Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

MỘT ĐỊA CHỈ THÂN THIẾT : 38, PHẠM NGŨ LÃO SAIGON
















MỘT ĐỊA CHỈ THÂN THIẾT : 38. PHẠM NGŨ LÃO-SAIGON


Tạp Bút Mang Viên Long

Tôi có dịp đến địa chỉ 38, Phạm Ngũ Lão Saigon vào khoảng đầu năm 1970 khi truyện ngắn đầu tiên của tôi đã được chọn đăng trên Tạp chí Văn-truyện “ Dáng Mộng”. Người tiếp tôi là anh Trần Phong Giao-thư ký tòa soạn, một con người kiệm lời,và rất sành sỏi trong chuyện quản lý môt tờ báo. Trước, tôi có đọc anh qua vài tác phẩm truyện dịch của nhà xuất bàn Giao Điểm do anh chủ trương , và qua các bài tiểu luận phê bình rất bản lỉnh của anh trên vài tờ báo văn nghệ -nên rất quý trọng anh. Anh hỏi thăm tôi về việc dạy học ở Tuy Hòa, về anh em văn nghệ ngoài Trung, và động viên tôi thường xuyên gởi bài cho Văn. Anh rất thẳng thắn và chân tình. Lần đầu găp anh cho tôi cảm nhận-người thư ký của một tòa soạn báo văn học đã có ảnh hưởng quan trọng thế nào đối với người cọng tác .Có thể nói, anh Trần Phong Giao là người đã góp nhiều công sức để Tạp chí Văn vững mạnh-là tờ báo Văn Nghệ đúng nghĩa,và giá trị lúc bấy giờ.
Trước khi đến với Văn, tôi đã cọng tác với Tạp Chí Vấn Đề ( do giáo sư-nhà văn Vũ Khắc Khoan và nhà văn Mai Thảo chủ trường)-khi tòa soạn được đặt tại đường Lê Thánh Tôn ( cùng với tòa soạn nhật báo Trắng Đen)-nên việc gởi bài cho Văn không được thường xuyên như ở Vấn Đề. Tôi nhớ- lúc được tin nhà văn Y Uyên bị chết ở Nora-chính tòa soạn Văn đã gởi một điện tín cho tôi nhờ xác định rõ chi tiết, vì tin rằng anh em ở Tuy hòa luôn liên lạc và gắn bó với Y Uyên vì tình đồng nghiệp, bạn văn qua bao năm nhà văn đã sống thân thiết ở đây .



Sau ngày Y Uyên mất không lâu-Tạp chí Văn đã thông báo sẽ xuất bản số Văn đặc biệt “ Thương Nhớ Y Uyên” –mời tất cả cọng tác. Tôi nhận được bức thư ngắn của tòa soạn Văn-do anh Trần Phong Giao gởi,đề nghị góp bài, và nhắc nhở giúp cùng quý thân hữu ở Tuy hòa mà anh không tiện liên lạc, để số báo được phong phú, giá trị. Tôi viết và gởi ngay cho anh bài “ Y Uyên, Trong Tình Thân Và Niềm Tin Cũ ”. Đang có sự xúc cảm bất ngờ, và lòng yêu quý Y Uyên bấy lâu-tôi viết tiếp “ Một Câu Chuỵện Tình” ( ghi lại cuộc tình đẹp-dang dở của Y Uyên với một cô giáo đang dạy học ở đây) vào ngày 10 tháng 3 năm 69 với sự đồng ý và giúp đỡ của chị TTN-người yêu của Y Uyên.
Số báo Văn xuất bản -“ Số đặc biệt Thuơng Nhớ Y UYÊN”, được rất đông anh chị cầm bút thuở ấy viết bài, ghi nhận,chia sẻ cùng nhà văn tài hoa mệnh bạc Y Uyên đã sớm từ giả bằng hữu và ước mơ khi vừa 26 tuổi! Tôi nhắc nhớ đến Y Uyên-cũng là nhắc nhớ đến tấm chân tình rất đáng trân quý của người chủ trương báo Văn là Ông Nguyễn Đình Vương ( Ông Nguyễn Đình Vương-còn là người chủ trương nhà XB Nguyễn Đình Vương, và nguyệt san Tân Văn ). Và tập thể tòa soạn báo Văn đã luôn dành cho những cây bút cọng tác với báo sự quý mến, chia sẻ kịp thời. Cái tình của Văn đối với tất cả anh chị em cọng tác là rất đáng trân trọng.
Khoảng tháng 3 năm 71-tòa soạn Văn thông báo sẽ làm số đặc biệt về “ Những Cây Bút Trẻ Đương Thời “-trong đó có tôi. Anh Trần Phong Giao lại liên lạc thông báo với tác giả-và cho tôi biết thêm “ Nhà văn Mai Thảo sẽ viết giới thiệu truyện của Long đấy, ông ấy bảo đã đọc của Long nhiều khi chọn đăng trên Vấn Đề (…)”. ( Sau 75 tôi không còn số báo kỷ niêm ấy nữa-nhưng nhớ các tác giả trẻ được chọn giới thiệu trong tuyển tập là : Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ, Kinh Dương Vương, Mang Viên Long, Hoàng Ngọc Hiển, Mường Mán…)
Cuối tháng 10 năm 71-có dịp vào Saigon, tôi ghé lại 38, Phạm Ngũ Lão thăm Văn. Hôm ấy gặp cụ Nguyễn Đình Vượng đang ngồi chuyện trò với anh Trần Phong Giao ở bàn thư ký tòa soạn. Anh Trần Phong Giao giới thiệu tôi với Ông Nguyễn Đình Vượng . Ông bình thản đưa tay bắt-như với người bạn nhỏ rất thân tình. Ông giản dị trong bộ áo quần pyjama rộng mầu xanh nhạt-người cao gầy-mái tóc đã điểm bạc-nhưng giọng nói khỏe khoắn, cởi mở, của một người dày dạn kinh nghiệm- yêu chuộng văn học như ước mơ lớn nhất của dời mình. Đã từ lâu-tôi nghe tiếng ông về những đầu tư bất vụ lợi cho văn học bằng các cơ sở ấn loát sách báo, và sự giúp đỡ cho văn thi sĩ có hoàn cảnh khó khăn với lòng đam mê trong sáng.
Dịp này-anh Trần Phong Giao đề nghị : “ Tập truyên sau cùng của Y Uyên có tên “ Có Loài Chim Lạ” do nguyệt san Tân Văn ấn hành sắp xong, nhân kỷ niệm ngày giỗ sắp đến của Uy-trong tập ấy, chúng tôi có sử dụng truyện “ Một Câu Chuyện Tình “ của Long, vậy tòa soạn sẽ chuyễn khoản tiền nhuận bút và lợi nhuận có được cho gia đinh Uy-Long nghĩ sao? “. Tôi vui mừng : “ Các anh làm vậy thì quá quý rồi, còn nghĩ gì nữa? “. Anh Trần Phong Giao đã thay mặt tòa soạn Văn ( và Tân Văn) viết trang đầu sách như sau: “ Nhân giáp ngày giỗ Y Uyên, chúng tôi cho ấn hành tập truyện cuối cùng của anh, gọi là thắp nén tâm hương tưởng niệm người đã khuất (…) “. Tôi lại nhắc đến kỷ niệm nhỏ này-để muốn nói lên sự biết ơn của người cầm bút đối với Văn khi tình trạng cô độc và hầu như bị bỏ rơi của giới cầm quyền thời ấy với anh chị em văn nghệ sĩ.

Những ngày đang chuẩn bị rời trường học , tạm xa Tuy Hòa để thi hành lệnh tổng động viên-tôi nhận được thư của Tòa soạn Văn, do anh Trần Phong Giao viết: “ Sắp đến Tân Văn sẽ chọn của Long các truyện ngắn đã đăng trên Văn và Vấn Đề, để xuất bản tập truyện-tựa đề cho tập truyện tôi đã chọn-“ Có Những Mùa Trăng”-Long thấy có được không? Có ý kiến gì bổ túc thì thư cho biết sớm nhé? (..) “. Nhận được thư của Văn, tôi rất vui vì sự ưu ái quan tâm của tòa soạn đã dành cho những người viết trẻ, ở miền quê xa như tôi .Sự quan tâm, tự nhiên đề nghị xuất bản sách của một tác giả trẻ, quả thật xưa nay cũng rất hiếm. Điều này cho tôi nghĩ rằng, Tạp chí Văn đã bỏ ra nhiều công sức để khám phá, phát hiện cho văn học nhiều cây bút tiếp nối-mà cho mãi đến hôm nay, đã chứng tỏ được khả năng thật sự của chính mình và đang tham gia tích cực cho sinh hoạt VHNT ở trong và ngoài nước …
Tập truỵện in xong, phát hành rộng rãi-một buổi sáng chủ nhật được đi phép ra thành phố Nha Trang, tôi ghé hiệu sách mua báo như lệ thường-bắt gặp “ Có Những Mùa Trăng” được bày bán ở đó. Tôi mua 1 cuốn-và về viết thư thông báo “ địa chỉ mới KBC…” của tôi cho tòa soạn Văn. Một tuần sau, sách đã gởi bảo đảm đến cho tôi ngay. Sau đó, tôi nhận được 3 tờ bưu phiếu tiền nhuận bút, mỗi tờ 10 ngàn đồng ( tính theo giá vàng thì cũng …xấp xỉ 3 lượng). Tôi gởi biếu cho gia đình người anh đông con 1 tờ-còn lại mua sắm máy đánh chữ mới Brother de Lux để làm việc ( máy cũ Olumpia đã trục trặc nhiều rồi)-và có dịp thù tạc lai rai với anh em thỏai mái…Có thể nói-trong cuộc đời cầm bút của tôi, số tiền nhuận bút của báo Văn là …đáng nhớ hơn hết!
Khi mãn thời gian tập tành bò lết ở quân trường Đồng Đế-tôi được trả lại Bộ Giáo Dục để trở về nhiệm sở cũ ( Trường Trung học Tổng Hợp Nguyễn Huệ, Tuy Hòa-Phú Yên)-tiếp tục việc “ cầm phấn chuyên nghiệp” của mình ngay từ đầu.Mùa hè năm ấy, khi đã hoàn tất chuyện làm thư ký cho hội đồng thi Tú Tài Toàn phần ở Nha Trang-tôi có dịp vào Saigon- và ghé 38, Phạm Ngũ Lão. Tôi đến vào buổi chiều-gần hết giờ làm việc. Anh Trần Phong Giao đang tiếp một người bạn trẻ là một nhà thơ ( đến nay thì tôi không còn nhớ tên)-anh vui vẻ hỏi tôi: “ Chiều nay cậu đi “ chơi hoang” một bữa với bọn tớ không? “. Tôi không hiểu rõ ý anh-nhưng nói rất vui được “ tháp tùng” cùng anh một bữa cho biết mùi Saigon.Chiếc xe Jeep của người bạn chở chúng tôi qua cầu chữ Y thì phố vừa lên đèn. Xe dừng lại một chiếc quán như một ngôi biệt thự-có trồng nhiều cây cảnh và nhiều đèn mầu.Chúng tôi uống bia và nhâm nhi món thịt nai chính hiệu. Ba cô chiêu đãi viên phục vụ cho bàn chúng tôi đều trẻ, đẹp-rất modern! Anh Trần Phong Giao cho biết, cô đang ngồi rót bia cho tôi vừa mới từ Campuchia sang đó. Tôi không mấy để ý, nhưng nhìn thấy nước da ngăm ngăm đen của cô-tin là vậy. Thật ra, buổi “ đi chơi hoang” của chúng tôi lúc ấy-giống giống như vào quán bia ôm karaoke bây giờ thôi! Để có chút thư giản, cười cợt, và chuyện trò thoải mái hơn bất kỳ nơi đâu.
Tôi không có nhiều kỷ niệm với Văn như những anh em đi trước tôi-nhưng những điều rời rạc vừa nhắc kể-cho tôi một sự nhớ tưởng rất êm đềm, rất an ủi-trong lúc đang sống thật cô đọc và buồn bã! Thởi tuổi trẻ lang bạt tràn đầy mộng đẹp của chúng tôi đã đi qua-nhưng Tạp chí Văn vẫn còn đó như những ghi dấu rực rỡ cho chặng đường văn học một thời trước năm 1975…

Quê nhà, tháng 10/2010
MANG VIÊN LONG

1 nhận xét:

  1. Con sang thăm chú đây. Nhà mới của chú thật đẹp. Chúc chú luôn vui vẻ, an lành.

    Trả lờiXóa