Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

CUỐI NĂM NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN VĂN: Nhà Biên Khảo-Nghiên Cứu NGUYỄN PHU




CUỐI NĂM NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN VĂN:

Nhà Biên Khảo-Nghiên Cứu NGUYỄN PHU

Bài Viết MANG VIÊN LONG

Nhà Biên Khảo-Nghiên Cứu Nguyễn Phu ( ngồi bên trái)
và Mang Viên Long (ảnh chụp năm 1996)

Tôi được biết anh hơi muộn- tháng 3.1994 -Anh lớn hơn tôi hơn một giáp (sinh 1928 – Mậu Thìn) và sinh hoạt trong lãnh vực khác (trước 1975) – nên duyên gặp gỡ phải chờ đến lúc anh về làm rể nhà phía vợ tôi mới “hội ngộ”.
Tôi kính trọng anh, trước hết, anh là một người trí thức mẫu mực, một đời sống thuần thiện có ích, và sau cùng là sức làm việc cần mẫn, chăm chỉ, như đàn ong cho mật.
Ở vào tuổi trên 60, anh vẫn luôn theo dõi mọi biến động (trong và ngoài nước) qua sách báo, các phương tiện thông tin hằng ngày – và luôn ghi chép lại các dữ liệu sự kiện mà anh cho là quan trọng trong một quyển sổ dày. Hằng tuần, đều đi đến các nhà sách, chọn mua những tác phẩm mới – trong mọi lãnh vực, từ văn học, y học, lịch sử, tôn giáo… Về nghiền ngẫm, hoc hỏi. Bởi vậy, tủ sách của anh thật đồ sộ, đầy ắp những tác phẩm giá trị (cả các tác phẩm cũ và mới). Ngoài việc đọc- trong một khoảng thời gian được ấn định mỗi ngày; anh dùng nhiều thời gian hơn cho việc trước tác. Trước, tôi thấy anh dùng máy chữ hiệu Olympia – nhưng về sau, sử dụng vi tính. Anh viết trên máy hầu hết các tác phẩm của anh…
Thỉnh thoảng có dịp vào Sài Gòn thăm con (và sau này có thêm cháu ngoại) – tôi luôn được trò chuyện với anh – nhất là chuyện sáng tác, Văn học…một cách rất tâm đắc. Anh có một trí nhớ tuyệt vời, và nhất là có một bề dày kinh nghiệm kinh qua hai cuộc chiến tranh, cùng cuộc đời có nhiều thăng trầm, biến động. Bên cạnh hai tính chất hiếm có ấy – anh còn có một tâm hồn nhạy cảm, thuần thiện, rộng mở… Ước vọng duy nhất của anh cho Quê hương đã được anh yêu quý trân trọng đăt cho hai người con trai : Hòa và Bình. Hòa Bình . Vâng, chiến tranh đã tàn phá đất nước và con người – thiêu cháy mọi ước mơ, tương lai của nhiều thế hệ…
Vào những dịp đến thăm anh và gia đình, tôi luôn được anh cho đọc các bản thảo đã viết, những bản thảo đã hoàn tất chuẩn bị xuất bản. Có lần, tôi đã đích thân mang tác phẩm của anh đến NXB Trẻ- Tp HCM để xin giấy phép. Cùng anh đến thăm TS. Mạc Đường để nhờ ông viết “đôi lời giới thiệu” cho tập “Tìm Hiểu Nhân Vật Bình Định” (XB năm 2002). (Nhân đây, tôi cũng xin được ngỏ lời biết ơn Nhà Văn Đào Hiếu – Nhà XB Trẻ – luôn trợ giúp cho tác phẩm của anh sớm được giới thiệu). Có thể nói, tôi đã “có duyên” được đọc trước hầu hết các bản thảo của anh, đã được anh tin tưởng gửi tặng các tác phẩm chưa xuất bản (di cảo) đã hoàn tất bản vi tính. Gần đây nhất, tháng 11.2005, tôi ghé thăm anh, được anh cho xem tập sách “Những Vị Tiến Sĩ Ở Bình Định” đã xong, chờ bổ túc và giấy phép (viết chung với Nguyễn Thiều). Chính anh và người vợ kế (chị Huỳnh Thị Kim Cúc) thực hiện vi tính…
Ở vào tuổi trên (70 xưa nay hiếm), nhưng sức sáng tác của anh thật dồi dào, thật cần mẫn và đều đặn. Dường như lần nào có dịp vào Gài Gòn ghé thăm anh, tôi cũng được gửi tặng thêm bản thảo mới. Anh sống rất điều độ, theo một thời khóa – nên trông anh đầy đặn và khỏe mạnh như người 60. Tuy vậy, anh đang có bệnh về tim mạch và huyết áp cao. Qua điện thoại, khi hỏi thăm sức khỏe, anh thường cho biết “tôi thường bị nghẹn, khó thở, nhưng không sao đâu”.
Ngoài cái tình của một bạn văn, cái nghĩa “cột chèo” – tôi coi anh như một người anh cả. Các con tôi đều gọi anh là “Bác”. Ở quê, xa các con, anh đã thay tôi góp ý, khuyên răn chúng về việc học tập, về sự quan hệ xã hội, và việc chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai mỗi khi cần thiết. Tôi đã chịu ơn anh rất nhiều.
4g 10 phút sáng 25.12.2005 (cũng là 25.11At Dậu) Hoàng Nhật – con gái tôi, gọi điện về nhà: “Bác Phu bị nhồi máu cơ tim, mất rồi ba ơi!”.
Sau phút bàng hoàng, sửng sốt- tôi nói “Ba sẽ vào sáng nay…” – “Ba nhớ mua vé tàu, đừng đi xe đò…”.
7g con trai út của tôi lại gọi : “Chuẩn bị đưa bác về Qui Nhơn rồi, ba đón bác ở nhà anh Bình!”. Tiếp đến là điện thoại của thầy Nguyễn Thiều. Ông chỉ nói được mấy câu : “Chú ấy có trí nhớ tốt quá, thông minh quá- thật tiếc quá!” 17g tôi có mặt nhà người con trai thứ 2 của anh ở đường THĐ. Chờ đợi gặp lại anh.
Quá 18g 30’ – người nhà liên lạc bằng điện thoại di động, biết xe bị hỏng ở dốc Qui Hòa –còn cách QN hơn 10 km. Người nhà vội cho xe vào đón, thì có tin xe lại bắt đầu tiếp tục chuyển bánh…
20g kém 15’, xe cấp cứu của BV Chợ Rẫy chở anh và những người thân rú còi tấp vào lề đường. Những người thân của anh và tôi đã chờ sẵn, đưa anh vào nhà. Anh đã trở về trên chiếc băng ca lạnh lẽo. 21g 30’ thi thể anh đã được tẩm liệm, đưa vào quan tài, và nắp quan đã được thợ khâm liệm đóng kín. Anh nằm yên trong ấy. Một mình. Tôi giở nắm tấm gương, nhìn lại gương mặt anh lần cuối cùng…
10g 30’ ngày 26.12 , người con trai trưởng nam của anh ở nước ngoài đã về đến Sài Gòn. Ngay đêm 26.12 đã có mặt ở Quy Nhơn để buổi sáng 27.12 làm lễ thành phục.
14g ngày 27.12.05 (tức 27.11 âl) lễ di quan bắt đầu. Đứa con trai của Bình – cháu nội anh, trong bộ tang phục, ôm di ảnh của anh từng bước đưa anh đi. Nhìn người cháu nội mà anh rất mực thương yêu mới vừa bước vào năm đầu đại học; ngậm ngùi thương tiếc tiễn anh ra đi – tôi không giữ được những giọt nước mắt. Anh vẫn thường trở về và ra đi – nhưng lần này, thì tất cả đã vĩnh viễn mất anh rồi!
Tôi theo xe tiễn đưa anh vào tận nghĩa trang thành phố – nơi đã có “sanh phần” của anh đã chọn trước từ lâu – và đã ném xuống mộ anh một nắm đất như đưa tay nắm tay anh lần cuối cùng.
“Anh đi yên lành nhé!” – Tôi thầm nhủ, và nghĩ rằng, rồi tất cả sẽ có những chuyến đi ngàn thu lặng lẽ như thế… Phải không, thưa anh?
Xin phép anh được trích “Đôi Lời Tâm Sự” của anh (trong tập “Mảnh đất- Tình Người” tập Ba, 2004 – chưa xuất bản) – để được giới thiệu thêm đôi điều về anh với tất cả :
“Tôi sinh năm 1928 (Mậu Thìn)- tính đến năm nay 2004 (Giáp Thân) là 77 tuổi mẹ sinh. Từ đó đến nay tôi đã biên khảo, viết văn, làm thơ, với bút hiệu : Đoàn Nguyên, Đoàn Nguyên Phúc, Trường Thiên như sau :
Năm 1950 – 1952 (nghỉ cầm bút vì sinh kế)
Năm 1964 – 1968 (nghỉ cầm bút vì sinh kế)
Năm 1975 đến nay, vì tuổi già không có công việc gì làm ra tiền, chỉ tham gia công tác Hội.
Như vậy, tôi đã lao vào công việc biên khảo, viết văn, làm thơ trong thời gian hơn 30 năm không liên tục.
Nay tôi tuổi già sức yếu, lại có bệnh huyết áp cao, tay cầm bút bắt đầu khó khăn, chỉ còn dùng được máy vi tính để viết.
Nhưng rủi thay hai con mắt bị cườm ở tuổi già xem đọc rất khó, không dám mổ vì huyết áp cao. Thôi đành vậy.
Đôi lời thành thật .
Kính mong bà con cô bác thân hữu dồi dào sức khỏe.
Tp HCM , ngày 12.9.2004
Nguyễn Phu "


MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét