tôi cũng đều vui lòng cả– Người chồng tiếp lời vợ.
Vĩnh im lặng. Diệu Nguyên nhìn chồng: “Anh chị đây đã tin tưởng nói vậy, anh cứ tự do chọn giúp đi!”.
Vĩnh bỏ điếu thuốc đang hút giở vào cái gạt– đứng dậy, đến trước bức tranh “Hoàng hôn ở chùa Thiền Lâm” – giọng dứt khoát: “Tôi sẽ chọn giúp anh chị bức tranh sơn dầu này!”. Trở lại chỗ ngồi, anh chậm rãi kể lại những kỷ niệm không bao giờ quên ở ngôi chùa ngoại ô thị xã này. Chính ở đây, anh đã gặp Diệu Nguyên giản dị, trong sáng trong chiếc áo dài rộng màu xám. –“Nó là một phần đời sống của tôi!” – Anh nói như với chính mình.
-Thưa ông, là bao nhiêu ạ? – Người vợ nhỏ nhẹ hỏi.
-Tôi không biết giá- chưa bao giờ nghĩ đến giá, vì tôi không có ý định xa nó… Nhưng- Vĩnh hít một hơi thuốc, trước đây đã có người hỏi mua với giá năm triệu…
-Thế chúng tôi xin được gửi ông bà giá gấp đôi – được chứ ạ? – Người chồng tiếp lời; giọng sốt sắn.
Ngoài bức tranh ấy, vợ chồng người khách cùng đồng ý chọn thêm bức “Trầm Tư”…
Lúc đưa hai vợ chồng người khách lạ lên xe, nhận tấm danh thiếp từ tay người chồng- Vĩnh cầm thật chặt tay Diệu Nguyên: “Tất cả đều như thế cả em à- không có gì phải luyến tiếc…”





MANG VIÊN LONG

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

MỘT THỜI ĐỂ THƯƠNG YÊU Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG



MỘT THỜI ĐỂ THƯƠNG YÊU


Truyện Ngắn
MANG VIÊN LONG



Ăn chén cơm sáng vừa xong thì từ đầu cổng trại đã vang lên tiếng còi thật to, thật khỏe của gã sĩ quan quản trại có dáng người đẫm thấp rắn chắc của một nông dân chất phác- làm lay động khu rừng buổi sớm còn mờ sương Đã thành lệ, khi tiếng còi của ông vang lên giữa núi đồi yên vắng này như tiếng thét dõng dạc đầy uy quyền, thì tất cả đều biết rằng sẽ có chuyện gì quan trọng sắp xảy ra- và họ đều khẩn trương tập hop ngay-không ai được chễnh mảng. Kha đã vào hàng- im lặng- và nghĩ tới các tin đồn buổi chiều hôm qua được rỉ tai nhau rằng sắp dời trại đi nơi khác. Kha có thoáng nghe, nhưng không hề để ý, hay bàn tán rầm rì với gương mặt đầy lo lắng như những anh em khác. Có lẽ, vì không biết chuyên gì nữa để “ bàn tán” với nhau-nên họ thường ngồi tụ lại vài ba người, bàn tin này-tán chuyên kia , nhưng không được vượt ra ngoài khu trại đang bị giam hảm. Với Kha, biết thêm tin tức gì lúc này, cũng l có vẻ như một sự lố bịch, hài hước, hay vô ích! Ở đây-hay dời đi chốn nào- cũng vậy thôi. Cũng núi rừng vây hãm…
Đúng như tin đồn-gã sĩ quan trưởng trại đứng trước đám tù binh-ra lệnh: “ Hôm nay chúng ta dời khỏi khu trại tập trung này, để biên chế đến các trại quản lý của quân khu- để bắt đầu bước vào học tập cải tạo.. Tôi cho anh em 15 phút về lán thu xếp đồ đạc, tập họp lại khi nghe tiếng còi! “.
Mọi người chạy ùa trở về lán, vội vàng thu xếp những vật dụng lỉnh kỉnh vào xách tay, hay ba lô-hay trong bao bố chứa gạo xin được từ nhà bếp. Đa số bị dồn bắt từ các mặt trân Tây Nguyên, Duyên hải Trung phần được đưa về đây, ngoài bộ quân phục trên mình, không ai có gì.. Qua mấy tháng tập trung,có người được người thân biết tin lui tới thăm nuôi mang cho những chiếc lon Guigoze, lon sữa, hay bình đoong, cà mèn nhôm, chiếc mùng,vài bộ áo quần civil ; nhưng phần đông gia đình của những anh em gốc gác miền Nam, hay phía bắc-không ai biết dược tin tức, nên không tìm đến thăm được.Họ tự chế ra những vật dụng cho mình bằng những thứ gì nhật được trên đường đi khuân vác gạo, thực phẫm, hay ở những đống rác dọc đường.
Trong những chuyến đi chuyễn gạo, vác mì, hay làm nương gần đường liên huyện-họ đã tìm xin được những chiếc lon thiết cũ sét, những bao ny lông gói hàng, hay những cái chén đất nung về kì cọ chế biến để sử dụng hằng ngày như một vật bất ly thân. Kha thuộc nhóm người nhập trại tập trung sau cùng nên những vật dụng cá nhân đã được Khánh chuẩn bị chu đáo.
Hôm nhìn Khánh loay hoay với những thứ lỉnh kỉnh mỗi lúc một nhiều-Kha cười: “ Em làm như đi là đi biệt sao mà bắt anh mang nhiều thứ vậy? Chỉ vài tuần là anh sẽ về thôi mà-cán bộ tiếp nhận ở phường đã nói vậy rồi! “.-Khánh lặng yên-vẫn cứ điềm nhiên làm theo ý mình. Khi đã cột xong dây buộc ba lô căng phồng-nàng nhìn Kha đăm đắm: “ Anh chịu khó mang theo đi ! Lên ở trên núi rồi, khi cần thì anh biết tìm ở đâu? “. Và, quả vậy- khi mới nhập vào trại chưa được một tháng-Kha cảm thấy, những món Khánh bỏ vào ba lô, không có món nào thừa-ngay cả chai dầu Miên mà anh cứ nằng nặc đòi bỏ lại cho nàng, ngay cả hộp dựng kim chỉ, những hạt nút rời mà Kha nói đùa là “ Em muốn anh trở thành thợ may hay sao? “ Lên trại, chiếc ba lô của anh treo ở đầu lán nơi góc sạp nằm ngủ là “ địa chỉ” của cả lán mỗi khi họ có việc cần. Từ chiếc hộp dao cạo râu, ống nhựa đựng kim chỉ, cho đến những vỉ thuốc kháng sinh trị bá chứng..
Theo hàng 1, cả trại lũ lươt., thầm lặng, với túi xách lỉnh kỉnh mang xách luộm thuộm vượt qua khu rừng đèo dốc khe suối, tiến ra con lộ dẫn xuống huyện lỵ Minh Xuân. Dọc con dường, đã có 9 chiếc xe hàng nối đuôi nhau nằm chờ từ lúc nào. Theo lệnh của gã sĩ quan quản lý, từng nhóm lên xe-ngồi yên vị trí, để được kiễm diện lần cuối. Ngồi yên trên xe, điều Kha nhận ra đầu tiên là “ không khí “. Không khí ở đây-cách xa khu rừng chỉ vài cây số, nhưng nghe “ rất lạ”! Nó hình như nhẹ hơn, tươi, và mát mẻ hơn! Kha hít thở, thoải mái như chưa từng được hít thở, cho dầu anh chỉ mới được nhập trại tập trung non 3 tháng. Cái cảm giác này, khác lúc vào nhập trại-chỉ mới qua một ngày thôi-Kha đã cảm thấy da bụng mình dày lên. Da mặt cũng dày và nằng nặng. Toàn thân như được bao trùm cả một màn dày không khí u trầm, nặng nề! Cùng lúc, Kha cũng cảm thấy bước chân mình cũng không nhẹ nhàng như xưa nữa. Những anh em bị dồn về đây ngay từ ngày đầu, đã hơn 6 tháng-nên trông họ xanh mướt, da như bị căng phù, và đã có người đã nằm lại vì những cơn sốt ác tính quật ngã dễ dàng. Ba tháng đầu, ngày nào cũng vậy-sáng ra, là có lệnh “ công tác đột xuất”. Khi thì đi chôn 1 người. Có ngày đến 2 người. Chỉ bó túm người chết trong mãnh chiếu, áo quần của họ-rồi đào lấp sơ sài quanh sườn núi. Có một trường hợp- Kha nghe người bạn cùng lán nằm gần kề kể lại-khi người mẹ trẻ tuổi, dáng rất trí thức, từ trong Nam nghe tin con đang bị tập trung lặn lội ra thăm, thì được anh dẫn ra chỉ cho nấm mộ sỏi đá. Bà lặng người đi giây lâu, không khóc- như thầm thì với mình : “ Vậy là một giọt máu của mẹ đã đi vào hư vô! “.- rồi bà điềm nhiên xuống làng mua cổ quan, thuê người bốc mộ con-cũng lặng lẽ, không một giọt nước mắt!
Đoàn xe đã chạy xuống huyện lỵ Minh Xuân. Những đôi mắt hai bên dãy phố bàng hoàng nhìn theo. Những đôi mắt trong xe ngậm ngùi nhìn xuống. Xe chạy. Rẽ qua quộc lộ, thẳng hướng vè thị xã. Có người hiểu rõ vị trí địa lý của tình, đã xầm xì đoán ra nơi họ sẽ đến là một miền rừng núi của huyện lỵ Minh Sơn nằm dọc liên tình lộ với Darkto.
Khi xe chạy ngang qua đoạn đường dọc thị xã, Kha bỗng nhận ra Khánh đang chạy chiếc Yamaha xanh đuổi theo chiếc xe của anh. Vì khúc dường này đông người, xe cộ qua lại tù vùng quê lên thị xã băng ngang, nên xe chạy chậm hơn. Kha nhoài người ra vẫy tay gọi Khánh. Khánh nhận biết, gắng cho xe chạy áp sát vào xe của Kha: “ Anh sẽ di về đâu? “-“ Không biết!”-“ Em sẽ theo xe cho đến nơi anh dừng lại!”-“ Không được đâu! Em về đi!”-“ Không! Mặc em!”…
Chiếc xe Yamaha mầu xanh của Khánh đã bị che khuất sau đoàn xe nhưng mắt Kha vẫn cứ ngoái hướng xuôi theo đoàn xe dài nối đuôi nhau đang rầm rập chạy thổi bụi. bốc lên mù mịt hai bên đường. .Con đường dẫn lên huyện lỵ Minh Sơn đã bị bó phế từ nhiều năm trong chiến traanh nên trông gồ ghề, lở lói, thấp trũng nhiều chỗ như những vết thương trên thân thể gầy còm khô kiệt. Có lẽ tài xế có lệnh không được giảm vận tốc để đến địa điểm dúng giờ quy định nên vẫn cứ rú ga lao tới khiến cả bọn trên xe lắc lư bị nhồi lên dằn xuống ê ẩm cả người. Riêng Kha-anh vẫn đăm đăm nhìn ra ngoài cửa xe với nỗi thương cảm quặn thắt …
Khi đoàn xe vừa dừng nơi bãi đất trống cạnh bìa rừng là diểm tập kết để xe trở về lại thị xã, còn người thỉ được nghỉ ngơi đôi chút trước khi nhận cơm vắt ăn trưa để sau đó theo dường mòn vào trại đã được thông báo còn cách xa 5 cây số. thì xe Khánh chạy ào đến. Trông người và xe bạc thếch vì nắng và bui, nhưng trên gương mặt đắm đuối kiếm tìm kia- trong ánh mắt lạc loài thương cảm nọ, vẫn ngời lên một tình yêu thương da diết, son sắc không nguôi. Kha vội chạy đến “ báo cáo” cùng người du kích đang ngồi canh gác dưới gốc cây đầu đường mòn để được gặp người thân. Sau một lúc giải bày, nài nỉ- Kha cũng được phép đến gặp Khánh đang tần ngần đứng chờ bên một tản đá cao nắng gắt. Kha kéo Khánh đến một bui cây to, bóng mát đủ để che cho cả hai ngồi . Khánh nhìn Kha không chớp - nàng nhìn, im lặng- như muốn thu hút hình ảnh Kha vào tận trong tâm khảm mình--giọng ướt sũng: “ Anh có được khỏe không? “-Kha cầm lấy bàn tay Khánh-cúi nhìn, như thể để tìm kiếm một điều gì đã vuột mất: “ Hai hôm rồi anh không được khỏe! Hình như bị sốt…”-“ Mấy viên Fancida em gói theo cho anh, anh đã uống chưa? “ – “Chưa!”-“Sao anh không uống ngay đi? “” Anh đã cho người bạn rồi! “-“ Lúc nào trại thông báo cho thân nhân được thăm nuôi, em sẽ mang lên cho anh nhé?”- “ Vậy cũng được!”.
Kha giở vắt cơm ra, lấy chiếc muỗng cắt làm đôi-trao cho Khánh một nửa. Nàng lắt đầu: “ Anh ăn đi! Em không đói!”- Nàng chợt cười: “ Em muốn được nhìn anh ăn! “ Khánh nhớ đến hai ổ bánh mì mua vội dọc đường, và mấy bì lương khô-vội chạy đến xe-mang đến đặt trên tờ giáy báo trải trước mặt Kha: “ Anh ăn đi!”. Kha cầm một chiếc bánh lép xẹp- kéo tay Khánh, ấn vào: “ Trưa rồi, dọc đường không có gì ăn đâu, em ăn với anh nhé? “. Khánh nhìn đứng lên mặt Kha với tia nhìn dịu dàng:“ Anh ăn với em đi!”.
Tiếng còi bỗng vang lên-khu rừng lay dộng, tiếng gã sĩ quan áp tải ra lệnh tập hợp như thét-mọi người đã chui ra từ các bờ đá, lùm cây- đang sắp thành hàng mà Khánh vẫn còn nắm chặt lấy tay Kha .Nàng không muốn rời. Mọi người ngạc nhiên nhìn sững về phía hai người. Kha vội vàng đưa bàn tay Khánh lên môi-anh đã hôn lên bàn tay ấy thật lâu cho dầu đoàn người đã bắt đầu dược lệnh di chuyễn…



Sau gần hai tháng ổn định lán trại, và các sinh hoạt thường ngày để bước vào học tập-trại đã thông báo cho phép thân nhân đến thăm nuôi, nửa tháng một lần. Khánh đã kịp đến thăm Kha trong buổi sáng chủ nhật đầu tiên. Nhìn thấy Kha xanh mướt, phờ phạc-và có vẻ như lơ đễnh-Khánh xốn xang, gặn hỏi. Kha nhếch cười : “ Anh đang bị những cơn sốt hành hạ!”. Khánh cầm lấy bàn tay khô gầy của Kha- giọng lo lắng, phân vân :“ Trong gói quà vừa gởi cho anh-em đã có mua thêm thuốc sốt rét , thuốc bổ các loại, anh nhớ uống thường xuyên nhé? “.
- Rất may là bác sĩ Hải cùng lán của anh được biên chế làm trường trạm y tế, anh ấy săn sóc anh rất chu đâó, nhưng ngặt nỗi…-Kha bỏ lửng câu nói, thẩn thờ nhìn Khánh.
- Là… thế nào? Khánh bồn chồn.
- Không đủ diều kiện , em à! Kha buông thỏng, thở dài.
Anh móc từ túi áo ra một tấm giấy, mở ra nhìn, rồi chợt hỏi: “ Em xem mấy loại thuốc Hải ghi trong toa này, em có thể mua được không? “
Khánh rút tờ giấy từ tay Kha-liếc nhìn giây lâu-“ Không mua ở đây được, em sẽ vào Nha trang hay Saigon mà, anh!”. “ Em có đủ tiền để mua hết toa thuốc này không? “ -Khánh không trả lời câu hỏi của Kha- đôi mắt nàng chợt sáng lên-“ Em sẽ xin giấy giới thiệu của địa phương, đến xin phép trại được ở lại săn sóc cho anh. Làm được gì cho anh, em cũng sẽ làm cho dù phải chết!” .”.Khánh thì thầm trong tia nhìn đắm đuối : “ Đời em chỉ có anh thôi! Mất anh, em còn sống làm gì nữa trên cõi dời này? “
- Không được đâu, Khánh à! Kha đăm đăm nhìn Khánh-Em ở lại không tiện mà, vã lại còn bé Tâm…Anh lo lắm!
- Em đã gởi bé Tâm cho ông bà ngoài từ lâu rồi!- nàng bỗng cười-con bé thích ở với ông bà hơn nhà mình…
Sau hơn một giờ quy định cho thăm nuôi đã hết mà Kha vẫn chưa thuyết phục được Khánh từ bỏ ý định lên ở lại trại để chăm sóc cho anh. Trong đầu anh ẩn hiện bao chuyện khó khổ, phiền lụy mà Khánh không thể chịu đựng nổi khi phải chung sống ở đây với núi rừng khắc nghiệt…
Nhưng Khánh đã xin lên ở lại bên Kha khi nhận dược tin của bác sĩ Hải cho biết Kha đã nằm mê man gần nửa tháng nay, đang chống chọi từng ngày với những cơn sốt ác tính ngày càng nặng và sự suy kiệt trầm trọng.. Hải cho biết, anh đã cố gắng hết sức để cứu sống Kha, nhưng Kha vẫn nằm im, bất động-đến nỗi, lưng anh đang bắt đầu bị thâm lỡ .Trong bức thư ngắn nhờ người thăm nuôi chuyễn giúp-Hải viết: “ (…) Trong những cơn sốt cao, Kha rất tỉnh táo gọi tên “ Khánh ơi!..”-sau đó mê sản nhắc kể lại mọi chuyên, nói cười sang sảng như đang chuyện trò với người mình yêu vậy-anh rất đau lòng nhưng không thể làm gì được! “ .
Khánh đã ở bên Kha để săn sóc cho anh đến hơn một tuần, Kha mới mở mắt tỉnh táo nhận ra. Anh chỉ nhìn, rồi khép đôi mắt lại- nhưng những hạt nước mắt sau đó ứa ra long lanh như những giọt máu. Khánh đã mang lên trại không những đầy đủ những gì Hải dăn, mà còn chuẩn bị thêm rất nhiều vật dụng để săn sóc vết thương bị lở ở lưng của Kha, chăn màn thay đổi, áo quần , và cả những cục xà phòng Dove quý hiếm còn lại để dành tắm cho bé Tâm mỗi ngày.
Khi Hải đã chuyền xong đến bình rerium thứ 3, Kha có thể tự ngồi dậy, không cần Khánh nâng đõ như mọi ngày nữa. Anh ngồi dựa lưng lên vách nang tre nhìn bâng quơ ra sân trại, quang cảnh núi rừng, với đôi mắt ngỡ ngàng, xa lạ-và đượm buồn. Khánh không dấu được niềm vui đang nẩy mầm xanh lại trong tâm hồn mình-luôn cười nói mơ ước về một ngày mai Kha được trở về…Kha lằng nghe, mà lòng vẫn nao nao buồn: “ Anh cám ơn em ,Khánh ạ!”-“ Anh lại nói nhảm gì vậy? “ – Nàng cười :” Bác sĩ Hải đã cam đoan với em là anh đã qua khỏi hẳn rồi-đâu còn mê sản nữa ?” – “ Cám ơn em đã yêu thương anh đến vậy!”- “ Trong tình yêu, làm gì có sự hàm ơn hả anh?”- Khánh nhìn thoáng lên dãi nắng chiều vàng vọt trên vạt sân cỏ giữa trại-giọng mơ hồ: “ Cuộc đời này, rút lại-chỉ còn tình yêu thương thôi anh ạ!”-Nàng mỉm cười: “ Chúng ta đã sống cho nhau như vậy, mà anh? “.
Khánh đã hết hạn được phép ở lại trai..
Buổi sáng cuối cùng nàng đã cùng Kha đi dạo quanh lán khi mọi người đã được phân công từng toán đi công tác ngoài nương rẫy, hay đốn cây, chặt tre trong rừng – Kha nói: “ Em gắng săn sóc bé Tâm em nhé? “
- Vắng anh, bé Tâm là số một mà!-Khánh cười dòn-ngước lên nhìn Kha-nhưng anh cũng phải bảo trọng nhé?
- Tất nhiên rồi-Kha quay lại nhìn đứng lên gương mặt xanh xao sau bao ngày không ngủ của Khánh-anh không thể làm khổ em thêm nữa!
- Anh đừng nghĩ vậy-nàng lườm Kha âu yếm-em rất hạnh phúc được ở bên anh mà…




Trở lại nhà được một tuần thì Khánh cảm thấy người bị sốt-cơn sốt
váng vất kèm theo cơn nhức đầu . Theo dõi, nàng thấy cơn sốt cao điểm vào đầu giò buổi chiều kéo dài khoảng hai giờ. Khánh nghĩ, có lẽ cơ thể bị suy nhược vì những đêm khó ngủ ở chốn rừng núi xa lạ, cọng với nỗi lo buồn thấp thỏm theo từng cơn sốt mê sảng của Kha-nên nhờ y tá chuyền cho bình đam. trộn với vài loại thuốc bổ. Nhưng cơn sốt quái ác không lùi bước, mà ngày mỗi đến-liên tục, và kéo dài nặng nề hơn.
Ngày Khánh được cha chở đến bệnh viện thì nàng đã bị mê sảng-cười nói lảm nhảm như một người mất trí. Nàng gầy đét, và xanh xao như người bị bệnh lâu ngày. Bệnh viện không có thuốc đăc trị dành cho bệnh nhân thường dân bị sốt ác tính nên ngoài những viên thuốc giảm nhiệt, hạ sốt thông thường-là vài loại vitamine mói dược sản xuất từ các cơ sở quốc doanh.
Khánh vẫn nằm im-bất đông, hai mắt nhắm nghiền- hơi thở thoi thóp, nặng nhọc.
Chỉ có người cha đã trên sáu mươi ngày đêm ngồi bên giường Khánh với chiếc quạt giấy phe phẩy.
Sau đúng ba ngày- kể từ lúc nhập viện-trong một cơn sốt cao kèm theo co giật-Khánh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc nửa đêm. Đó là ngày Mồng 4 tháng 6 năm 1977…


MANG VIÊN LONG

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

ĐÊM GẶP MẶT CUỐI NĂM CỦA CUONGDEQUINHON WEBSITE


ĐÊM GẶP MẶT CUỐI NĂM 2010
Cươngdequynhon Website

M Ộ T Đ Ê M T H Ú V Ị . . .

Tạp Bút
Mang Viên Long



Trưa ngày 28 tháng 12 / 2010- “ Anh Sáu Quinhon “ từ Saigon gọi ra báo tin về đêm gặp gỡ cùng quý thân hữu của trang cuongdequinhon, và mời tôi cố gắng tham dự …Nghe nói-đã thấy vui, nhưng ngặt nỗi từ An Nhơn lái honda chạy xuống Quinhơn, rồi chạy về trong đêm mưa lất phất-nhất là cái lạnh vẫn còn rần rật đất trời-tôi hơi do dự.
Về đến Qui Nhơn, “ anh Sáu” lại gọi, nhắc nhở. Sống trong cái thị trần buồn hiu này-nhất là về đêm mới 9 giờ đã vắng hoe, tôi rất thích được “rong chơi” cùng quý bạn cuơngde thân yêu ngày nào-nhất là được gặp măt quý bạn văn mà bấy lâu chỉ được “ văn kỳ thanh” mà “ bất kiến kỳ hình”-nên tôi đã “mời ” nhà giáo-nhà thơ Phạm Văn Phương cùng đi cho đông vui. ( xin mở ngoặc nói thêm một chút : PVP rất dễ thương, thơ hay-mà rất chí tình-đi đâu tôi và P cũng đều cùng đi-như bóng với hình)..
Khởi hành từ An Nhơn vào lúc 5 giờ 30-PVP làm tài lái xe chở tôi. Trước, N Q Hiển (anh Sáu quinhon-đó mà)-ngườii chủ trưong, chăm sóc-nuôi dưỡng cuongdequinhon sắp đạt 1 triệu luợt người xem trong thời gian chưa tròn năm- đã nhắc là đúng 7giò 30 sẽ bắt đầu. Trên đường về gần đến Qui Nhơn, Hiển gọi thông báo tiếp “ dịa điểm” buổi sinh hoạt “ bỏ túi” là Quán Café Gia Nguyễn, 54-An Duơng Vương..
Chúng tôi là người có mặt sớm nhất từ lúc 7 giò. Sau đó một chút, NQ Hiển lò dò đến. Hiển gọi tiếp cho vài người bạn văn, thân hữu để mời dự-và nhắc nhở qúy vị đã được thông báo trước. Nhà Thơ Trần Viết Dũng từ Tây Sơn cùng phu nhân đến Qui Nhơn sớm. nhưng còn “ chạy lòng vòng/ nhắc nhở- triệu tập thêm ” quý “ bông hoa biết nói ” của buổi gặp gỡ ( cũng là của cuongdequinhơn.com.)
Đúng 7 giờ 45-hầu như căn phòng dành riêng cho cuộc tao ngộ cuối năm đã được sum họp đầy đủ. Dù bên ngoài trời vẫn se lạnh, nhưng trong căn phòng xinh xắn, trang nhã của Gia Nguyễn ( mà chủ nhân chính là người thơ Lâm Cẩm Ái – biệt danh “ bà giakhoua “ đó mà) dành cho Cuongdequinhon thật ấm áp , rộn rã tiếng nói cười.
Tôi được gặp lại các bạn văn ở Qui nhơn như : Huỳnh Kim Bửu, Trần Quang Khanh, Nguyễn Huy, Nguyến Đính Sinh, Nguyễn Hữu Thuần, Nguyễn Thanh Xuân, Trần Hà Nam, Quốc Tuyên…
MC Trần Viết Dũng giới thiệu “ những bông hoa “ của buổi gặp gỡ ( cùng nick-name trên cuongdequinhon)-gồm có : Huỳnh Mộng Vân ( Tư Nhiều Chiện )/ Đào Thanh Hòa ( Sút Cùi Bắp )/ Trần KimThanh ( Phàn Lê Huê)/ Lâm Cẩm Ái (Bà Già Khó Ưa )/ Diệp Kim Chi ( My Cay )Thu Thủy (Măng Non)/ Đoàn Kim Thanh/ Thanh Hiền ( Ankhê) / Diễm Kiều…
Quý Bạn : Ngô Quang Dũng ( Tú Tàng)/ Trần Cát Lâm/ (…)
Có một điều tôi hơi “ thắc mắc” và hỏi nhỏ cùng Sáu Quinhon rằng-“Tại sao các bông hoa biết nói xinh đẹp-thơ hay thế kia, mà lại “ chọn” biệt danh…” ấn tuợng” vậy? “.Anh Sáu chỉ cuời.
Sau lời giới thiếu đầy tính “ nghệ sĩ “ ( và hào hoa ) của MC Trần Viết Dũng- Anh Sáu Quinhon dược mời để “ có đôi lời tâm tình cùng thân hữu cuongdequinhon nhân đêm gặp mặt cuốii năm 2010-chờ đón năm mới 2011”. Anh Sáu tường trình sơ luợt quá trình phát triển, nuôi duỡng, đi lên của cuongdequinhon-phần lớn là nhờ vào sự cọng tác nhiệt tình của anh chị em cầm bút -quý thân hữu trong và ngoài nước. Trong vài ngày đến, số lượt người truy cập sẽ lên con số tròn 1 triệu! Ngày ấy-cuongdequinhon sẽ tổ chức một đêm sinh hoạt chia vui!
Được MC “ lưu ý” gọi tên, tôi cũng đã bày tỏ đôi điều về nội dung cuongdequinhon, sự phát triển nhanh chóng rất đáng trân trọng-mà người “ cầm trịch “ chịu khó nhất là anh Sáu Quinhon- bày tỏ tình cảm hân hoan được gặp mặt quý thân hữu mà trước đây chỉ biết qua bài viết , các comments và ống a lô…
Anh Sáu đã thay mặt tất cả- gởi lời chúc mừng Năm Mới đến quý thân hữu và gia đình, và “ mở nắp lon Heiniken” để bắt đầu cho cuộc chuyện trò rôm rả, và các tiết mục văn nghệ “ cây nhà lá vườn” rất hấp dẫn và vui nhộn. Các “ ca sĩ cây nhà ” như Trần Viết Dũng, Trần Kim Thanh, Kim Chi, Nguyễn Hữu Thuần, Quốc Tuyên, Thu Thủy, Lâm Cẩm Ai (…) lần lượt trình bày các ca khúc thời danh của Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, (…) được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng, khen tặng. Hóa ra, các nhà văn-nhà thơ- nhà giáo -nhạc sĩ ấy, còn là “ ca sĩ dấu nghê “ nữa! Tôi cũng đã “ tranh thủ ” đến gặp từng bạn văn để dược cụng ly thật sự ( trước đây chúng tôi chỉ “cụng ly từ xa” thôi !). Lúc này-số người đến tham dự đã lên đến con số trên 40 người!
Đang xen giữa các tiết mục “ ngâm thơ/ ca hát”-là phát biểu của quý thân hữu đã từng nặng lòng với cuongdequinhon như Huỳnh Kim Bửu, Trấn Quang Khanh, Trần Hà Nam, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Huy, Nguyễn Hữu Thuần, Nguyễn Đính Sinh…Tất cả đều tỏ ra rất phấn khởi trước sự phát triển phong phú, năng động, của cuongdequinhon. Cùng tin tưởng và hy vọng, trong tuơng lai không xa cuongdequinhon sẽ là tiếng nói chung không những của cựu học sinh cuơngde, mà là của học sinh Bình Định- của tuổi trẻ khắp nơi-trong và ngoài nước…
Trước khi các giọng ca “ cây nhà “ tiếp tục “ lên sân khấu theo lời quyến dụ của MC “. Ánh Sáu Quinhon dành mấy phút giới thiệu quả bánh kem “ Mừng Năm Mới Cuongdequinhon” của ba thân hữu kỳ cựu của cuongdequinhon từ phương xa gởi về chia sẻ cùng anh em niềm vui cuối năm ở quê nhà. Đó là “ ba chàng ngự Lâm Pháo Thủ” : Hoài Văn/ Mỹ Thắng/ và Tạ Chí Thân . Tuy tôi không ở lại đến phút cuối để được ăn bánh kem ( và Heiniken. chả cá/ món chiên xào, trái cây, bánh kẹo còn nhiều)-nhưng chỉ nhìn- tôi cũng đã cảm nhận được niềm vui dào dạt từ những tấm chân tình góp lại từ phương xa, luôn hướng về Quê Nhà và bằng hữu -thật đáng trân trọng và tự hào!
Tôi và PVP đã xin phép tất cả dược chia tay sớm, bởi đường về “ mưa đang giăng giăng -tối thui và lạnh lẽo”. Rời khỏi căn phóng ấm áp ấy, mà lòng tôi vẫn còn rộn ràng bao xúc cảm- vừa ngậm ngùi, vừa hân hoan. Tôi thầm nghĩ : “ Thêm một đêm thú vị hiếm có trong đời! Thêm một kỷ niệm tuyệt vời trong cuộc sống gian truân ! Xin cám ơn nghĩa tình Cuongdequinhon !”

AnNhơn đêm 01 tháng 01 /2011

MANG VIÊN LONG

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

CHÚC MỮNG NĂM MỚI & THƠ XUÂN Trần Trung Đạo & Trần Mộng Tú




NĂM MỚI 2011 ĐANG ĐẾN


CHÂN THÀNH CẦU CHÚC:

Q u ý T h â n H ữ u & B a n Đ ọ c


@ THÂN TÂM AN LẠC

@ VẠN SỰ KIẾT TƯỜNG NHỦ Ý

M a n g V i ê n L o n g



Nhân ngày đầu năm mới, Nhà Giáo-Nhà Nghiên Cứu Văn Học
Nguyễn Nam Sơn có gởi cho 2 bài thơ năm mới & xuân của Nhà
Thơ Trần Trung Đạo/ Trần Mộng Tú...
Xin chân thành cám ơn & Chia sẻ cùng Bạn Đọc...
MVL


Trần Trung Đạo

Xuân Đất Khách


Ai có về bên kia đất nước

Thở dùm tôi hơi ấm quê hương

Tôi, con én lạc mùa xuân trước

Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương


Vẫn đếm xuân về trên đất khách

Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi

Ðèn ai thắp sáng bên kia phố

Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười


Bếp lửa than hồng sao chẳng ấm

Tôi thèm một chiếc bánh chưng xanh

Thèm nghe ai nói lời tha thiết

Một lời chúc tụng bước sang năm


Ai có về bên kia đất nước

Chở dùm tôi nỗi nhớ qua sông

Hỡi em, cô gái mùa xuân trước

Còn đứng hong khô áo lụa hồng


Lòng tôi cũng bạc theo màu áo

Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi

Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống

Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.

TRẦN TRUNG ĐẠO

...................................................................................


Trần Mộng Tú


Thanh Xuân


Giao thừa ta độc ẩm

Tiễn bước thời gian đi

Ly đầy rồi ly cạn

Nào có nghĩa lý gì


Một ly cho cuộc đời

Ôi cuộc đời đáng nản

Một ly cho trái tim

Ôi trái tim lãng mạn


Một ly cho bàn tay

Bàn tay không đeo nhẫn

Một ly cho thanh xuân

Thanh xuân không bất tận


Ly đầy rồi ly cạn

Ta đã thực say chưa

Ôi làm thân con gái

Ai ướp men bao giờ


Ly đầy rồi ly cạn

Ta đang khóc phải không

Ôi làm thân con gái

Mà độc ẩm đêm xuân


Ngoài trời ngọn đông phong

Ta đốt vội nến hồng

Trong gương ta bắt gặp

Giọt lệ của thanh xuân

Trần Mộng Tú