Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

CUỐI NĂM NHỚ YẾN LAN QUA MỘT BÀI THƠ Tạp Bút MANG VIÊN LONG


CHÂN THÀNH KÍNH CHÚC


QUÝ BẠN VĂN & BẠN ĐỌC : MỘT MÙA XUÂN MỚI AN VUI & HẠNH PHUC!



CUỐI NĂM NHỚ YẾN LAN
QUA MỘT BÀI THƠ


Tạp Bút Mang Viên Long


Vào một buổi chiều đầu tháng 3 năm 1985, nhân dịp nhà thơ Yến Lan tròn 70 tuổi, tôi có đến thăm ông và gia đình. Trong câu chuyện về thơ, về gia đình, bằng hữu, ông có đọc cho tôi nghe một bài thơ – đó là bài Khăng khít, với sự có mặt của bà Yến Lan đang cùng nhau trò chuyện.
Năm 1965, ông viết bài “Khăng khít” để chủ yếu làm “quà” cho vợ. Quà của một nhà thơ, cũng chỉ có thế. Sau một hớp nước trà nóng, ông liếc nhìn vợ, đọc :

Em có cháu gọi “bà”
Gọi “em” anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi, ai già
Chúng mình sao trẻ vậy.


Đối với người nghệ sĩ – nhà thơ chẳng hạn, tuổi tác không làm cho trái tim nguội lạnh, mà trái lại, càng khiến cho nhịp đập nồng nhiệt hơn, tình cảm sâu thẳm hơn, cao khiết hơn. Trong bài tựa cho tập Thơ Yến Lan (NXB Văn Học – 1987). Chế Lan Viên cũng đã có nhận định: “Chớ nhìn mái tóc nhau để vội vàng kết luận là bộ não của người này hay người khác đã làm xong sứ mạng của nó”.


Anh đọc truyện em nghe
Em muốn em là “Tấm”
Lòng Hoàng tử anh mê
Từ buổi – đầu em lấm.

Em gọt khế cuối mùa
Anh cắn từng lát nhỏ
Ôi, quả thường vị chua
Mà mọng nhiều thương nhớ.


Kỷ niệm của tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đáng nhớ, đáng trân trọng. Đối với nhà thơ, tình cảm ấy lại cứ khuấy lên, dạt dào, tưởng không bao giờ dứt. Yến Lan nhắc tới chuyện “cô Tấm” bởi vì thập niên 30- 40, mẫu chuyện ấy rất gần gũi với mọi giới, với cả bà Yến Lan hiền thục, mơ mộng, yêu mến thơ văn… Còn tại sao Yến Lan lại có câu : “Em gọt khế cuối mùa; anh cắn từng lát nhỏ”, bởi lẽ những trái khế của cây khế cuối hiên chùa Ông – nơi Yến Lan tạm sống, đã trở thành cái cớ chính đáng cho cô gái tên Yến mê thơ ca, tìm đến với người mình mơ tưởng… Bà Yến Lan đã có lúc kể lại với tôi, bà thường tìm tới chùa Ông xin khế, để được gặp mặt thi sĩ… Vậy thì những trái khế, những lát khế nhỏ từ tay cô gái tên Yến cắt ra, phải đáng nhớ, đáng yêu quý chứ?
Giọng ông vẫn nồng nhiệt :

Bao bận anh lên đường,
Ngày về thường sai hẹn
Giữa lúc em dỗi hờn
Thư anh liền kịp đến


Đã tìm đến nhau bằng tấm chân tình, son sắt, thì sự “Khăng khít” là một điều tất yếu. Thuở ấy, Yến Lan rời quê vào Nam, ra Bắc để thăm viếng bạn văn, để tìm cảm hứng, để tham gia các sinh hoạt văn hóa theo ước mơ tuổi trẻ “Ngày về thường sai hẹn”… Đó cũng là một nỗi buồn, hay là một sự hy sinh của bà Yến Lan, vì sự nghiệp văn học của chồng.


Bao bận em se mình
Giành con, anh nấu cháo
Ôi đâu phải mùi hành
Mồ hôi em thấm áo…


Tình cảm của ông dành cho người bạn đời, qua 4 câu năm chữ trên, quả thật là tuyệt vời.Không phải chỉ trong thơ ca, ở đời thường, ông bà Yến Lan vẫn sống với nhau chí tình, chí nghĩa như thế: “Ôi ! đâu phải mùi hành, mồ hôi em thấm áo”.
Ông dừng đọc. Nghĩ một phút. Như để nhớ tưởng, để cảm nhận lại các xúc cảm của chính mình – giọng ông trở nên sâu lắng :


Hạt nắng nháy trong vườn
Khiến lòng – đòi xao xuyến
Có phải ngày ta thương
Một mùa hè quá ngắn


Yến Lan có thời gian đi dạy học. Bà Yến còn là học trò. Mùa hè đối với cuộc đời dạy và học thật là êm đềm, thơ mộng. Ở đây, với Yến Lan, chính trong một mùa hè nhà thơ đã gặp được tình yêu đầu đời của mình.

Chiếc áo cưới năm xưa
Mùi hòm rương nếp gấp
Ướm lại, rộng không vừa
Em vẫn khen tơ chắc.


Đọc xong đoạn này, ông đưa mắt nhìn bà, thật lâu. Có lẽ, cũng đã có lần bà giở rương ra, mân mê chiếc áo cưới, ướm thử lại – và ông ta, nhìn thấy, đã ghi lại một kỷ niệm : “Ướm lại rộng không vừa ; em vẫn khen tơ chắc”.
Đoạn cuối

Ta gắn nhau từ đầu
Càng gắn nhau về cuối
Đâu nghĩ là xa nhau
Cho đến giờ hấp hối…


Đoạn thơ 4 câu có hai động từ “gắn” cũng có nghĩa là “khăng khít”, nhưng hơn 30 năm sau – lúc 2g20 phút ngày 5-10-1998 – Yến Lan đã vĩnh viễn ra đi – từ biệt người vợ hiền và cũng là người bạn văn mà ông đã hết lòng yêu quý, trân trọng!

MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét