Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

GIÁ NHƯ NGÀY ẤY Truyện Ngắn TRẦN MINH NGUYỆT



GIÁ NHƯ NGÀY ẤY…

Truyện Ngắn
TRẦN MINH NGUYÊT




Ông Sơn ngồi lặng bên ban cổng của căn biệt thự ngắm nhìn người qua lại tấp nập trên đường. Họ hối hả đi lại cũng như ông đã từng hối hả ngược xuôi trước đây. Một thời huy hoàng đã trôi qua , tuổi già đã lấy đi của ông tất cả niềm tin, sự hảnh tiến- thay vào đó là cuộc sống cô độc, khép kín trong ngôi nhà lớn này đây? Ông thèm được nghe tiếng chuyện trò của người thân, thèm nghe tiếng gọi “ ba ơi “ của lũ trẻ-thậm chí thèm được ai đó bước chân vào ngôi nhà ông dù là để hỏi thăm bâng quơ vài câu- giá như ngày đó quay trở lại ?- Nhưng tất cả chỉ còn là ánh nắng vàng nhợt nhạt hắt hiu của buổi chiều Đông giá lạnh đang tràn về…

-Mời ông chủ ăn sáng ạ? Tiếng chị giúp việc đột ngột cắt ngang dòng suy nghĩ của ông
Ông quay lại và đột nhiên hỏi : ” Sáng nay ăn gì hả cháu?”
- Dạ ! vẫn như mọi hôm , vẫn tô mì và nửa lạng thịt bò. Chị giúp việc nói thêm- “Ông bảo vậy đã bao lâu nay rồi , cháu đâu dám thay đổi món ?”
Ông Sơn uể oải –thở dài: “ Cháu cứ để đó tý nữa chú ăn, chú cảm thấy hơi mệt !”. Việc ăn uống với ông hiện giờ không còn là sự thưởng thức nữa mà chỉ là để duy trì sự sống mà thôi. Vậy mà không hiểu sao sáng nay ông thấy nó nhạt nhẽo và vô vị đến vậy, chỉ mới nghĩ đến thôi là ông thấy rùng mình rồi. Ông thèm được ăn gói xôi bắp rắc đậu phộng mà chị hàng xóm mọi sáng rao bán, thèm những chén bánh bèo với nước mắm ớt đỏ loét của chị giúp việc, thèm đi nhậu với bạn bè mỗi chiều chủ nhật. Ông thấy sợ sự yên tĩnh vắng lặng của ngôi nhà- giá như ngày đó quay trở lại…



Bé Sơn vừa về tới nhà chưa kịp cất cặp đã hét toáng lên : “ Ba ơi, mẹ ơi! Thằng Nam hôm nay đánh lộn ở trường con ra can ngăn nó không nghe mà còn đánh luôn cả con nữa đây nè!”. Ông bà Thanh nhìn những vết bầm trên tay Sơn -vừa xót thương cho con trai vừa giận tím ruột cho một đứa con trai khác. Trong khi bà Thanh lấy nước muối xoa cho tan vết bầm, ông Thanh tức giận- hỏi : “ Con nói cho ba biết nó làm gì mà tay con bầm nhiều dữ vậy? Hình như không phải là vết đánh? ”. Bé Sơn mếu máo :” Em nó véo và cắn con nhưng ba, mẹ đừng đánh em, em còn nhỏ dại tha cho nó ba, mẹ nhé ! ”. Khi ông bà Thanh có việc phải rời khỏi phòng, Sơn đã nở một nụ cười đắc thắng- nó biết Nam- em nó, thế nào cũng sẽ bị một trận nên thân và nó cũng tự khen mình thông minh đã dùng miệng mút vào những vùng da non gây ra những vết thương tím bầm như vậy.

Trưởng lớp Hùng vừa học rất giỏi, vừa có tính tình rất ôn hòa, tốt bụng, luôn giúp đỡ bạn bè nên Hùng bao giờ cũng được các giáo sư yêu thương và các bạn trong lớp kính nể. Sơn biết có cố gắng như thế nào đi nữa cũng không đuổi kịp. Một sáng nọ, Sơn nghĩ ra một kế- nó đi học sớm hơn thường lệ, lấy trái đùng đình chín xát xuống chỗ ngồi và bàn một số học sinh trong lớp và ngay chỗ của nó ngồi. Những giờ học ngày hôm đó, mông và tay của những ai bị dính nhựa đùng đình đều phồng rộp lên và ngứa gải không ngừng. Họ không thể học được phải xuống báo cho phòng y tế của trường. Cô y sĩ thấy hiện tượng lạ, xuống lớp điều tra và phát hiện ra những trái đùng đình còn sót lại trong hộc bàn của Hùng. Thế là Hùng phải lên gặp tổng giám thị để khai báo sự việc. Không ai có thể bênh vực giúp cho cậu ta mà chỉ ngơ ngác ngạc nhiên- ngay chính bản thân Hùng cũng không biết nói gì-chỉ nghẹn ngào tức tưởi khóc. Sau lần đó Hùng xin chuyển trường -sang học ở một trường tư thục . Sơn nghiễm nhiên trở thành cậu trưởng lớp đầy uy quyền.

Sơn đậu tú tài toàn phần, thi vào trường Đại học Phú Thọ và trở thành một kỉ sư công chánh- xây dựng trẻ, tương lai rộng mở ở phía trước. Sơn không những là niềm tự hào của cha mẹ mà còn là niềm tự hào của cả gia tộc. Càng vui và tự hào bao nhiêu thì ông bà Thanh thấy càng lo sợ bấy nhiêu –bởi người xưa có nói “ Cực sướng lại sinh khổ, đang vui vẫn gặp buồn”. Ông bà khuyên Sơn hãy cưới Liên – một cô bé hàng xóm tốt bụng nhân từ đã giúp đỡ ông bà trong những lúc trái gió, trở trời mà không có ai bên cạnh. Và ông bà còn muốn sớm có cháu nói dõi vì chỉ còn lại Sơn là con trai duy nhất. Sơn không cãi lời cha , mẹ mà còn tỏ vẻ như rất đồng ý nhưng anh đã đến gặp riêng Liên và nói thẳng : ” Tôi chỉ xem cô như em gái mà thôi, vợ của tôi phải là một người xinh đẹp và có học vị cao tương xứng chứ không phải là một cô gái quê, xin cô đừng phá hỏng tương lai của tôi nhé?” . Liên ngỡ ngàng-tím mặt, và nói gằn từng tiếng : “ Anh hiểu lầm tôi rồi, tôi chăm sóc hai bác là vì anh Nam trước khi đi thoát ly nhờ tôi ở lại chăm sóc hai bác thôi. Anh ấy đã hi sinh rồi, tôi không muốn làm cho linh hồn người chết phải tủi hờn. Bây giờ có anh về rồi- tôi giao hai bác lại cho anh !” . Nói xong, Liên quay lưng đi như trốn chạy-không muốn nhìn lại gương mặt khinh bạc cao ngạo của Sơn lần nữa! Sơn nói to giọng đuổi theo: “ Cô không được phép cho cha, mẹ tôi biết cuộc nói chuyện hôm nay nhé ? ”. Cuối năm đó Liên lấy chồng, một anh giáo đang dạy ở làng bên cạnh.

Sơn trải qua rất nhiều mối tình, nhưng là những mối tình thoáng qua chỉ để thỏa mãn nhu cầu xác thịt mà thôi. Sơn vẫn là một người độc thân, anh muốn vợ mình phải xinh xắn, học cao và gia đình nhà vợ phải có địa vị trong xã hội để anh có thể nương tựa về sau. Nhà vợ anh phải là những nấc thang vững chắc để giúp anh leo lên đỉnh cao danh vọng .Anh vẫn để ý dò xét kiếm tìm mãi nhưng vẫn chưa được người nào vừa ý.

Ông , bà Thanh ở lại quê- sống một mình, không có con cháu nên rất buồn. Cả tháng hay lâu hơn, Sơn mới về quê thăm ông bà Thanh một lần -viện cớ là rất bận công việc. Về nhà- Sơn đưa ông bà một ít tiền rồi đi luôn trong ngày. Ông bà Thanh nhiều lần giục Sơn lấy vợ thì Sơn đều nói : “ Vợ chồng là cái duyên, cái số, số con mà cưới vợ trước 40 tuổi là chết sớm. Ba, mẹ chỉ có mình con nên con không nỡ !” Ông bà Thanh chỉ còn biết lặng lẽ thở dài. Thởi gian sau, Sơn mua được ngôi nhà mới ở gần nơi làm việc nhưng không muốn ba, mẹ biết! Sơn nghĩ đến sự quê mùa dân dã của cha mẹ - cảm thấy xấu hổ . Có lần ông Thanh vì nhớ con đã lần mò lên thăm, cậu nói với ông nhà cậu đang ở là nhà mướn- giữ ông trong nhà không cho tiếp xúc với ai. và khi đưa ông Thanh ra bến xe trở về ,Sơn nói dối với mọi người là người bà con xa đang gặp khó khăn nên lên nhờ cậu ta giúp đỡ …

Cuộc chiến ngày càng lan rộng- Thôn xóm ngày càng vắng . Ba, mẹ Sơn ở quê không dám chạy đi di tản, vì sợ Sơn tìm về nhà không gặp họ. Họ nấn ná ở lại mong chờ tin Sơn. Và một buổi xế chiều nọ- hai chiếc máy bay quần đảo khắp làng rồi trút xuống những quả bom xăng, bom bi- nhà ông bà Thanh bị cháy trụi, và hai vợ chồng ông Thanh đã chết cùng một ngày. Dân làng còn ở lại xúm nhau đến lo việc tẫm liệm rồi chôn họ ngay trong mảnh vườn nhà. Một tuần sau Sơn mới biết tin trở về. Sau khi hi cúng bách nhật của cha, mẹ- Sơn gởi mảnh vườn lại cho hàng xóm, và dời dọn bàn thờ cha, mẹ lên nhà của anh trên phố- cắt đứt mọi liên lạc với nơi đã chôn giữ bao kỉ niệm tuổi thơ với những người thân yêu nhất…

Sau ngày hòa bình lập lại – thống nhất đất nước năm 1975, Sơn hiến ngôi nhà đang ở của mình cho phường làm nơi hội họp, lui về ở trọ nhà của người bạn- một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô. Nhờ em của Sơn là một liệt sĩ và anh giác ngộ cách mạng tốt nên nhanh chóng được ủy ban tỉnh giao giữ chức phó giám đốc của công ty ngoại thương . Sơn có khả năng và rất khéo trong việc giao tiếp, xử lý suông sẻ các mối quan hệ nên anh được mọi người trong công ty rất yêu mến.

Ông Thân - giám đốc của công ty sắp về hưu- Sơn và cậu Hân được đề bạt vào chức vụ này. Chưa biết ban tổ chức tỉnh quyết định chọn ai trong số hai người.? Hân tốt nghiệp Đại học tài chính, và đã từng tham gia chiến đấu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968- cuộc tiến công chiến lược năm 1972, và mùa xuân năm 1975. Sơn và Hân là đôi bạn rất thân, từng chia sẻ cùng nhau mọi niềm vui, nỗi buồn. Sơn xem gia đình của Hân giống như là gia đình của mình vậy. Ba, mẹ Hân cũng rất quý Sơn, con của Hân còn gọi Sơn là “ ba Sơn “ nữa. Nhưng cơ hội làm giám đốc không có lần thứ hai, vì vậy Sơn nghĩ quyết phải thắng Hân bằng mọi giá. Hân vẫn vô tư nói cười với Sơn -có khi còn đùa giỡn : “ Hai chúng ta cậu hay tớ ai làm giám đốc cũng được cả mà nhưng để xem thử thời về tay ai nhé ?”.
Và cơ hội đã đến Sơn. Hôm đó là cuộc họp tổng kết cuối năm của công ty, sau khi họp, cơ quan có tổ chức một bữa tiệc nhỏ để chúc tết cán bộ công nhân viên trong công ty. Sơn đã lén hòa vào ly nước ngọt của Hân và cô kế toán Thủy gói bột của những con gánh củi đã được cậu sấy khô, tán nhỏ . Buổi tiệc liên hoan chưa kết thúc, Hân và Thủy cùng bảo mệt xin cáo từ ra về. Sơn cố giữ hai người ở lại- bảo nếu về thì anh, em mất vui. Sơn liền gọi hai nhân viên dìu họ lên phòng làm việc để họ nghĩ tạm một lúc rồi sẽ xuống cùng tham dự.
Chuyện gì đến cũng đến. Anh, em trong công ty đều tận mắt chứng kiến cảnh tượng hai người nằm ôm nhau trên chiếc ghế salon nệm dài. Sau đó mấy hôm, Ban giám đốc đưa Hân và Thủy ra kiểm điểm, buột viết lởi tự khai nhận tội. Kết quả là họ bị tổ chức tỉnh ủy đình chỉ công tác và Hân bị khai trừ ra khỏi Đảng. Quá xấu hổ, Hân dẫn vợ con vào Nam kiếm sống-không quay trở lại nữa. Một lần nữa, Sơn lại đạt được những gì mình muốn. Năm đó anh đã 40 tuổi.

Có được quyền lực cao, Sơn cũng nghĩ đến việc lập gia đình sinh con nối dõi, nhưng không tìm đâu được mẫu người vợ mà ông từng ấp ủ. Cô học giỏi. thông minh thì nhà nghèo, quê mùa- còn cô có nhan sắc một chút thì chỉ biết ăn diện , se sua không có bằng cấp, trí tuệ.. Những cô vừa đẹp, vừa giỏi giang thì đã có gia đình cả rồi. Thư kí của ông- cô Hiền- rất xinh, cô nhỏ hơn ông 16 tuổi, nhưng yêu thương ông rất thật lòng vậy mà ông không thể cưới cô làm vợ được chỉ vì cô là con của một bà mẹ mù lòa kiếm một đứa con để nương tựa tuổi già . Mặc dù trong đầu ông đã quyết định không cưới Hiền, nhưng vẫn hứa hen-dỗ ngon, dỗ ngọt để chiếm đoạt thân xác cô . Kết quả những lần mua vui đó là cái bào thai ngày càng lớn của Hiền. Mỗi lần nghe vậy, ông đều đưa cho Hiền một khoản tiền bảo cô xin tạm nghỉ- đi xa đâu đó để hủy bó . Lần nào ông cũng một giọng hứa hẹn ngọt ngào là sẽ cưới cô ,nhưng nếu có con trước khi cưới mọi người sẽ dị nghị-ảnh hưởng đến uy tín ,công việc của cả hai người.
Đến lần thứ ba, Bác sĩ bảo nếu Hiền phá thai lần nữa sẽ vĩnh viễn không sinh được con. Hiền đã khóc sướt mướt- vội trở về van xin với ông. Ông vẫn tỉnh bơ- lơ đãng nói : “ Nếu không sinh được con nữa thì càng tốt, chúng mình có thể bên nhau thoải mái suốt mà không hề có hậu quả gì !”. Hiền nhìn trừng trừng lên gương mặt sàm sỡ chai lì của ông, và ôm mặt chạy ra khỏi phòng…

Hiền bỏ việc về sống bên mẹ cô ở quê với cái thai đã ba tháng tuổi. Sau một thời gian không lâu- Hiền gặp lại Nhẫn- một bạn học cũ là người cùng xã của Hiền – Nhẫn học rất giõi, thông minh- nhưng vì mồ côi cả cha, mẹ nên không có điều kiện lên trọ học ở thành phố. Nhẫn ở quê-nhận làm nghề đóng gạch cho các lò gạch trong xã- nuôi thân. Biết được cảnh ngộ của Hiền- vả tình cảm đã dành cho cô từ thời cấp hai vẫn còn sâu đậm-Nhẫn đứng ra nhận cái thai là con của mình . Một đám cưới chóng vánh đã dược tổ chức tươm tất. Sáu tháng sau, bé Kiên bụ bẫm chào đời. Hai vợ chồng Hiền sống rất hạnh phúc. Sau cu Kiên- Hiền còn sinh thêm một bé trai, một bé gái nữa. Ba đứa con của Hiền đều ngoan, thông minh- học giỏi.
Kiên-đứa con trai đẩu của Hiền, ngày nay đã tốt nghiệp đại học sư phạm Kỉ Thuật và được nhà trường mời ,giữ lại làm giảng viên. Kiên nhận lời vì có cơ hội để học tiếp lên Thạc sĩ…



Ông Sơn không tìm được ai cho riêng mình . Không có một bóng người thân nào gần gũi ông. Hằng ngày- ông sống cô độc và đều đặn, lập lại- trong ngôi biệt thự giữa cái thành phố phồn hoa ồn ào, náo nhiệt này mà luôn ngỡ là chốn hoang vắng xa lạ nào!. Giờ đây ông mới biết rõ- tuy ông có nhiều tiền trong các ngân hàng- nhưng ông không thể nào mua được niềm vui- nhất là mua được sự thanh thản, bình yên của tâm hồn. Không mua được thời gian đã trôi qua. Ông thưởng tần ngần-chép miệng: “ Giá như ngày ấy quay trở lại…” . Ông thơ thẩn trong vườn-lẩn quẩn trong nhà, hay ngồi lặng lẽ hằng giờ phía trước ban- công như một kẻ vô hồn, mất trí .Bất giác -nước mắt ông vẫn thường cứ trào ra không thể ngăn giữ…

Ông Sơn vội quay vào nhà, bỏ mấy bộ đồ vào va li- gọi chị giúp việc đến : “ Đây là 5 triệu đồng tiền công hai tháng , cháu coi nhà giúp, chú phải về quê thăm bà con …”. Chị giúp việc đứng yên- tròn mắt ngạc nhiên. Ông Sơn mỉm cười-bước vội ra ngõ như một kẻ đang có chuyện quan trọng gì cần phải ra đi gấp vì sợ trễ hẹn .
Chị giúp việc nhìn theo dáng ông lầm lũi- tần ngần-lắt đầu. Làm sao chị có thể hiểu được ông chủ của chị đang vội vã đi tìm sự bình an mà ông đã từng đánh mất trong cuộc đời mình?

TRẦN MINH NGUYỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét