Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

NHÂN DỊP GIÁNG SINH 2013

            ĐÃ PHÁT HÀNH:

  alt

             D Ì  L U C I A

                                    Tập Truyện

                       MANG VIÊN LONG

     Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, quý 4 năm 2013
               
                    Trình bày : Saigon Lifestyle désign
                         Tranh bìa: HS Lê Sa Long
                                  Giá : 55.000 đồng

  Tập truyện là tác phẩm thứ 18 của nhà văn MANG VIÊN LONG
              Gồm 13 truyện ngắn được viết trước & sau 1975

                   Bạn đọc ở xa cần mua sách, xin gởi 100.000 đ
                    ( 02 cuốn & cước phí bảo đẩm) về địa chỉ:
                  Ô. Mang Viên Long, số nhà 294, Ngô Gia Tự
                      Ph Bình Định, Tx An Nhơn – Bình Định
                                      ĐT :   01266623513

    XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU & CHÂN THÀNH CÁM ƠN!

NHỮNG NHÂN VẬT(*)
alt

Ngọc Bút

(Đọc tập truyện "Dì Lucia" của Mang Viên Long)

1.
Chiều tối không có điện. Tôi ngồi một mình với hai ngọn nến lung linh thắp sớm. Ngoài sân bóng chiều dần tắt. Tôi thấy dáng áo chùng của Dì Lucia lướt ngang. Khuôn mặt Dì đẹp hiền lành thánh thiện. Một chút u sầu trên gương mặt có-vẻ an tĩnh trầm lắng của Dì. Tôi nhớ tôi gặp Dì Lucia lần đầu cách đây đã bốn mươi năm.
Trước hết, Dì Lucia đẹp. Và hiền. Dì không giống với hình ảnh tôi thường nghĩ về các nữ tu: nghiêm trang, khắc khổ, khó tính, và có một chút gì đó xa cách bí ẩn mà một cô bé ngoại đạo như tôi thuở ấy không thể nào đến gần được. Các nữ tu thường khô cứng và nghiêm khắc, và cực kỳ nghiêm khắc ở các cô nhi viện và ở trường nội trú. Một đứa bạn tôi từng ở trường nội trú của các soeur có lần kể lại như vậy. Cậu tôi thuở nhỏ cũng từng khốn khổ vì các soeur ở trường nội trú. Cậu là con út nhà giàu, tính tình ngang tàng nghịch ngợm phá làng phá xóm bị hàng xóm mắng-vốn hoài. Ông ngoại chịu hết nổi nên gởi cậu - lúc ấy mười tuổi - vào trường nội trú của nhà dòng ở cù lao Giêng bên kia sông Tiền, nói là để các soeur dạy dỗ cậu cho thuần tính lại. Tháng nào bà ngoại hoặc má tôi qua thăm, cậu cũng đều khóc lóc xin cho được về nhà ở luôn vì “mấy bà  khó và dữ quá trời”… Ấn tượng về các soeur trong đầu tôi là như vậy. Cho đến khi tôi gặp Dì Lucia trên tạp chí Bách Khoa năm 1973!    
Có thật là có một Dì Lucia như vậy trong đởi thực không? Đẹp thì tôi đã thấy nhiều soeur rất đẹp rồi. Nhưng hiền thì… Tôi thực sự bị ấn tương bởi cái vẻ hiền dịu trầm tĩnh của Dì Lucia, rất tương phản với những gì thuở nhỏ tôi nghĩ về các soeur. Thâm tâm tôi thuở ấy cũng cho rẳng các soeur… không biết yêu, hay ít nhất cũng là không được phép nghĩ đến tình yêu nam nữ bình thường, mà chỉ … yêu Chúa! Nên mối tình của Dì Lucia và nhân vật người lính trong truyện đã rất cuốn hút tôi thuở mới lớn mơ mơ màng màng ấy. Mãi sau này lớn lên, tôi mới nhận ra, thực ra Dì Lucia và người lính, cũng như những nhân vật khác, chỉ là cái cớ để bạn tôi, tác giả, nói lên khát vọng hòa bình của mình. Khát vọng ấy là muôn thuở, hiển nhiên. Cũng là điều rất hiển nhiên, khi Dì Lucia bày tỏ tình yêu của mình bằng ánh mắt nồng nàn với câu nói “Tôi cũng là một con người”. Câu nói đó, theo tôi, là chi tiết “đắt” nhất của truyện. Và Dì Lucia vẫn rất cuốn hút tôi, bởi dì rất “người”, rất đời thường, dù đã 40 năm.
2.
Quỹnh, tôi nhìn thấy em trong bóng chiều chập choạng. Thấy em xấu xí, ngơ ngác, ngờ nghệch, côi cút, trong yêu thương đùm bọc của xóm làng một thời chiến tranh khó-khổ. Tôi thấy tuổi thơ tôi ở một làng quê xa, dù thực ra cuộc đời tôi, tuy mồ côi rất sớm, vẫn còn hạnh phúc hơn em nhiều. Quanh tôi ngày ấy nơi quê ngoại  đã có những Quỹnh khác. Những lão Xịa khác. Những lão Cộ khác. Những ai đã từng sống ở vùng xôi-đậu thời ấy sẽ rất hiểu những cái chết như cái chết của lão Cộ, hiểu những phận người nhỏ nhoi giữa hai làn đạn. Trong chiến tranh, làng quê miền Trung xa xôi của bạn tôi có khác gì làng quê miền Nam của tôi nơi đây đâu. Tôi đã nghe nhưng không dám thấy. Tôi đã đọc nhưng không dám nhớ lại. Tôi đã biết buồn và biết đau từ thuở còn rất trẻ vì những gì diễn ra quanh mình. Phận người nào, dù nhỏ nhoi đến mấy, cũng đáng quý như nhau. Tôi cho rằng không ai được quyền nhân danh bất cứ điều gì để hủy diệt sự sống của nhau.
Tôi cũng nhìn thấy Lụa rộn ràng hạnh phúc những ngày sắp đám cưới với Cang. Nếu bạn không từng chuẩn bị cho một ngày trọng đại của đời mình – ngày cưới – với người mình yêu thương, bạn sẽ không thể nào hiểu được tâm trạng của Lụa đâu. Lụa còn trẻ lắm, còn là thiếu nữ khi Cang ra đi, làm lính. Ngày Cang trở về với đôi nạng gỗ và một gia đình tan nát thì Lụa đã kịp lớn lên để yêu Cang, đầy đặn nồng nàn, dù giờ đây cuộc đời Cang không còn trọn vẹn. Tình yêu thật khó nói. Nó phải có duyên có phận có giờ có giấc của nó. Hai người đã ở bên nhau suốt thời thơ ấu mà cũng chỉ là những nhớ tưởng mơ hồ chẳng đâu ra đâu. Phải đợi đến khi vợ Cang bỏ anh ra đi, đến khi đời Cang đi vào ngõ cụt bất hạnh thì anh mới là của Lụa. Chỉ tiếc cô gáI nặng tình ấy đã ngã xuống khi chưa được một ngày thực sự sống hạnh phúc với người mình yêu. Một lần nữa, tôi không thể không chua xót nghĩ rằng: không ai được quyền nhân danh bất cứ điều gì để hủy diệt sự sống của nhau.
3.
Nghiệt ngã hơn, là những con người không chỉ tàn phế hình hài mà còn tàn phế cả tâm hồn. Nếu cha mẹ sinh ra thân ta bị khiếm khuyết thì thôi cũng đành là do số phận. Nhưng ta ra đời lành lặn và một ngày kia ta thân-tàn-ma-dại vì những viên-đạn-vô-minh… Thật đau xót biết bao. Bạn bè tôi thuở ấy đã có người nằm xuống  nơi miền cao rừng núi thâm u hay miệt dưới sông ngòi chằng chịt vì những-viện-đạn-vô-minh. Đã có người còn sống trở về què quặt thể xác nhức nhối tâm hồn giống như nhân vật “tôi” trong Cánh Bèo ngày nào, cũng vì những-viên-đạn-vô-minh…
Dễ hiểu mà, có gì đâu, đó là dấu hiệu của một sự thất vọng, chán nản, ngơ ngác tới cùng tột. Anh thấy tôi có phải vậy không? Nếu không là vậy, chẳng lẽ anh biểu tôi mừng rỡ với cái diễm phúc trở thành một phế nhân sao? Tôi đâu có nông nổi vậy được. Tôi biết rõ số phận tôi mà: Cái mà bè bạn (…) cho rằng diễm phúc - hay phước đúc, hạnh phúc gì đó - tôi hiện đang có, có vẻ hơn họ, thật đã làm cho tôi càng chán nản, mệt mỏi, đau xót hơn nữa. … Này, tôi hỏi thật, anh có nghĩ  là cái “diễm phúc” của tôi bây giờ (một khúc chân bị tháp gỗ, mấy vết mổ nơi bụng mỗi lần trông thấy bắt ớn lạnh ) là một nỗi tuyệt vọng, một bất hạnh mênh mông cho đời tôi không? Ngày nào tiếng súng thôi làm bàn chân gãy, mảnh mìn thôi đâm xuyên vào ruột, cái chân gãy, vết tích nơi ruột tôi quả thực là một cái gì vô cùng tủi nhục, đau đớn, phải không anh? Tôi đã có nhiều lần, trong gần hai năm được trở về, tưởng tượng ra cái ngày khổ sở đó và tôi cũng mường tượng thấy, ngày đó, bàn chân tôi mới thật sự gãy lìa, vết thương nơi ruột mới thực sự mưng mủ, nhức nhối. Thú thực với anh, nỗi sợ hãi gần gũi, lớn lao tới nỗi có hồi tôi cứ ngồi nhìn bàn chân gỗ mà tưởng nó nát mục, nhìn vết thương dài quăn queo ở bụng mà nghĩ nó lở loét, sình thối ra. Anh Minh à, tới hồi đó, vết thương tôi (mà ngày nay gọi là diễm phúc, phước đức) mới được mọi người nhìn thấy rõ. Nhìn thấy sự cô độc, bất hạnh của những kẻ tàn phế. … Đi mãi miết. Đi hoài hủy. Đi biệt tăm. Đi dập dềnh lưu lạc như một cánh bèo trôi theo con nước lớn, có biết bờ bến nào mà dừng lại chắc chắn đâu? Hồi nhỏ, ngày còn nhiều mộng ước, tôi không hề nghĩ tới lúc tôi phải đi với một khúc gỗ gắn vào chân, ruột tôi phải mổ ra để may vá lại. Quả thực trong hận thù và chiến tranh, mọi mơ ước đều đảo lộn, tiêu tan; đời người như mây trời, như rong biển.”
                                                                                                     (Cánh Bèo)
4.
Vậy hết chiến tranh rồi người ta có bớt khổ không? Khải ơi, tôi thương Khải quá. Thương ơi, tôi đau cho Thương quá. Khải vì cảnh nghèo mà khổ. Thương vì những suy nghĩ hẹp hòi và giáo điều của cha chồng và chồng mà khổ. Một người vì quá thương con và một phút thiếu kìềm chế mà bị dày xéo thân xác. Một người vì chủ-nghĩa-lý-lịch và sự nông cạn và thực dụng của người thân mà bị dày xéo tâm hồn. Nhưng riêng tôi, tôi thấy nhân cách họ sáng ngời. Dù Khải mang tiếng là ăn cắp. Dù Thương phải chịu cảnh chia lìa với chồng sống đời cô quạnh. Không phải chiến tranh làm hại con người. Ở đây là con người hại con người. Mẹ con bà chủ tiệm không đáng trách khi họ phản ứng trước một kể cắp là Khải, nhưng cách họ phản ứng khiến tôi nghĩ đến những con sói. Những con sói không hề biết xót thương kẻ yếu thế hơn mình, dù họ đang nhân danh sự lương thiện để chà đạp người khác. Còn cha chồng và chồng Thương, dường như cũng không còn tình người và quá thực dụng khi đẩy Thương ra khỏi gia đình chỉ vì lý lịch của Thương. Có phải xã hội nào thì con người nấy? Có phải Jean de La Fontaine đã đúng khi nói rằng “lý lẽ luôn thuộc về kẻ mạnh” trong truyện ngụ ngôn con chó sói và con cừu? Những phận đời bị đẩy đến cùng của sự nghiệt ngã. Sự thật là sự thật. Không thể né tránh hoặc tô hồng thêm hay bôi đen hơn. Nó là một nỗi đau hiển hiện trong nhiều năm nhiều tháng đã qua, dù có lúc nhiều lên hoặc ít đi. Trong đêm đen tôi đã từng một mình cầu nguyện: xin con người đừng nhân danh bất cứ điều gì để dày xéo cuộc đời nhau? Xin hãy để phần người lấn át phần con.
5.
Và tình yêu mật ngọt.
Của người lính và cô bé ngày xưa:

-         Chú có về được nữa không?

-         Chú không dám ước đoán ngày mai của chú nữa, nhưng cháu có thể tin rằng chú luôn luôn gần gũi cháu, khi có những mùa trăng.

-         Chú phải nói nhất là những đêm trăng.

-         Những mùa trăng không uống một giọt rượu nhưng vẫn nồng nàn, có phải vậy không, cô bé?

                                                                 (Những Mùa Trăng Có Nhau)

 Của Lâm và Ngọc Lê ngày nay:

-         Anh còn hai tuần nữa để được sống bên em. Ngọc Lê à!
Lâm đưa bàn tay yếu mềm của Ngọc Lê lên môi hôn – và nàng đã ngã đầu vào lòng anh như con chim trốn bão. Lâm ôm siết lấy nàng như sợ rằng, một lần nữa – nàng sẽ bay vuột mất khỏi vòng tay thương yêu chờ đợi của mình…
-         Anh yêu em, Ngọc Lê!
-         Em cũng vậy - Giọng Ngọc Lê nhẹ như hơi thở.
                                                 (Cho Dẫu Muộn Màng)
 Cũng may, cùng với chuyện tình của Dí Lucia và người lính, tôi còn được “bù đắp” thêm bằng hai chuyện tình lãng mạn nhất trong mấy chuyện tình của bạn tôi – một rất trong trẻo thơ ngây và một rất có-hậu. Có một chân lý muôn thuở mà tôi đã đọc ở đâu đó: Đời người, không gì hạnh phúc bằng yêu thương và được yêu thương. Tôi cũng đã có lần nghĩ rằng, trong hầu hết các truyện bạn tôi viết, tình yêu luôn luôn là sự cứu rỗi, là ánh sáng cuối đường hầm. Để đêm tối không chỉ có nỗi buồn và những phận người bé nhỏ lênh đênh.
 6.
Cuối cùng, những câu chuyện và những nhân vật, tất cả chỉ là cái cớ để bạn tôi gởi lại chút gì cho cuộc đời khi đi qua trần gian mịt mù đầy thương ghét này. Như những người viết đầy trăn trở khác. Tất cả chỉ là cái cớ. Để những kẻ như tôi đêm nay ngồi bên hai ngọn nến lung linh. Và thấy…

                                 Saigon, tháng 12/2013

                                 NGỌC BÚT

  (*) trong tập truyện Dì Lucia của Mang Viên Long
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét