Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

NGƯỜI KHÁCH KHÔNG MỜI Truyện Ngắn MANG VIÊN LONG




NGƯỜI KHÁCH KHÔNG MỜI




Truyện Ngắn
Mang Viên Long




Saigon những ngày gần cuối năm trông sôi động và vội vã đến choáng ngợp. Ngày thường, Saigon đã nhộn nhịp, tất bật, nườm nượp người xe- những ngày bước vào tháng Chạp, lại như cơn sốt đang tăng dần nhiệt độ. Vĩnh vào Saigon lần này có rất nhiều lý do bất ngờ. Dường như xưa nay, những chuyến đi xa như thế, luôn luôn là một nỗi tình cờ với anh.
Ở Saigon, Vĩnh đã làm được mấy việc, trong gần một tuần lễ : Thăm hai con đang trọ học ở đây vì Tết này chúng không về quê được ; xuống Gò Vấp thăm gia đình một người bạn có cô em gái vừa mất đúng 49 ngày; đến Thiền viện Vạn Hạnh thăm người cháu gái đang tu học ở đó; ghé đường Lương Văn Sỹ thăm một người bạn thơ xứ Huế đã mấy bận lỗi hẹn…
Vĩnh nhớ lại còn một số địa chỉ cần ghé, vài việc cần làm trước ngày trở về, nhưng cảm thấy rất mệt khi ra đường. Sống ở quê– trong cái thị trấn bé nhỏ yên vắng ấy, anh không dễ thích nghi với sự ồn ào, hối hả đến xa lạ trong cái thành phố đã từng được xem là “hòn ngọc của Viễn Đông” này! Anh nằm ở nhà trọ của con, gọi điện đến thăm vài người bạn văn. Được tin anh đang có mặt ở Saigon, lại không có phương tiện di chuyển ngoài taxi và xe thồ – có vài người tìm đến rủ ra ngồi ở chiếc quán đầu hẻm – uống ly café, hay nhâm nhi vài chai Saigon để chuyện trò…
Lần nào cũng vậy, lúc ra đi, bước lên xe, trong đầu dự tính biết bao nhiêu việc ; nhưng vào đến nơi rồi – lại cảm thấy mệt mỏi và trống trải. Ra phố một mình, giữa rừng người xa lạ và chen chúc, là một nỗi khổ tâm– Vĩnh thường nghĩ thế. Cố gắng lắm, anh mới đi được vài nơi. Quãng đời lang bạt kỳ hồ của anh dường như đã dừng lại ở tuổi năm mươi. Bên cạnh sự lạc lõng ấy, chuyến vào Saigon lần này, anh lại có thêm nỗi buồn lo: Phải mua một chiếc xe gắn máy cho đứa con trai lớn đi thực tập sau hơn bốn năm còng lưng trên chiếc xe đạp đến giảng đường. Tiếp đến, bà chủ nhà trọ đòi lấy tiền cả năm mới chịu cho thuê theo giá cũ; nếu trả từng tháng như trước, thì phải tăng lên. Và vé tàu cho hai con về quê ăn Tết không mua được sau mấy bận lui tới chờ chực.
Theo ý mong muốn của hai con, Vĩnh sẽ thu xếp để Diệu Nguyên vào vui Tết với chúng vài hôm. Ngày Tết ở Saigon, những mảnh đời lưu lạc càng thêm lạc lõng, cô độc. Chắc là Diệu Nguyên không thể chịu được khi nghĩ đến hai anh em Nguyên Đạt phải nằm khoèo tiu nghỉu ở căn phòng trọ trống trải, vắng hoe!
Vĩnh nghĩ, cách thu xếp như vậy có lẽ sẽ dễ thực hiện hơn hết, nhưng tất cả đều phải có tiền. Vé vào và ra, mua lúc nào cũng có sẵn. Tàu xe lại rộng thênh. Nhẩm tính, Vĩnh biết là phải cần đến hơn mười triệu đồng. Với số tiền lớn này, anh cũng biết, gia đình chưa có thể có ngay một lúc…

Về đến nhà, Vĩnh nói ngay với vợ:
-Em phải vào Saigon ăn Tết với hai con…
Diệu Nguyên thoáng ngạc nhiên:
-Nhưng đào đâu cho ra tiền bây giờ? Em chỉ nghĩ đến khoản mua xe và gởi cho bà chủ nhà một nửa năm thôi – không tính đến chuyện mẹ con sẽ ăn Tết như thế nào…
Im lặng một lát, nàng nói:
-Nhà còn một ít tiền thôi nhưng để qua Tết còn lo cho con nhiều việc nữa…
Vĩnh ngồi vào chiếc ghế mây rộng, hai tay vịn vào thành ghế – giọng phân vân :
-Em nói một ít, nhưng là bao nhiêu?
-Khoảng ba triệu…
Vĩnh nhìn vợ, tình cảm vừa thương xót, vừa ray rức tràn về, xâm chiếm lấy anh. Từ ngày có đứa con đầu lòng, Diệu Nguyên đã từ bỏ dần các thói quen cũ; tằn tiện, dành dụm để lo cho cả nhà.
-Em vào Saigon với các con là một cách tiết kiệm – Vĩnh châm một điếu thuốc – sẽ đỡ tốn kém hơn, nhất là khoản tiền tàu xe…
Diệu Nguyên như chợt nhớ ra – nàng mỉm cười : “Còn anh thì sao?”.
-Anh sẽ ăn Tết một mình – Vĩnh gắng nở một nụ cười – anh sẽ làm đủ mọi “thủ tục” đầu năm như em đã làm: Cúng giao thừa, đi xuất hành, đến chùa lễ Phật, thăm mộ, và ở nhà tiếp khách…
Chiều hôm sau, Vĩnh đến thăm nhà người chị “con một cha khác mẹ” ở thị xã. Người ta thường nói “một lòng mẹ thì xa, một lòng cha thì gần” – nhưng với anh, đã bao năm nay, anh chưa hề được thấy người chị cùng họ kia “gần” với anh thêm chút nào. Nghe chị ấy vừa mua đất, cất một vila rộng lớn ở gần biển – Vĩnh muốn đến để dọ bán một vài bức tranh.
Nhìn căn phòng sang trọng được trang trí nội thất bằng vật liệu đắc tiền ; anh cười :
-Phòng khách này có lẽ chị nên treo vài bức tranh…
Người chị đang rót trà ra tách, bỗng dừng lại- ngước lên nhìn anh với đôi mắt u tối:
-Thôi, thôi… cậu ơi! Nhà này không có thời gian mà nhìn ngắm tranh ảnh đâu?
-Anh chị không có thời gian để nhìn tranh ảnh, thì con cháu, bạn bè nữa chứ? – Anh cười, chị bắt con mắt cúi nhìn vàng bạc hoài, không cảm thấy chán sao?
Biết không thể làm lay chuyển được người chị khó tính, lại mê đếm tiền, Vĩnh uống vội hớp nước trà- xin cáo từ.
Vĩnh quyết định đến nhà một người bạn, hy vọng là anh ta sẽ mua giúp cho một hai tấm. Anh nhẩm tính, số tiền mua giúp tranh của anh, có khi còn ít thua một hai bữa nhậu ở nhà hàng của Phước.
Vợ Phước tiếp Vĩnh ở phòng khách, giọng niềm nở :
-Anh Vĩnh dùng loại nước gì?
-Chị cho một tách trà…
-Anh kiêng rượu, bia rồi à?
-Có kiêng cữ gì đâu- nhưng cũng nên bỏ dần…
Vĩnh chậm chạp bật quẹt, châm một điếu thuốc- cố gắng chờ người bạn về. Anh đưa mắt nhìn lơ đãng lên vách…
-Anh cần gặp anh Phước có việc gì không ạ?- Vợ người bạn đột ngột hỏi.
-Cũng có chút việc– Vĩnh thở khói, thoáng nhìn người đàn bà đầy son phấn, nữ trang.
Vợ người bạn nói– giọng buồn buồn: “Anh Phước ít khi dùng cơm tối ở nhà lắm, có đêm quá 11 giờ mới gọi cửa!”.
Im lặng một lát.
Vợ Phước nói: “Hay là anh Vĩnh cho em biết, em sẽ nói lại– ngày mai anh Phước sẽ ghé thăm anh?”.
-Vậy cũng được– Vĩnh thở dài, nhờ chị trao đổi lại với anh Phước, tôi cần bán vài tấm tranh, nhờ anh ấy mua giúp cho Công ty…
Đã hai ngày qua, không thấy Phước ghé lại– Vĩnh đoán biết được chuyện gì đã xảy ra. Anh bỗng cảm thấy hối hận, lẫn chút chua xót. Giống như ông bạn nhà thơ láng giềng mấy năm trước, vì sửa lại ngôi nhà mà phải bán đi cả tủ sách quý mà ông đã sưu tầm, gìn giữ hơn mấy chục năm.
Vĩnh tự biết, ngoài số tranh anh còn lưu giữ từ nhiều năm nay, không có gì đáng giá có thể bán được. Bất chợt, anh đứng bật dậy, bước vội vào phòng – mang ra chiếc xách tay màu đen: Chiếc máy ảnh năm dự triển lãm tranh ở Pháp, một người bạn đã tặng cho anh vẫn còn mới nguyên. Hai bộ ống kính chụp xa. Một bộ đèn Flash. Vĩnh nghĩ: “Những thứ này có lẽ sẽ dễ bán hơn…”.
Không mang đến cửa hàng mua bán máy ảnh, vì anh thừa hiểu – họ chỉ mua lại với giá rẻ mạt, để rồi bán ra, với giá cắt cổ! Vĩnh vội vã đến nhà Bình.
Gặp vợ Bình - anh dò hỏi:
-Có Bình ở nhà không chị?
-Có mà cũng như không – Vợ Bình cười .
-Sao lạ vậy?
-Ông ấy say khướt, nằm li bì rồi!
Vĩnh nói ngay ý định nhờ Bình mua giúp chiếc máy ảnh, cả đồ phụ tùng, sẽ để lại cho Bình sử dụng, không nói đến chuyện giá cả!
-Sao? Chị có giúp tôi được không?
Vợ Bình không trả lời, kéo hộc tủ lấy ra một tấm giấy chằng chịt những số: “Đây này, anh xem, tôi phải đi vay thêm hơn năm trăm triệu cho thằng con thành lập Công ty…”.
-Tôi có thể vay lại của chị một ít, chừng năm, mười triệu– được không?
-Không được đâu! Vợ Bình kêu lên, tôi còn thiếu cơ mà…
Ra về, Vĩnh thầm nghĩ: “Đồng tiền, ai ai cũng có nỗi khổ vì nó cả!”.

Hơn một tuần lễ rồi không còn nơi nào có thể tìm đến được nữa– Vĩnh ngồi nhìn Diệu Nguyên tẩn mẩn chuẩn bị gói xách để vào Saigon thăm con ; lòng cảm thấy xốn xang buồn. Đang phụ với Diệu Nguyên nàng buột mấy thùng đồ; bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Vĩnh quay lại: “Ai nhỉ?”- và đứng dậy, đến mở chốt cửa.
-Chào ông bà! – Người đàn ông trạc gần năm mươi tuổi lên tiếng.
Bên cạnh ông là người đàn bà dáng cao dong dỏng, trông quý phái.
Anh cố nhớ, nhưng không nghĩ ra – vui vẻ hỏi:
-Xin lỗi, anh chị tìm nhà ai ?
-Có phải nhà của họa sĩ Lê Vĩnh không ạ?
-Thưa đúng; mời anh chị vào…
Khi hai người đã ngồi yên vào bàn, nhận tách trà từ tay Diệu Nguyên– hai vợ chồng người khách lạ thay nhau nói rõ ý định của họ: Họ là người đã định cư ở Canada, về quê đón Tết, nhân dịp đến thị xã thăm gia đình người cậu đang là giảng viên trường Sư phạm; muốn tìm mua vài món quà lưu niệm, được người cậu giới thiệu đến đây…
Vĩnh ngước nhìn lướt qua mấy tấm tranh treo ở vách – giọng thân tình:
-Vậy là anh chị muốn mua tranh– anh cười, những bức treo ở đây, anh chị thích tấm nào?
Người vợ thành thật: “Chúng tôi là tay ngang, xin ông chọn giúp có được không ạ?”
-Xin tùy ông chọn cho tấm nào, chúng tôi cũng đều vui lòng cả– Người chồng tiếp lời vợ.
Vĩnh im lặng. Diệu Nguyên nhìn chồng: “Anh chị đây đã tin tưởng nói vậy, anh cứ tự do chọn giúp đi!”.
Vĩnh bỏ điếu thuốc đang hút giở vào cái gạt– đứng dậy, đến trước bức tranh “Hoàng hôn ở chùa Thiền Lâm” – giọng dứt khoát: “Tôi sẽ chọn giúp anh chị bức tranh sơn dầu này!”. Trở lại chỗ ngồi, anh chậm rãi kể lại những kỷ niệm không bao giờ quên ở ngôi chùa ngoại ô thị xã này. Chính ở đây, anh đã gặp Diệu Nguyên giản dị, trong sáng trong chiếc áo dài rộng màu xám. –“Nó là một phần đời sống của tôi!” – Anh nói như với chính mình.
-Thưa ông, là bao nhiêu ạ? – Người vợ nhỏ nhẹ hỏi.
-Tôi không biết giá- chưa bao giờ nghĩ đến giá, vì tôi không có ý định xa nó… Nhưng- Vĩnh hít một hơi thuốc, trước đây đã có người hỏi mua với giá năm triệu…
-Thế chúng tôi xin được gửi ông bà giá gấp đôi – được chứ ạ? – Người chồng tiếp lời; giọng sốt sắn.
Ngoài bức tranh ấy, vợ chồng người khách cùng đồng ý chọn thêm bức “Trầm Tư”…
Lúc đưa hai vợ chồng người khách lạ lên xe, nhận tấm danh thiếp từ tay người chồng- Vĩnh cầm thật chặt tay Diệu Nguyên: “Tất cả đều như thế cả em à- không có gì phải luyến tiếc…”





MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét